Hải quân TQ tính lại kế hoạch chi tiêu vì chiến tranh thương mại

Trung Quốc đang phải xem xét lại các kế hoạch đóng tàu của hải quân trước những thách thức về nhiều mặt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng gay gắt.

Trong khi mục tiêu hiện đại hóa quân đội vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, các quan chức cấp cao nước này không khỏi lo ngại về chi phí "ngất ngưởng" để chế tạo thế hệ tàu quân sự mới, như tàu sân bay và tàu khu trục.

Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định có thể chịu đựng được tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, song các nhà quan sát cho rằng Hải quân Trung Quốc đang chịu sức ép phải điều chỉnh kế hoạch chi tiêu vì không chắc chắn về triển vọng kinh tế của đất nước, cũng như phát triển công nghệ và nhân sự chậm hơn dự kiến.

"Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ cần cẩn trọng với số tiền chi cho các tàu chiến mới", một nguồn tin giấu tên từ quân đội nói với South China Morning Post.

Trung Quốc muốn phát triển hạm đội hải quân của mình nhưng đây là việc rất tốn kém. Ảnh: AFP.

Trung Quốc muốn phát triển hạm đội hải quân của mình nhưng đây là việc rất tốn kém. Ảnh: AFP.

Ví dụ, với một hàng không mẫu hạm (tàu sân bay), giá của nó gồm cả vũ khí công nghệ cao như hệ thống điều khiển và liên lạc, các máy bay chiến đấu, cùng với chi phí cơ bản để chế tạo thân tàu, vào khoảng 50 tỷ nhân dân tệ (7,2 tỷ USD).

Nhiều kế hoạch bị lung lay

Kế hoạch chế tạo 8 tàu khu trục Type 055 thế hệ mới, loại lớn nhất trong đội tàu của Trung Quốc với độ giãn nước 12.000 tấn, dài 180 m, rộng 20 m, cũng cần phải xem xét lại, nguồn tin cho biết.

Trung Quốc đã hạ thủy 4 siêu khu trục hạm loại này trong vòng chưa đầy một năm. Đây là lớp tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay. Thậm chí Bắc Kinh còn khẳng định rằng Type 055 là một trong những khu trục hạm hiện đại nhất thế giới, sánh ngang lớp tàu khu trục Zumwalt của Hải quân Mỹ hiện tại.

"Mỗi chiếc Type 055 có giá hơn 6 tỷ nhân dân tệ, đắt gấp đôi so với Type 052D, tàu chiến chính hiện tại của Hải quân (Trung Quốc)", nguồn tin nói.

Tuy nhiên, chi phí không chỉ dừng ở việc chế tạo mà còn bao gồm cả công đoạn vận hành tốn kém và sau cùng là phí bảo trì. Các tàu sân bay sau nửa năm cần cập cảng để kiểm tra và sửa chữa. Điều này đặt thêm gánh nặng lớn cho ngân sách của hải quân.

Bất chấp điều này, chuyên gia hải quân Li Jie đóng tại Bắc Kinh cho biết nước này đã lên kế hoạch triển khai 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, trong đó 3 nhóm sẵn sàng chiến đấu ở bất kỳ thời điểm nào.

Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay: tàu Liêu Ninh - tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô, được mua từ Ukraine năm 1998, đã phục vụ lực lượng Hải quân Trung Quốc vào năm 2012 và Type 001A, tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước, dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh.

Tàu sân bay Trung Quốc Type 001A. Ảnh: Imaginechina.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dự định nâng cấp các phi cơ trên tàu sân bay Type 075 và Type 002.

"Tàu sân bay Type 075 có thể sẽ được trang bị máy bay cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng ngang cơ với máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Hải quân Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thành thạo công nghệ", một nguồn tin của Hải quân Trung Quốc cho biết.

F-35 là chương trình vũ khí đắt nhất của Washington, với chi phí dự kiến hơn 428 tỷ USD. Nhật Bản có kế hoạch mua hơn 40 chiếc F-35B cho hai tàu sân bay đa năng được chuyển đổi lớp Izumo của họ.

Không giống như ở tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A, các máy bay chiến đấu J-15 có thể tự cất cánh, tàu sân bay Type 002A sẽ được trang bị hệ thống máy phóng máy bay. Do đó, Hải quân Trung Quốc sẽ phải phát triển loại máy bay chiến đấu mới có thể so sánh với F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ để đi cùng với nó.

"Trung Quốc có thể cần từ 10 đến 20 năm để phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu thích hợp với tàu sân bay mới, có nghĩa là J-15 có thể sẽ là 'chiến binh' chính trong một thời gian, mặc dù nó vẫn gặp vấn đề về động cơ và kỹ thuật bay", nguồn tin cho biết.

Còn xa mới đuổi kịp Mỹ

Trong 3 thập kỷ qua, Hải quân Trung Quốc đã nhanh chóng tăng mức chi tiêu quốc phòng hàng năm ở mức hai con số từ năm 1989 - 2015 nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế "thần tốc".

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, tính đến năm 2018, Hải quân Trung Quốc có hơn 300 tàu, so với 287 tàu của Mỹ.

Trong giai đoạn 2014-2018, Bắc Kinh đã hạ thủy các tàu hải quân với tổng trọng lượng 678.000 tấn, nhiều hơn tàu của hải quân Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Đài Loan cộng lại, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London.

Còn theo số liệu từ Bắc Kinh, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã chế tạo 84 tàu chiến mới trong 7 năm qua, bao gồm 4 tàu khu trục Type 055, 8 tàu khu trục Type 052D và 60 tàu khu trục Type 056.

Trung Quốc đã chế tạo 4 tàu khu trục Type 055 cùng nhiều tàu chiến khác trong 7 năm qua. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming đóng tại Bắc Kinh cho biết mặc dù phát triển mạnh song Trung Quốc vẫn bị tụt hậu so với Mỹ về công nghệ phần cứng và phần mềm.

"Một 'hạm đội biển xanh' thực thụ có khả năng di chuyển đường dài trên biển, nhưng điều đó đòi hỏi mạng lưới hỗ trợ và hậu cần toàn diện mà Hải quân Trung Quốc không có", ông Chenming nói.

"Bắc Kinh có khả năng chế tạo các tàu chiến khổng lồ với độ giãn nước lớn, nhưng quá nhiều không gian trên tàu bị vũ khí và các thiết bị khác chiếm dụng làm giảm chỗ chứa nhiên liệu, từ đó giới hạn phạm vi và thời gian chúng hoạt động trên biển", ông giải thích thêm.

Các tàu chiến tiên tiến của Trung Quốc như Type 055 và Type 052D có phạm vi hoạt động tối đa khoảng 6.000 hải lý, ngắn hơn so với các tàu của Mỹ, chuyên gia quân sự Chenming cho biết.

Một tàu khu trục Type 055 được các tàu kéo lai dắt sau khi hạ thủy. Ảnh: CNN.

"Người Mỹ theo đuổi một chiến lược toàn cầu và thành lập nhiều căn cứ hải quân ở nước ngoài, cho phép tàu của họ thực hiện các chuyến đi dài hơn và tăng hiệu suất hoạt động trên biển. Trung Quốc không có lợi thế này", ông nói.

"Hải quân Trung Quốc thường xuyên bị 'quá tải', giống như khi tham gia vào nhiệm vụ chống cướp biển ở vùng biển Somalia năm 2008 và vấn đề hoạt động trong phạm vi hẹp của các tàu là một trở ngại lớn. Đó là lý do tại sao Trung Quốc cần cơ sở ở Djibouti", ông Chenming nhắc đến căn cứ quân sự do Trung Quốc thành lập tại quốc gia châu Phi nhỏ bé năm 2017.

Trung Quốc đã thành lập cơ sở bảo trì và sửa chữa sau khi hệ thống điện của một trong những khu trục hạm Type-052B Quảng Châu gặp trục trặc trong nhiệm vụ chống cướp biển khác ở Vịnh Aden năm 2010 khiến thủy thủ đoàn mắc kẹt.

"Thời điểm này Bắc Kinh và Djibouti đã chính thức thiết lập quan hệ quân sự. Chính Hải quân Pháp đã giải cứu các thủy thủ của Type-052B Quảng Châu", theo nguồn tin của hải quân. "Và chính điều này đã thúc đẩy Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự của mình ở Djibouti".

Cả chặng đường dài phía trước

Song Zhongping, cựu sĩ quan quân đội và nhà phân tích quân sự ở Hong Kong, nhận định rằng Hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn cạnh tranh với Mỹ.

"Mỹ có 'hạm đội biển xanh' mạnh nhất thế giới với lịch sử hơn một thế kỷ. Vì vậy các tàu chiến của họ đã trải qua nhiều vòng phát triển", ông nói.

"Ngoài ra, các tàu hải quân Mỹ rất thành thạo trong việc điều hành đội hình chiến đấu, đó là điều mà người Trung Quốc vẫn đang học cách làm".

Adam Ni, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho biết bên cạnh việc tìm kiếm nguồn tiền để chế tạo tàu chiến mới và duy trì hạm đội đang phát triển của mình, các chỉ huy Hải quân Trung Quốc phải cân bằng các vấn đề khác.

"Có những ưu tiên cạnh tranh nhau, như thủy quân lục chiến, hàng không hải quân và tàu ngầm", ông nói.

Theo Adam Ni, Hải quân Trung Quốc đang xem xét lại các mục tiêu chiến lược dài hạn của mình giữa nhiều yêu cầu đặt ra.

Với việc trang bị các thiết bị công nghệ cao, một tàu sân bay có thể bị "đội giá" lên tới 7,2 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Đầu năm nay, Jamestown Foundation - một nhóm chuyên gia cố vấn của Mỹ, cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng thủy quân lục chiến của họ từ 2-8 lữ đoàn, tương đương khoảng 40.000 quân. Theo một nguồn tin quân sự, chỉ có 4 trong 6 lữ đoàn được thành lập cho đến nay.

"Thành lập 8 lữ đoàn thủy quân lục chiến là mục tiêu lâu dài", nguồn tin nói. "Hầu hết thành viên của bốn lữ đoàn (thủy quân lục chiến) mới được chuyển từ đơn vị đổ bộ".

Việc chuyển các binh lính đổ bộ vào lực lượng hải quân là một phần trong chương trình cải cách hải quân do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động năm 2015. Theo đó, lực lượng mặt đất đang bị tinh giản trong khi lực lượng hải quân được mở rộng để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ngoài khơi.

Theo Lu Li-shih, một chỉ huy đã nghỉ hưu của Hải quân Đài Loan, các hoạt động đổ bộ của lực lượng mặt đất không giống như khi thực hiện trên biển. Nếu lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc muốn cạnh tranh với đối tác Mỹ, họ sẽ phải cải thiện đồng thời các kỹ năng vận hành trên bộ, trên không và trên biển.

Kể từ năm 2018, Hải quân Trung Quốc đã sử dụng tàu sân bay Type 071 để gửi các binh lính đổ bộ, hàng không hải quân, tên lửa và các đơn vị hỗ trợ chiến lược đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để huấn luyện chiến đấu trên biển.

Mỗi tàu Type 071 có thể chở theo 900 binh lính, 4 tàu đổ bộ Type 726 và 2 máy bay trực thăng.

"Việc tập huấn của Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy họ đang tiến tới phát triển các hệ thống chỉ huy tích hợp để hỗ trợ các nhóm chiến đấu trong tương lai", ông Lu nhận định.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hai-quan-tq-tinh-lai-ke-hoach-chi-tieu-vi-chien-tranh-thuong-mai-post950233.html