Hải quân Mỹ phóng tên lửa: Tín hiệu cảnh báo Trung Quốc?

Các nhà quan sát quân sự cho biết, cuộc tập trận bất thường ở biển Philippines là một tín hiệu cho quân đội Trung Quốc thấy rằng các lực lượng Mỹ có thể đối phó với các mối đe dọa từ vũ khí tiên tiến.

Các nhà phân tích quân sự cho biết, Hải quân Hoa Kỳ đã ra tín hiệu với Trung Quốc bằng các vụ thử tên lửa bắn đạn thật ở Biển Philippines vào tuần trước, gửi đi một thông điệp rằng họ sẵn sàng đối phó với các hệ thống vũ khí tiên tiến mới của quân đội Trung Quốc (PLA).

Trong cuộc tập trận ở vùng biển phía đông Philippines hôm thứ Năm, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đã phóng một tên lửa tầm trung Standard-2, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết trên trang Facebook của mình.

Tàu khu trục của Mỹ có sự tham gia cùng của tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh, theo đó cũng đã phóng một tên lửa SM-2 trong cuộc tập trận này.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry phóng tên lửa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Theo nhiều chuyên gia, Mỹ đang lo ngại sức mạnh đang gia tăng của quân đội Trung Quốc ở nhiều mặt trận. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry phóng tên lửa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Theo nhiều chuyên gia, Mỹ đang lo ngại sức mạnh đang gia tăng của quân đội Trung Quốc ở nhiều mặt trận. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Lời cảnh báo tới quân đội Trung Quốc

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết, những cuộc tập trận dạng như vậy không thường thấy và có thể được coi là một lời cảnh báo cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

"Hải quân Hoa Kỳ lo lắng về tên lửa của Trung Quốc, loại khí tài Trung Quốc có thể sử dụng làm con át chủ bài trong cuộc xung đột quân sự giữa hai bên trong khu vực. Hạm đội 7 muốn cảnh báo Bắc Kinh rằng họ có thể đánh chặn tên lửa từ phía Trung Quốc", ông Zhou Chenming nói.

Li Jie, một nhà phân tích quân sự khác ở tại Bắc Kinh, cũng đồng tình rằng các vụ phóng này là một thông điệp gửi đến Trung Quốc - và ở mức độ thấp hơn, là tín hiệu đến Nga.

Hải quân Hoa Kỳ muốn nói với Trung Quốc rằng họ có thể chống lại các tên lửa tiên tiến của PLA, chuyên gia Li bày tỏ nhận định.

Quân đội Trung Quốc đã phát triển hai loại tên lửa có thể gây ra mối đe dọa lớn cho quân đội Hoa Kỳ - được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" DF-21D và tên lửa chống hạm DF-26, có tầm bắn 4.000km (2.500 dặm). Hai lớp tên lửa này có tầm bắn nhắm tới được căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam.

Một trong hai loại tên lửa này có thể đã được đưa vào lịch trình triển khai hồi tháng 6 khi lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc thử nghiệm tên lửa ở Biển Đông đang tranh chấp, theo Lầu Năm Góc.

USS Barry đã được trang bị thêm hệ thống chiến đấu Aegis mới nhất cách đây hai năm, cải thiện khả năng bảo vệ các căn cứ và thiết bị như tàu chiến của đảo Guam và của Mỹ khỏi hai loại tên lửa trên của Trung Quốc.

Theo Collin Koh Swee Lean, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải của Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Hoa Kỳ, "có thể dự kiến rằng có thể các bản nâng cấp và thử nghiệm tiếp theo của Hoa Kỳ, khi PLA đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về thiết bị phần cứng, phần mềm và cả vấn đề đào tạo với quân đội Mỹ".

Niềm tin chính trị Mỹ - Trung?

"Khi có sự thay đổi trọng tâm quốc phòng sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và với mối đe dọa từ PLA còn trong tâm trí, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Hải quân Hoa Kỳ thực hiện nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật như vậy để đánh giá khả năng của hạm đội đối phó với sức mạnh tên lửa đang phát triển của PLA, chuyên gia Koh nói. Ông cũng nói thêm rằng Biển Philippines sẽ là một chiến trường quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tương lai.

Vụ phóng tên lửa này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường liên kết quân sự với Việt Nam, Philippines và các đồng minh khu vực khác như một phần trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Hạm đội 7 cũng cho biết chiến dịch bắn đạn thật của tàu Barry là để hỗ trợ cho sự an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Nhà bình luận quân sự từ Hồng Kông Song Zhongping nói rằng cuộc tập trận ở Biển Philippines là nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực, trong bối cảnh lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể bị Quân đổi Trung Quốc đẩy ra khu vực này.

Biển Philippines cũng là động mạch hàng hải quan trọng đối với các tàu của quân đội Trung Quốc khi họ di chuyển đến phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, theo chuyên gia Song. "Việc hải quân Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự trong khu vực cũng báo hiệu rằng niềm tin chính trị giữa hai nước đang giảm xuống".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hai-quan-my-phong-ten-lua-tin-hieu-canh-bao-trung-quoc-20200325144225812.htm