Hải quân Pháp nhận tiêm kích Rafale nâng cấp đầu tiên

Hãng chế tạo Pháp Dassault Aviation vừa bàn giao lô máy bay tiêm kích Rafale F3-R đầu tiên cho lực lượng hải quân nước này.

Số máy bay này sẽ được biên chế cho Biên đội 11F của Hải quân Pháp. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của quân đội Pháp khai thác phiên bản F3-R của dòng Rafale.

Theo nhà sản xuất, Rafale F3-R là phiên bản nâng cấp của dòng máy bay Rafale F3 với nhiều tính năng ưu việt, trong đó trang bị tên lửa không đối không tầm bắn mở rộng Meteor do MBDA của Anh chế tạo.

Để tấn công mặt đất chính xác hơn, Rafale F3-R được trang bị thiết bị ngắm bắn PDL-NG từ Thales của Anh. Ngoài ra, máy bay có một số nâng cấp đáng kể khác như hệ thống kết nối thông tin Link-16 và cải thiện khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Một chiếc Rafale F3-R đang thực hiện bay thử nghiệm. Ảnh: Dassault Aviation.

Ngoài ra, Dassault Aviation có kế hoạch nâng cấp Rafale lên chuẩn F4 trong thời gian sớm nhất, sau khi hoàn thiện biến thể F3. Pháp đặt mục tiêu hoàn thành chương trình Rafale F4 vào năm 2023 và đưa vào biên chế trong quân đội năm 2025. Theo nhiều dự đoán, phiên bản Rafale F4 sẽ được tích hợp biến thể mới của tên lửa đối không MICA, SCALP hoặc tên lửa hành trình hạt nhân chiến thuật ASMP-A.

Pháp đã biên chế tiêm kích Rafale đầu tiên vào Hải quân năm 2004 và Không quân vào năm 2006 nhằm thay thế 7 loại máy bay chiến đấu trước đây của những lực lượng này. Do có kể hoạch duy trì Rafale phục vụ trong cả không quân và hải quân ít nhất đến năm 2040 nên quân đội Pháp đã liên tiếp đầu tư vào hiện đại hóa dòng máy bay này.

Là niềm tự hào của ngành công nghiệp chế tạo hàng không Pháp, dòng máy bay Rafale có thể đạt tốc độ bay tối đa March 2 (2.390km/giờ) và tầm hoạt động gần 3.700km. Máy bay được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến của Pháp về động cơ (M88-4E), ra-đa mạng định pha chủ động (Thales RBE2-AA), công nghệ tàng hình và các hệ thống điện tử hàng không hiện đại khác. Vũ khí chính của Rafale bao gồm một pháo hàng không GIAT 30/719B 30mm và 14 mấu treo cứng bên dưới thân và cánh để lắp bình nhiên liệu phụ và các loại vũ khí đối không, đối đất theo chuẩn Pháp và NATO.

Với hơn 260.000 giờ bay, trong đó có 40.000 giờ thực hiện tác chiến, Rafale đã chứng minh được năng lực trên nhiều chiến trường như Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.

Ngoài quân đội Pháp, Dassault Aviation còn sản xuất máy bay Rafale cho Ai Cập, Qatar, Ấn Độ... Nhiều khách hàng tiềm năng khác như Phần Lan, Malaysia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... cũng quan tâm và cân nhắc việc mua sắm mẫu máy bay này.

PHẠM HUY (theo Defence Blog)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/hai-quan-phap-nhan-tiem-kich-rafale-nang-cap-dau-tien-560396