Hải sản sống: Ăn thế nào mới an toàn?

Các món hải sản sống như sushi hay sashimi tuy rất ngon miệng và giàu dinh dưỡng nhưng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu bạn không cẩn thận. Khi ăn sống, bạn cũng cần biết cách chọn hải sản tươi ngon để bạn phòng tránh một số nguy cơ từ thực phẩm này.

Hải sản nếu không được nấu chín có thể gây ra các vấn đề sức khỏe sau đây:

1. Thiếu vitamin B1

Theo trang MedlinePlus, thói quen ăn cá hoặc hải sản có vỏ sống có thể khiến bạn bị thiếu vitamin B1 hay còn gọi là thiamine. Đây là một loại vitamin quan trọng giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện chức năng thận và phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Vì thế, bạn nên ăn cá và hải sản đã nấu chín để không gây ảnh hưởng đến mức độ thiamine trong cơ thể. Điều này là vì quá trình nấu chín thức ăn có thể phá hủy và loại bỏ các chất ảnh hưởng tới thiamine.

2. Ngộ độc thực phẩm

Hải sản sống có thể gây ngộ độc thực phẩm, tình trạng xảy ra khi bạn dùng nước hoặc thực phẩm có chứa độc tố, vi khuẩn hoặc virus. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, lả người, buồn nôn và nôn. Nguy cơ này sẽ giảm nếu bạn nấu chín thực phẩm trước khi ăn.

3. Viêm gan siêu vi

Viêm gan siêu vi là một bệnh về gan thường gặp và thường do virus viêm gan siêu vi gây ra. Một nguyên nhân có thể gây bệnh này là do nguồn nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn. Trung tâm Y tế Đại học Maryland khuyến nghị bạn nên tránh ăn cá sống hay chưa chín kỹ, đặc biệt là khi đi du lịch, để giảm nguy cơ bị nhiễm virus viêm gan.

Cách ăn hải sản sống an toàn

Hải sản sống tuy có thể dẫn đến nguy cơ sức khỏe nhưng lại chứa nhiều dưỡng chất quan trọng và cũng rất ngon miệng nên bạn không cần bỏ hẳn món này ra khỏi thực đơn. Thay vào đó, bạn có thể lưu ý những điều sau khi mua, lưu trữ và sơ chế hải sản chưa qua nấu nướng.

1. Khi mua hải sản

Khi tìm mua hải sản để ăn sống, bạn cần chú ý:

– Tìm mua hải sản được đông lạnh khoảng dưới 4°C.

– Chọn hải sản vẫn còn sáng màu, chắc thịt và không bị quá tanh.

2. Khi bảo quản tại nhà

Khi mua hải sản tươi sống về nhà, bạn nên bảo quản theo những cách sau:

– Bảo quản cá tươi sống trong hộp kín trong tối đa 2 ngày.

– Bảo quản nghêu, cua, tôm càng, tôm hùm, trai và hàu sống trong các thùng xốp thông khí.

– Bảo quản hải sản tươi dưới 4°C.

3. Khi sơ chế hải sản

Trước khi ăn hải sản, bạn có thể sẽ cần cắt lát hay nêm nếm thực phẩm. Để thực hiện bước sơ chế này an toàn, bạn có thể lưu ý những điều sau:

– Bạn nên dùng thớt và các dụng cụ sơ chế riêng biệt khi sơ chế hải sản.

– Rửa tay, thớt và các dụng cụ nấu ăn thật kỹ khi chuyển từ sơ chế hải sản chưa được nấu sang sơ chế các món chín.

Nếu đi ăn hải sản sống ngoài hàng, bạn cần chọn nơi uy tín và sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe hơn.

Các món hải sản sống rất thơm ngon, bổ dưỡng nhưng cũng có thể mang tới nhiều nguy cơ sức khỏe như ngộ độc hay viêm gan. Vậy nên, bạn hãy thật kỹ càng khi chọn lựa, bảo quản cũng như sơ chế loại thực phẩm này để bảo vệ sức khỏe nhé.

Như Vũ

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hai-san-song-an-the-nao-moi-an-toan-67474.html