Hải quân Mỹ tăng gấp 20 lần chi tiêu cho vũ khí diệt hạm

Dù đã đầu tư mạnh mẽ, Mỹ vẫn đang bị Trung Quốc vượt mặt về các loại tên lửa tầm siêu xa được trang bị cho hải quân.

Chi tiêu cho các hệ thống tên lửa được đề xuất trong ngân sách cho tài khóa 2021 của hải quân Mỹ cao gấp 20 lần so với khoản chi này trong năm năm trước đó, hãng tin Sputnik ngày 12-2 cho hay.

Theo Sputnik, Mỹ đang muốn cạnh tranh với lực lượng tên lửa của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, khoản chi khổng lồ này vẫn chưa thể giúp Mỹ thắng thế trong cuộc đua vũ khí tầm siêu xa.

Tên lửa NSM phóng từ một tàu sân bay của hải quân Mỹ. Ảnh: US NAVAL INSTITUTE

Tên lửa NSM phóng từ một tàu sân bay của hải quân Mỹ. Ảnh: US NAVAL INSTITUTE

Lầu Năm Góc đề xuất chi tiêu cho 1.625 tên lửa các loại, bao gồm 189 tên lửa tấn công trên biển (NSM) do Tập đoàn Kongsberg của Na Uy chế tạo, 210 tên lửa tầm xa hải đối đất (LRASM), 451 tên lửa Tomahawk phiên bản tấn công trên biển (Tomahawk Va) và 775 tên lửa Raytheon’s SM-6, theo trang tin Defense News.

Mỹ nghiêm túc phát triển kho vũ khí diệt hạm

Theo chuyên gia Eric Sayers thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, người từng phục vụ trong Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, đây là “bước ngoặc quan trọng” và “một dấu hiệu quan trọng cho ý định của hải quân Mỹ” trong việc phát triển số lượng và chất lượng kho tên lửa diệt hạm.

Các tên lửa NSM có tầm bắn 185-555 km, tên lửa LRASM có tầm bắn khoảng 370 km. Trong khi đó, phiên bản cải tiến Tomahawk Va có tầm bắn khoảng 1.600 km nhưng vẫn đang trong giai đoạn phát triển (dự kiến kéo dài đến năm 2023).

Điểm cộng đối với các hệ thống vũ khí này là việc tầm hoạt động của vũ khí đang tăng đáng kể với sự hỗ trợ của trực thăng không người lái MQ-8C, theo Sputnik.

Ông Sayers còn nhắc đến việc Mỹ sẽ tích hợp tên lửa LRASM lên lực lượng đông đảo các tàu chiến mặt nước của nước này. Việc này sẽ thúc đẩy các đồng minh như Nhật Bản và Úc cùng đặt mua loại vũ khí tối tân này.

Điển hình, vào tuần trước, Cơ quan Hợp tác Quốc phòng An ninh (DSCA) thông báo đã bán 200 tên lửa LRASM cho Úc với giá trị hợp đồng lên đến 990 triệu USD (hơn 23 ngàn tỉ đồng) để trang bị cho lực lượng hải quân đang ngày càng lớn mạnh của đồng minh này.

Tàu khu trục Type 055 - Nam Xương của hải quân Trung Quốc. Ảnh: NATIONAL INTEREST

Cuộc chạy đua hải quân với Trung Quốc

Nếu so sánh các tên lửa này của Mỹ với kho tên lửa của Trung Quốc, “đây là một khoảng cách quá lớn”, chuyên gia Robert Haddick - cố vấn tại Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt của Quân đội Mỹ - nói với hãng tin Reuters hồi tháng 5-2019.

Quân đội Trung Quốc đã phát triển các loại tên lửa nguy hiểm như YJ-12 (tầm bắn 400 km), tên lửa YJ-18 (tầm bắn 540 km), tên lửa diệt hạm siêu thanh CM-401 (tầm bắn 290 km). Ngoài ra, tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 21 cải tiến (tầm bắn 3.000-4.000 km) và một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn khác (tầm bắn 900 km) trang bị trên máy bay ném bom H-6 cũng là mối nguy đối với Mỹ.

Với các thông số này, tầm hoạt động của các tên lửa Trung Quốc có thể vượt xa tầm hoạt động của tên lửa Mỹ và cũng nằm ngoài tầm quan sát của radar trên tàu chiến Mỹ.

Hải quân Trung Quốc còn đã nỗ lực tăng số lượng tàu mặt nước lên con số 300 tàu, nhiều hơn hải quân Mỹ 10 tàu. Bắc Kinh muốn có 420 tàu trong hải quân vào năm 2035, trong khi Washington chỉ đặt mục tiêu là 355 tàu trong năm 2030.

Trung Quốc không chỉ gia tăng về số lượng mà còn đầu tư cho chất lượng tàu chiến. Mới đây, tàu khu trục Type 055 - Nam Xương đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc hôm 21-1. Đây là tàu chiến lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ xếp sau tàu lớp Zumwalt của hải quân Mỹ.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/hai-quan-my-tang-gap-20-lan-chi-tieu-cho-vu-khi-diet-ham-889386.html