Hải quân Nga không thể có tàu ngầm AIP trước năm 2027

Trong khi chế tạo tàu ngầm diesel-điện trang bị động cơ đẩy độc lập với không khí (động cơ AIP) không còn là điều quá cao siêu thì rất đáng buồn Nga lại đang gặp bế tắc trong công tác phát triển.

 Hiện nay tàu ngầm diesel-điện lắp động cơ AIP bao gồm Type 212/214 của Đức, Scopene của Pháp hay Type 041 do Trung Quốc chế tạo đang làm mua làm gió trên thị trường vũ khí thế giới.

Hiện nay tàu ngầm diesel-điện lắp động cơ AIP bao gồm Type 212/214 của Đức, Scopene của Pháp hay Type 041 do Trung Quốc chế tạo đang làm mua làm gió trên thị trường vũ khí thế giới.

Trước khoản lợi nhuận rất lớn của thị trường tàu ngầm thông thường thì dĩ nhiên cường quốc xuất khẩu vũ khí như Nga cảm thấy khó mà bỏ qua được.

Đáng tiếc rằng hiện nay Nga lại chưa chế tạo được tàu ngầm sử dụng động cơ AIP để cạnh tranh với nước ngoài, chiếc Kilo 636 đang đánh mất rất nhiều lợi thế cạnh tranh và nhiều lần bị trượt thầu vì thiếu yếu tố trên.

Hải quân Nga từng rất kỳ vọng vào tàu ngầm diesel-điện lớp Lada - Dự án 677 cùng với phiên bản xuất khẩu của nó là Amur-1650 và Amur-950, đây dự kiến sẽ là những tàu ngầm AIP đầu tiên của Nga.

Đáng tiếc rằng quá trình phát triển tàu ngầm lớp Lada và Amur gặp quá nhiều bất lợi, khi chiếc đầu tiên của lớp mang tên Saint Petersburg phải mất hơn 10 năm mới hoàn thiện, tình trạng tương tự cũng đến với chiếc thứ hai mang tên Kronstadt.

Nhưng kể cả khi đã đi vào phục vụ trong Hải quân Nga thì các tàu ngầm lớp Lada vẫn chưa được lắp đặt động cơ AIP, lý do là vì Nga chưa tìm ra cách an toàn để lưu trữ khí Hydro tạo ra trong quá trình chạy động cơ AIP, rất dễ gây cháy nổ.

Trong năm 2017, thậm chí Bộ Quốc phòng Nga còn phải dừng dự án tàu ngầm Lada để bỏ qua chế tạo một lớp tàu ngầm AIP khác hoàn chỉnh hơn mang tên Kalina, dự kiến chúng sẽ ra mắt vào đầu những năm 2020.

Tuy nhiên mới đây trang Flot Prom của Nga dẫn nguồn tin từ Cục thiết kế trung tâm Rubin và Viện nghiên cứu trung tâm về kỹ thuật và công nghệ điện tàu thủy (TSNII SET) cho biết công việc nghiên cứu động cơ AIP đã bị đình chỉ.

Nguyên nhân chính dẫn tới quyết định trên được cho là do nguồn kinh phí chưa được bảo đảm, các nhà khoa học Nga chưa được cấp tiền nghiên cứu từ khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây.

Đại diện của các doanh nghiệp cho biết thêm, quá trình bắt đầu thử nghiệm động cơ AIP trên tàu ngầm lớp Lada - Dự án 677 chỉ có thể bắt đầu vào giai đoạn cuối của chương trình mua sắm vũ khí cấp nhà nước, tức là năm 2027.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong ít nhất là 8 năm nữa ngành đóng tàu quân sự Nga vẫn chưa thể nào chế tạo được tàu ngầm AIP để cạnh tranh cùng các đối thủ cũng như trang bị cho hải quân mình.

Ưu điểm chính của động cơ AIP đó là giúp gia tăng khả năng hoạt động bí mật của tàu ngầm, khiến con tàu có thể ở dưới nước mà không phải nổi lên để sạc pin trong 2 - 3 tuần.

Ông Valery Polovinkin - Giám đốc khoa học của Trung tâm nghiên cứu nhà nước Krylov nói với Flot Prom rằng Ấn Độ quan tâm đến sự phát triển của động cơ AIP và họ có thể là nơi cung cấp kinh phí cần thiết.

Tuy nhiên điều này khó mà thành hiện thực khi New Delhi đã được Pháp cung cấp đầy đủ công nghệ để chế tạo tàu ngầm AIP lớp Kalvari - một biến thể của Scorpene.

Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng mốc thời gian 2027 chưa đảm bảo rằng Nga đã có tàu ngầm AIP ngay, bởi vì vẫn phải trừ hao thời gian khắc phục lỗi kỹ thuật phát sinh.

Phương án nhanh nhất hiện nay của Nga trong giai đoạn vẫn bị phương Tây cấm vận có lẽ là phải sang Trung Quốc để mua công nghệ động cơ AIP mà Bắc Kinh vẫn dùng trên các tàu ngầm Type 041 của họ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-hai-quan-nga-khong-the-co-tau-ngam-aip-truoc-nam-2027/802157.antd