Hải quân Nga sắp nhận tàu ngầm Lada 'cấu hình sửa đổi' sau... 17 năm thi công

Tàu ngầm Lada thứ hai của Hải quân Nga mang tên Kronstadt đã chuẩn bị hoàn thành giai đoạn thử nghiệm để gia nhập thành phần tác chiến.

Tàu ngầm Lada thứ hai mang tên Kronstadt sau quãng thời gian chế tạo kéo dài kỷ lục tới 17 năm hiện đã chuẩn bị hoàn thành các bài kiểm tra cần thiết để đi vào biên chế.

Tàu ngầm Lada thứ hai mang tên Kronstadt sau quãng thời gian chế tạo kéo dài kỷ lục tới 17 năm hiện đã chuẩn bị hoàn thành các bài kiểm tra cần thiết để đi vào biên chế.

Báo chí Nga cho biết, tàu ngầm Kronstadt thuộc Dự án 677 đã hoàn thành xuất sắc giai đoạn thử nghiệm thứ hai, các bài kiểm tra diễn ra trong phạm vi của Vịnh Phần Lan trong khoảng thời gian 9 ngày.

Theo thông tin báo chí của Nhà máy đóng tàu Admiralty, trong lần đánh giá mới nhất, hoạt động của các hệ thống trên tàu đã được kiểm tra ở trạng thái lặn sâu. Sau khi quay trở lại cơ sở sản xuất, chiếc Kronstadt sẽ được chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, dự kiến vào cuối năm 2022, Hải quân Nga sẽ nhận được chiếc tàu ngầm tấn công diesel-điện thứ hai thuộc lớp Lada - Dự án 677 sau rất nhiều lần trễ hẹn.

Trước đó, thông tin báo chí của Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC) cho biết: "Chiếc tàu ngầm diesel-điện Lada - Dự án 677 thứ hai mang tên Kronstadt được đóng theo một cấu hình sửa đổi".

Chiếc Kronstadt đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển vào giữa tháng 12/2021, sau hai đợt kiểm tra, USC thông báo quá trình đánh giá cho kết quả tích cực và hy vọng sẽ bàn giao cho Hải quân Nga đúng thời hạn cam kết.

Cần lưu ý đó là cấu hình sửa đổi của tàu ngầm Kronstadt cụ thể ra sao không được công bố chính thức. Trên các phương tiện truyền thông Nga, nhiều ý kiến cho rằng chiếc chiến hạm trên được hoàn thiện dựa trên kết quả vận hành thử nghiệm tàu ngầm dẫn đầu của lớp - chiếc St.Petersburg.

Về nguyên tắc, ngay cả USC vẫn chưa có thông cáo báo chí cụ thể nào, họ chỉ cho biết hệ thống điều khiển phương tiện kỹ thuật của tàu, hệ thống động cơ điện và tổ hợp dẫn đường đã được hiện đại hóa trên chiếc Lada thứ hai.

Lada - Dự án 677 thuộc thế hệ tàu ngầm diesel-điện thế hệ thứ tư, nó có độ ồn thấp. Tốc độ khi lặn đạt 21 hải lý /giờ, thủy thủ đoàn 35 người, vũ khí chính là tên lửa Kalibr. Tàu dẫn đầu mang tên St.Petersburg được bàn giao vào năm 2010 và đang đóng vai trò tàu thử nghiệm chiến đấu.

Tàu ngầm Kronstadt được khởi đóng suốt từ năm 2005, nhưng thật đáng ngạc nhiên là phương tiện tác chiến với lượng giãn nước chỉ hơn 1.600 tấn này lại cần tới 13 năm nằm trong nhà xưởng chỉ được hạ thủy vào năm 2018.

Điều này được lý giải là do lớp tàu ngầm Lada mang trong mình quá nhiều công nghệ mới lạ đối với người Nga, nổi bật là động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP).

Nhờ động cơ AIP mà tàu ngầm Lada có thể hoạt động liên tục ở chế độ lặn với thời gian lâu hơn rất nhiều so với lớp Kilo do không phải nổi lên để chạy động cơ diesel nhằm sạc các tấm ắc quy.

Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm cũng như đủ kỹ thuật để chế tạo động cơ AIP mà chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp Lada mang tên Saint Peterburg đã phát sinh rất nhiều lỗi nghiêm trọng.

Động cơ AIP của tàu bị nhận xét là quá thiếu an toàn, dễ gây cháy nổ, do quá trình lưu trữ khí Hydro - "phế phẩm" của quá trình lọc khí Oxy từ nước biển chưa đủ độ tin cậy.

Một số thông tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga thậm chí còn cho hay, tàu ngầm diesel-điện Kronstadt được hoàn thiện mà không hề có động cơ AIP, nếu vậy nó sẽ lạc hậu ngay từ khi được bàn giao.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hai-quan-nga-sap-nhan-tau-ngam-lada-cau-hinh-sua-doi-sau-17-nam-thi-cong-post501716.antd