Hai tác phẩm triết học độc đáo của Platon ra mắt độc giả Việt Nam

Yến hội và Phaedrus là hai đối thoại quan trọng của Platon bàn về tình yêu, giới tính và bản năng. Đối thoại thứ nhất bàn về tình yêu và đối thoại thứ hai đi sâu luận giải về cái đẹp.

Sumposion (Yến hội) là danh từ chung chỉ lối sống đặc biệt thuở ấy, tiếng Pháp dịch là le banquet, tiếng anh là symposium, có thể hiểu là tiệc rượu sau bữa ăn chiều. Yến hội là bản tường thuật các phát biểu hoặc diễn từ về tình yêu gợi dục, còn Phaedrus là cuộc trò chuyện bàn về nghệ thuật diễn ngôn bao gồm nhiều loại phát biểu về tình yêu nhục dục.

Hai đối thoại này, cũng như mọi đối thoại của Platon đều là sáng tác hư cấu. Khung cảnh, nhân vật phần nào dính dáng tới lịch sử, qua đó độc giả hiểu thái độ cùng lối sống của giới quý tộc Athens thế kỷ V và IV TCN. Nhưng độc giả không nên xem hai áng văn này là bản tường trình sự việc và đối thoại cụ thể mà do người khác hình dung, không phải Platon.

Cuốn sách "Yến hội và Phaedrus" gồm những đối thoại kinh điển về tình yêu, giới tính và bản năng của triết gia Platon

Cuốn sách "Yến hội và Phaedrus" gồm những đối thoại kinh điển về tình yêu, giới tính và bản năng của triết gia Platon

Chủ đề chính của Yến hội xoay quanh bản chất của Eros, nghĩa là bản chất của tình yêu. Platon đi sâu vào chủ đề qua mấy diễn từ, với những quan điểm khác biệt nhau. Thoạt đầu, ai cũng cho rằng Eros là thèm muốn tình dục. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng Eros có ý nghĩa lớn lao hơn thèm muốn tình dục, thèm muốn tình dục chỉ là biểu hiện giới hạn của cái sâu xa hơn.

Cũng có diễn giả lại nhìn nhận Eros như phương tiện để cụ thể hóa khả năng tiềm ẩn cao nhất của con người trong việc hoàn tất sự hiểu biết về nguyên tắc cao nhất của cái đẹp. Dẫu mỗi người có quan điểm khác nhau, nhưng đều đồng ý đưa ra diễn từ ca ngợi tình yêu, đề cao Eros, thần Tình Yêu mà người La Mã gọi là Cupid.

Phaedrus lại kể về cuộc trò chuyện phức tạp giữa Socrates và Phaedrus, chàng thanh niên cũng đã xuất hiện trong Yến hội.

Trong khi đó, Phaedrus miêu tả những đặc điểm nổi bật của xã hội Athens thời xưa, cụ thể là việc giảng dạy và thực tập nghệ thuật hùng biện.

Đọc Yến hội và Phaedrus, độc giả sẽ được tiếp cận với những quan điểm khác biệt về tình yêu, tình dục của các triết gia Hy Lạp xưa, đặc biệt, tình yêu đồng tính luyến ai, đàn ông yêu đàn ông, đàn ông làm tình với đàn ông. Thể hiện quan điểm khác biệt, đối thoại diễn tả bản chất và ý nghĩa của tình yêu, với quan niệm tình yêu luôn ở hình thái giữa hai người cùng phái.

Chân dung triết gia Platon

Trong diễn từ của mình, các nhà triết học của buổi yến hội cũng khẳng định rằng, cái đẹp chính là cõi huyền bí của tình yêu, “bắt đầu từ cái đẹp khác nhau luôn luôn đi lên nhắm đích đạt tới cái đẹp đó. Như người sử dụng cầu thang, người đó đi từ một thân hình sang hai thân hình, từ hai thân hình sang mọi thân hình đẹp, rồi từ thân hình đẹp sang việc làm đẹp, từ việc làm đẹp sang sang hình thức học hỏi đẹp. Từ hình thức học hỏi người đó tới cuối bài học, đó là học hỏi về chính cái đẹp đó, hoàn tất tiến trình học hỏi cái đẹp thực sự là gì”.

Tiếp tục đề tài tình yêu, trong Phaedrus, triết gia Socrates cũng đồng ý rằng, tình yêu là xung lực chứa đầy cái đẹp, cái tốt, cái hay, một loại điên rồ tuyệt vời đưa tâm hồn bay bổng lên cao và có thể dẫn dắt tâm hồn vào con đường tiến tới sự thật. Đem lòng yêu và yêu thực sự là giây phút đưa con người trên đường đi lên gặp tình yêu hòa nhập trong cái đẹp tuyệt vời tiềm ẩn nơi sự thật.

“Yến hội đan xen khéo léo các quan điểm và ý tưởng khác nhau về bản chất của Tình Yêu: là phản ứng trước cái đẹp, sức mạnh siêu nhiên, động lực thúc đẩy hành động xã hội hay phương tiện giáo dục về mặt đạo đức”. (Penguin Books)

Cuốn sách mang đậm nội dung triết lý cũng như phẩm chất văn chương, cung cấp cứ liệu thích hợp cho việc tìm hiểu vấn đề nên đọc đối thoại của Platon như thế nào.

Đề tài gần gũi và hấp dẫn, xoay quanh tình yêu và cái đẹp được trình bày giản dị, sáng rõ và lãng mạn, đã khiến Yến hội và Phaedrus trở thành hai tác phẩm được đông đảo độc giả say mê.

Sáng tác vào khoảng các năm 385 - 380 TCN và năm 410 - 405 TCN, từ đó đến nay, Yến hội và Phaedrus vẫn được coi là triết phẩm gây nhiều ấn tượng mà Platon để lại trong sự nghiệp triết học. Bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Đỗ Khánh Hoan đã thể hiện được cung cách ngôn ngữ cổ điển, đầy chỉnh chu, uyển chuyển, tinh tế giúp độc giả phần nào tiếp cận được đúng tinh thần của hai tác phẩm triết học độc đáo này.

Platon (thế kỷ V - VI TCN) là triết gia Hy Lạp cổ đại, được xem là thiên tài trong nhiều lĩnh vực. Cùng với người thầy Socrates và người học trò Aristotle, bộ ba nhà tư tưởng này là trụ cốt của nền triết học phương Tây cổ đại. Các tác phẩm của Platon như: Cộng hòa, Ngày cuối trong đời của Socrates, Yến hội và Phaedrus…

PHONG LINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hai-tac-pham-triet-hoc-doc-dao-cua-platon-ra-mat-doc-gia-viet-nam-638359.html