Hải quân Nga gây áp lực với Mỹ bằng chiến hạm... 40 năm tuổi

Khu trục hạm Mỹ USS Donald Cook (DDG-75) được báo cáo vừa tiến vào Biển Đen hôm thứ Bảy, ngay lập tức Hải quân Nga đã cử tàu chiến của mình theo sát đối phương.

 Khu trục hạm USS Donald Cook (DDG-75) là "khách quen" của Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga trong những năm vừa qua, nó trở nên nổi tiếng sau những vụ bị cường kích Su-24 "tạt đầu".

Khu trục hạm USS Donald Cook (DDG-75) là "khách quen" của Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga trong những năm vừa qua, nó trở nên nổi tiếng sau những vụ bị cường kích Su-24 "tạt đầu".

Chiếc chiến hạm này là một con tàu thuộc lớp Arleigh Burke rất hiện đại, được khởi đóng ngày 9/7/1996, hạ thủy ngày 3/5/1997 và chính thức làm nhiệm vụ từ ngày 4/12/1998.

USS Donald Cook thuộc thế hệ II (Flight II) của lớp khu trục hạm Aegis nổi tiếng, thay đổi lớn nhất là nó bổ sung hangar trực thăng để có thể mang theo máy bay trong những chuyến hải trình dài.

Con tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.756 tấn và khi đầy tải lên tới 8.900 tấn với chiều dài 154 m; chiều rộng 20 m; mớn nước 9,4 m; thủy thủ đoàn 210 người.

"Bộ não" của khu trục hạm USS Donald Cook là hệ thống tác chiến Aegis xoay quanh trọng tâm là 4 radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/SPY-1D vô cùng hiện đại.

Trên tàu có 96 ống phóng thẳng đứng Mk 41, tương thích tên lửa phòng không tầm xa SM-2, tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3, tên lửa phòng không đa năng SM-6, tên lửa hành trình đối đất BGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Chiếc DDG-75 khác với nhiều khu trục hạm Arleigh Burke ở chỗ vẫn giữ lại cụm ống phóng nghiêng Mk 141 của tên lửa hành trình diệt hạm RGM-84 Harpoon chứ không tháo bỏ.

Sự có mặt của chiếc khu trục hạm tối tân và đắt tiền USS Donald Cook tại biển Đen được cho là động thái nhằm gây áp lực lớn lên Nga, khi tình hình khu vực còn có nhiều căng thẳng.

Nhưng điều gây ngạc nhiên nhất đó là việc Hải quân Nga lại cử một chiến hạm rất lạc hậu và cũ kỹ của mình theo sát chiếc khu trục hạm cực kỳ tối tân của Mỹ, đó là tàu Pytlivy.

Chiếc Pytlivy số hiệu 868 được đóng tại Nhà máy Yantar ở Kaliningrad từ năm 1979, đến nay nó sắp tròn 40 tuổi và theo thông lễ sử dụng của nhiều lực lượng hải quân trên thế giới thì phải loại biên cách đây cả chục năm.

Pytlivy có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.300 tấn và lên tới 3.575 tấn khi mang đầy tải. Chiều dài 123,5 m; chiều rộng 14,1 m; mớn nước 4,6 m; thủy thủ đoàn lên tới 200 người do mức độ tự động hóa khá kém.

Trái tim của Pytlivy là 2 động cơ turbine khí M-62 công suất 7,4 MW hoặc DS71 13.4 công suất 11.150 kW dùng cho chạy hành trình, tốc độ tối đa 32 hải lý/h (59 km/h), tầm hoạt động 4.995 hải lý (9.251 km) nếu chạy ở tốc độ tiết kiệm 14 hải lý/h (26 km/h).

Hệ thống điện tử của tàu gồm radar trinh sát đường không MR-755 Fregat-M/Half Plate, radar điều khiển hỏa lực Purga cho tác chiến chống ngầm.

Ngoài ra còn có 2 radar Drakon/Eye Bowl và 2 trạm MPZ-301 Baza/Pop Group, thiết bị định vị thủy âm (sonar) MGK-345 Bronza/Ox Yoke dạng gắn liền.

Vũ khí của tàu khá mạnh trong đó nổi bật là cụm 4 ống phóng tên lửa chống ngầm SS-N-14 Silex có thể dùng để chống lại cả tàu mặt nước.

Hỗ trợ cho tên lửa là 2 giàn rocket chống ngầm RBU-6000. Tàu có còn ray phóng của tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 Gecko (40 quả) và 2 pháo 76 mm nòng đôi bố trí phía sau.

Mặc dù vậy dễ nhận thấy rằng con tàu trên đã quá lạc hậu, khó mà phát huy hiệu quả trong tác chiến hiện đại nhất là khi đối tượng của nó là Hải quân Mỹ, nguy cơ kẻ đi săn lại bị săn đuổi là hiện hữu.

Có lẽ để gây áp lực hiệu quả lên người Mỹ thì Nga cần phải điều tới đây những chiến hạm mạnh và hiện đại hơn nhiều chứ không phải con tàu sắp tròn 40 năm tuổi này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-hai-quan-nga-gay-ap-luc-voi-my-bang-chien-ham-40-nam-tuoi/797078.antd