Hải sản Nhật đang bơi: Sáng ở Tokyo, chiều lên bàn nhậu Hà Nội

Một danh sách dài hải sản Nhật Bản vừa được công ty nhập khẩu đóng hàng, chuyển về Việt Nam trong ngày...

Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ của các nhà hàng Nhật, món ăn Nhật cũng được người Việt ưa chuộng.

Ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc Phòng thực phẩm, nông lâm thủy sản của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), cho hay, Việt Nam là một trong những thị trường kinh doanh thực phẩm tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là mặt hàng thủy hải sản.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống của Nhật Bản, đặc biệt là thủy sản, bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua các công ty phân phối từ năm 1998. Đến nay, số lượng các công ty này ngày một nhiều và mức độ cạnh tranh cũng cao hơn. Nhiều nhà hàng Nhật cũng đang nhập hải sản về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cầu kỳ hơn, hải sản Nhật tươi sống được vận chuyển bằng máy bay trong 24 giờ. Dù giá khá cao so với hải sản trong nước nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không ngại chi tiền để mua hải sản nhập khẩu từ Nhật.

 Hải sản tươi sống từ Nhật.

Hải sản tươi sống từ Nhật.

Tại Hatoyama, những loại hải sản chuyển trực tiếp từ Nhật về trong 24 giờ gồm: Otoro bụng cá ngừ vây xanh, Akami thịt thăn lưng cá ngừ vây xanh, Kinmedai cá hồng lửa, Simaaji cá Khế Nhật, Kinki cá đỏ Nhật, cá bơn Hirame, Kampachi cá Cam đuôi vàng, Mekajiki cá Kiếm, ngao Nhật, sò điệp Hotate, bạch tuộc nước, hàu đá, trứng cầu gai Uni, ốc gai, Akagai sò Dương, cá ngừ Nhật,...

Tương tự, Azuma - một công ty của Nhật - cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo đó, hải sản Nhật sẽ đóng hàng, chuyển bằng máy bay đến cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngay trong ngày. Cách đây không lâu, Owase Bussan giới thiệu tại buổi giao thương với mặt hàng cá cam nuôi dựa trên chứng nhận SQF - chứng nhận về nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn để có thể ăn sống hoặc kho, nấu, làm món sashimi. Còn Yamanaka giới thiệu hàu nguyên vỏ đông lạnh, đây là sản phẩm có thể ăn sống và có hạn sử dụng tới 1 năm nhờ kỹ thuật đông lạnh đặc biệt.

Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng Nhật Bản như AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho đã liên tiếp được mở ra nhằm mở rộng thị phần và đáp ứng nhu cầu người dân với nhiều mặt hàng cá hồi, trứng cá hồi, trứng cá tuyết, bạch tuộc hấp, cá ngừ đại dương,...

Đánh giá chung của các doanh nghiệp Nhật, Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn cho các DN cung cấp thủy hải sản bởi thói quen tiêu dùng hải sản của người Việt ngày càng tăng. Hơn nữa, các sản phẩm hải sản của Nhật có chất lượng cao, bảo quản tốt đảm bảo sự tươi ngon, nhiều chủng loại đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp.

Theo đánh giá của JETRO, năm 2016 Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Thực phẩm Nhật đắt khách.

Riêng xuất khẩu thủy sản của Nhật sang Việt Nam đạt trung bình 20 tỷ yên/năm, chiếm 60% trong tỷ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Nhật xuất sang Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu thủy sản từ Nhật để gia công chế biến, tái xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với mặt hàng chủ yếu là cá hồi, cá tuyết, cá thu đao,...

Cũng tại Việt Nam, những năm gần đây, số lượng nhà hàng Nhật Bản có xu hướng tăng nhanh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các DN ngành thực phẩm của Nhật.

Sự đổ bộ của hải sản Nhật tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước song đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam. Sự cạnh tranh là tất yếu trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Theo Nam Hải/Zing

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tien-thi-truong/hai-san-nhat-dang-boi-sang-o-tokyo-chieu-len-ban-nhau-ha-noi-27208.html