Hải quân Mỹ - Trung khó tránh chạm trán trên biển

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc John M.Richardson tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khu trục hạm USS Decatur (trái) buộc phải đổi hướng để tránh tàu chiến Trung Quốc áp sát hôm 30.9 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Sau vụ tàu khu trục Mỹ suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng trước, Đô đốc John M.Richardson (ảnh) đến châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu thắt chặt quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược tại khu vực.

Trong lúc dừng chân tại Canberra (Úc) sau chuyến thăm Philippines và Indonesia, ông Richardson hôm qua có cuộc trao đổi qua điện thoại với báo giới khu vực, trong đó có Thanh Niên. Cuộc họp báo tập trung vào Trung Quốc và hành vi khinh suất của nước này tại các vùng biển trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của nỗ lực củng cố quan hệ đối tác hải quân giữa Mỹ và các nước ASEAN để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng tại đây.

Đô đốc Richardson thừa nhận Trung Quốc là một quốc gia đang lớn mạnh và tìm cách tăng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình. “Vì vậy, chúng ta không nên quá ngạc nhiên khi hoạt động hàng hải tại khu vực trở nên nhộn nhịp hơn, bao gồm hoạt động của Trung Quốc. Mỹ thì vẫn duy trì hiện diện thường xuyên tại Thái Bình Dương nên hải quân hai bên sẽ tiếp tục chạm trán”, theo tư lệnh Mỹ. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng hai bên cần tuân thủ các quy tắc chung để giảm nguy cơ đụng độ khi chạm trán.

Cho đến nay, chiến dịch tự do lưu thông hàng hải (FONOP) vẫn được hải quân Mỹ sử dụng làm công cụ chính nhằm kiềm chế Trung Quốc tiếp tục tham vọng quân sự hóa Biển Đông. Một câu hỏi được đặt ra là liệu bản chất “tự do và rộng mở” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có đang bị đe dọa trước những gì Bắc Kinh đã làm tại Biển Đông. Đô đốc Richardson cho rằng cần phải hiểu lý do tại sao Mỹ áp dụng FONOP trên các vùng biển của thế giới. “Đây là biện pháp “chuyên trị” những trường hợp tuyên bố lãnh hải (một cách phi lý). Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tàu đi khắp nơi nhằm ủng hộ hoạt động tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế”, ông nhấn mạnh.

[VIDEO] Quan chức quốc phòng nói quan tâm của Mỹ về Biển Đông là 'nhất quán'

Về vấn đề triển khai tàu tác chiến ven bờ (LCS) đến Đông Nam Á, ông Richardson khẳng định hải quân Mỹ cam kết nối lại hoạt động này vì đây là một nền tảng để tương tác với các đối tác khu vực. Ông nhấn mạnh vai trò nền tảng và cốt lõi của ASEAN với mục tiêu thúc đẩy an ninh, trật tự và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về kế hoạch tập trận chung ASEAN - Mỹ vào năm tới, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ không nêu chi tiết, nhưng nhấn mạnh rất mong đợi sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong tương lai.

Hôm qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Peter O'Neill của Papua New Guinea đã ký thỏa thuận cùng phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea, theo trang smh.com.au. Điều này cho phép các tàu chiến Úc trong tương lai sử dụng cảng nước sâu đóng vai trò chiến lược tại Thái Bình Dương, mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân nước này tại các vùng biển lân cận. Diễn biến mới cũng thổi bay tham vọng muốn “chen chân” của Trung Quốc tại hòn đảo có vị trí chiến lược này

Thụy Miên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/hai-quan-my-trung-kho-tranh-cham-tran-tren-bien-1019328.html