Hai sai không bằng một đúng

Thuật ngụy biện luôn đánh lừa cảm quan lẫn tư duy của nhiều người bằng chiêu thức 'hai sai bằng một đúng'. Nghĩa là, lấy một cái sai để chống lại một cái sai sẽ thành một cái đúng.

Luật sư nói gì về vụ nhân viên rạp CGV phát tán hình ảnh “nóng” của khán giả lên mạng

Tung hình ảnh sex của khách trong rạp chiếu phim lên mạng; post đoạn clip sex của khách hàng uống trà sữa lên facebook; bắt được đối tượng trộm chó, đánh, rồi cột con chó vào cổ của đối tượng để chụp ảnh loan truyền trên Internet…

Có rất nhiều câu chuyện vi phạm pháp luật được (hoặc bị) cho trôi qua một cách vô thanh vô ảnh, mặc dù nền tảng của xã hội văn minh chính là thượng tôn pháp luật.

Điều này càng rõ hơn khi chứng kiến phản ứng của đám đông với những hình ảnh nhạy cảm của cặp đôi trong rạp chiếu phim, trong quán trà sữa bị tung lên mạng Internet.

1. CGV – cụm rạp chiếu phim có quy mô lớn nhất nước hiện nay vừa vướng vào một vụ lùm xùm. Nhân viên giám sát camera an ninh trong rạp của CGV chụp lại hình ảnh của hai khách nam và nữ có hành vi gần gũi tại dãy ghế riêng tư SweetBox của một rạp phim nằm trong hệ thống của CGV.

Ngay lập tức, có hẳn một chiến dịch nhục mạ hai khách hàng trên của CGV hiện hữu. Tất nhiên, với một đơn vị làm dịch vụ như CGV thì họ thừa khả năng lẫn tài chính để dựng lên một chiến dịch tấn công nhằm vào cái sai của khách hàng.

Nhưng, điều đáng bàn là CGV ngang nhiên xâm phạm quyền nhân thân của người khác lẫn tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy lại không bị xét đến từ dư luận cũng như các cơ quan chức năng.

Minh họa: Hùng Dingo.

Tôi không lạm bàn về đạo đức kinh doanh hay vì sao nhân viên CGV không ngăn chặn khách ngay từ ban đầu để tránh hành vi quá trớn, bởi đó không phải là mục đích chính của bài viết này.

Vấn đề chính là, đám đông vẫn đang mặc định lấy cái sai để chống lại cái sai là một giải pháp hợp lý.

Bất chấp, làm sao trong một xã hội lại có thể duy trì những quy chuẩn về pháp luật theo kiểu tự xử như vậy. Đó là chưa xét đến hành vi của khách có thể vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng hành vi của CGV là hành vi có thể xử lý hình sự.

Cũng như CGV, nhân viên ở quán trà sữa của Thái Nguyên cũng thản nhiên tung đoạn clip sex của khách hàng. Trước đó, những nhân viên này đã trao đổi với nhau cũng như rình rập về phương thức post đoạn clip này lên mạng ra sao, truy tìm facebook của hai khách hàng này như thế nào…

Trên mạng xã hội cũng vừa hiện hữu đoạn clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên trộm chó bị người dân hành hung. Trong clip, đối tượng trộm chó bị người dân hành hung rồi dùng dây trói vào gốc cây ven đường. Để tăng thêm phần kịch tính, người dân còn lấy xác con chó treo lên cổ kẻ trộm. Vụ việc diễn ra tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2013, một cô bé ở Đà Nẵng đã tự tử vì bị nhục mạ trên mạng xã hội. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thời điểm đó là ông Trương Minh Tuấn từng đưa ra con số có đến hơn 5 trường hợp đã tự tử vì bị bôi nhọ trên mạng xã hội.

Rõ ràng, hành vi của CGV cũng như của nhân viên quán trà sữa tại Thái Nguyên hay treo xác chó lên cổ của đối tượng trộm chó sau khi hành hung… nằm trong nhóm hành vi bôi nhọ người khác trên mạng xã hội.

2. Thật đáng buồn là những hành vi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng như vậy vẫn diễn ra hằng ngày. Đánh ghen, lột hết quần áo, quay phim post lên mạng, xông vào nhà nghỉ bắt quả tang mèo mả gà đồng, vừa đánh vừa quay phim post lên mạng… Tất tần tật mọi thứ đều được ghi lại và post lên mạng từ chuyện bé đến chuyện lớn.

Cảm xúc của đám đông là thứ không thể cân đo đong đếm được, và trong cảm xúc luôn có tính kích động đó, người ta nhanh chóng quên đi chuyện không thể duy trì sự ổn định hay trật tự của một xã hội bằng những hành vi tự xử.

Đáng tiếc nhất là các cơ quan quản lý lại thờ ơ với chính những hành vi này, thay vì những cơ quan quản lý phải giúp đám đông tự kiểm soát cảm xúc bằng việc thực thi các điều khoản theo luật định.

Làm sao có thể tin được rằng một xã hội có pháp luật nhưng những công dân của xã hội đó lại sử dụng cách đòi công lý cho riêng mình. Làm sao có thể tin được rằng người ta có thể thỏa mãn và cảm thấy hợp lý khi chứng kiến một đơn vị hay cá nhân lấy cái sai này để trừng trị cá nhân kia.

Và chính sự im lặng của những cơ quan quản lý – đơn vị được giao quyền hạn và nhiệm vụ giữ gìn kỷ cương của xã hội lại im lặng, một sự im lặng hệt như đồng lõa.

3. Khi mà nhiều người còn nhầm tưởng những ví dụ điển hình tôi nêu phía trên bài viết này là nhỏ nhặt, mới kéo đến những hệ lụy khác lớn hơn. Đều có tính chất bắt cầu cả.

Cái sai nhỏ từ hôm nay không bị giám sát xử lý, sẽ hình thành nên cái sai lớn hơn, những mâu thuẫn lớn hơn. Kiểu như một vài lãnh đạo thấy BOT đặt sai vị trí là bất hợp lý nhưng vẫn mong nhân dân thông cảm mà chấp nhận vậy.

Rõ ràng, không thể nào vừa cảm thấy thỏa mãn về cảm xúc khi chứng kiến một cái sai chống lại một cái sai lại vừa mong muốn được sống trong một xã hội lấy pháp luật là chuẩn mực được.

Cơn bão hôm nay chính là do cơn gió của hôm qua mang lại, và khi những cái sai còn bị phớt lờ, còn bị xem nhẹ để cho qua thì cũng chính là lúc người ta đã chủ động gieo một cái nhân tiêu cực để chờ ngày gặt quả xấu vậy.

Bởi làm sao có một tương lai tốt đẹp khi mà vô tình hay cố ý, người ta vẫn vỗ tay đồng tình với những hành vi vi phạm pháp luật hiển nhiên.

Ngô Nguyệt Lãng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/16githang___-hai-sai-khong-bang-mot-dung-505389/