Hai tàu sân bay Mỹ ở châu Á bị COVID-19 tấn công, Trung Quốc chắc chắn để ý

Mỹ đang có 2 tàu sân bay hoạt động ở tây Thái Bình Dương và giờ cả hai tàu đều đã có vài chục thủy thủ mắc COVID-19.

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt. (Ảnh: US Navy)

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt. (Ảnh: US Navy)

Sau khi có 8 thủy thủ được phát hiện dương tính với virus corona từ tuần trước, tàu sân bay Theodore Roosevel được đưa về đảo Guam để thực hiện việc xét nghiệm nốt cho các thủy thủ còn lại.

Trong một tuyên bố đưa ra tuần trước, Đô đốc Mike Gilday nói rằng tàu Theodore Roosevelt trở về Guam là theo kế hoạch từ trước, và rằng các biện pháp của Hải quân Mỹ sẽ bảo đảm con tàu vẫn có khả năng đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở khu vực.

Cuối tuần qua, FOX News đưa tin có ít nhất 38 thủy thủy trên tàu Roosevelt dương tính với virus corona mới. CNN dẫn lời các quan chức Hải quân Mỹ nói rằng có thể có thêm vài chục thủy thủy nữa mắc bệnh.

Bên cạnh đó, 2 thủy thủ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng nhiễm virus. Vì con tàu này đậu tại cảng ở Yokosuka, Nhật Bản, nên căn cứ đang phải triển khai các biện pháp để ngăn dịch bệnh bùng phát. Tất cả hoạt động không thiết yếu ở đây đều phải dừng lại từ cuối tuần qua và người dân được yêu cầu phải ở nhà, trừ khi ra ngoài mua lương thực.

Tàu Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống đậu tại cảng San Diego đã xuất phát từ tháng 1 để thực hiện hành trình đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tàu Ronald Reagan đậu lâu dài ở Nhật Bản.

Hải quân Mỹ không cho biết các ca nhiễm COVID-19 ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của hai tàu này như thế nào.

Không gian làm việc và sinh sống hạn chế trên tàu có thể khiến các thủy thủy dễ lây bệnh của nhau. Năm 2002, hơn 300 thủy thủ trên tàu Roosevelt bị cúm khi đi huấn luyện ở Đại Tây Dương.

Lầu Năm góc đã triển khai một số biện pháp như dừng di chuyển quân trên toàn cầu. Nhưng các binh lính tiếp tục sống và tập luyện gần nhau.

Trung Quốc có thể chớp thời cơ

Tại châu Á, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược dịch chuyển ưu tiên từ Trung Đông sang châu Á. Một trong những bận tâm lớn nhất ở khu vực của Mỹ là các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino, tuần trước nói với AP rằng chưa rõ tàu Roosevelt sẽ phải ở lại Guam trong bao lâu và lịch trình sẽ được điều chỉnh nếu cần. Ông cho biết không có thủy thủ nào bị ốm nặng nhưng một số người đã phải nhập viện.

Theo các chuyên gia, Roosevelt dừng hoạt động sẽ không dẫn đến thay đổi ngay lập tức trong cân bằng quyền lực ở châu Á, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ để ý.

“Bạn có thể cược rằng Trung Quốc đang theo dõi rất sát sao diễn biến này. Thực sự là sự việc xảy ra vào thời điểm nguy hiểm đối với các quốc gia ở Đông Nam Á và Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là chỉ tạm chia cắt”, Michael Mazza, một chuyên gia về châu Á tại Viện doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn chính sách ở Washington, nói với Thời báo New York.

Theo ông Mazza, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi đây là sự suy yếu tạm thời của Mỹ.

Ông Mazza cho rằng ông Tập có thể có bước đi nào đó đối với Đài Loan hoặc trên biển Đông “một mặt để chuyển sự chú ý của dư luận khỏi những khó khăn trong nước và tập hợp đoàn kết trong Đảng, mặt khác để chớp cơ hội xem có thể làm những gì”, ông Mazza nói.

“Tình trạng hiện nay của tàu Roosevelt chắc chắn không giúp gì trong việc ngăn chặn những cám dỗ đó”, ông nói.

Nhưng ông Michael O'Hanlon, một chuyên gia về chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Brookings, cho rằng không nên phản ứng quá mức với việc thủy thủ tàu Roosevelt mắc COVID-19.

Ông cho rằng “cần quan sát tình hình nhưng không nên lo lắng quá mức”.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/hai-tau-san-bay-my-o-chau-a-bi-covid19-tan-cong-trung-quoc-chac-chan-de-y-1633280.tpo