Hải quân Mỹ có bao nhiêu tàu sân bay?

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Carl Vinson chỉ là 2 trong số hạm đội 'siêu' tàu sân bay đông đảo và hùng mạnh của Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Nguồn: US Navy)

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tàu tuần dương USS Bunker Hill (CG 52) đã kết thúc chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 5-9/3. Trước đó, vào năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong vòng hơn 40 năm. Đây chỉ là 2 trong số hạm đội tàu sân bay đông đảo của Mỹ.

10 tàu lớp Nimitz

Cả USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đều là tàu sân bay thuộc lớp Mimitz, bao gồm 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động trong Hải quân Mỹ. Những chiếc tàu lớp Nimitz được coi là chiến hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo, với tổng chiều dài 333m và thể tích choáng nước trên 100.000 tấn dài.

Chương trình tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz được khởi xướng từ giữa những năm 1960. Quá trình đóng mới diễn ra từ năm 1968-200 tại công ty đóng tàu Newport News, Virginia.

Hải quân Mỹ đang vận hành 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, tạo nên hạm đội hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất thế giới. Tàu đầu tiên được đặt theo tên Đô đốc Chester W. Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trong Thế chiến II, vị chỉ huy tài ba giúp Mỹ đánh bại Hải quân Đế quốc Nhật Bản ở Mặt trận Thái Bình Dương.

Tốc độ tối đa của tàu là trên 30 hải lý một giờ (56 km/h) và công suất cực đại vào khoảng 260.000 mã lực. Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu sân bay này có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu và thời gian phục vụ dự đoán khoảng trên 50 năm. Chúng được phân loại như là các tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Nimitz là chiến hạm lớn nhất từng được chế tạo cho đến khi tàu sân bay USS Gerald R.Ford gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2017.

Để vận hành chiến hạm khổng lồ này cần đến thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, trong đó hơn 3.000 thủy thủ vận hành các hệ thống của tàu và hơn 2.000 nhân viên hàng không.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ. (Nguồn: US Navy)

Lần thăm Đà Nẵng này nằm trong kế hoạch hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 (CSG-9) của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu. Nhóm tàu này được triển khai từ Thành phố San Diego thuộc bang California hôm 17/1. Các nhóm tàu sân bay của Mỹ liên tục thực hiện các chuyến công tác dài ngày kéo dài hàng tháng trời, kết hợp các chuyến thăm một số quốc gia.

10 tàu sân bay lớp Nimitz được đánh số liên tục từ CVN-68 đến CVN-77, bao gồm 10 tàu: USS Nimitz; USS Dwight D. Eisenhower; USS Carl Vinson; USS Theodore Roosevelt; USS Abraham Lincoln; USS George Washington; USS John C. Stennis; USS Harry S. Truman; USS Ronald Reagan; USS George H.W. Bush.

Mỗi nhóm CSG của Hải quân Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, 2-3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không. Lẩn khuất đâu đó là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bảo vệ phần còn lại của nhóm tác chiến khỏi các mối đe dọa dưới mặt nước.

Đi kèm USS Theodore Roosevelt là một lực lượng bất thường về số tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga. Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.

5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, gồm USS Pinckney (DDG-91), USS Russell (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60), USS Kidd (DDG-100) và USS Rafael Peralta (DDG-115). Mỗi tàu được trang bị từ 90-96 VLS Mk41, với 5 tàu khu trục có thể mang theo tới 468 tên lửa các loại.

Ngoài các tàu hộ tống, CVN-71 mang theo 44 tiêm kích hoạt động trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet, 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye, 2 máy bay vận tải C-2A Greyhound, 19 trực thăng MH-60 trên tàu sân bay và các tàu hộ tống.

Nói cách khác, nhóm tấn công của CVN-71 mang theo 49 máy bay phản lực, 590 silo chứa tên lửa. Đây là lực lượng hỏa lực tương đương với quân đội một quốc gia nhỏ. Điều đó khiến USS Theodore Roosevelt trở thành tàu sân bay được bảo vệ tốt nhất thế giới, nhưng nó cũng làm cho Big Stick (biệt danh của CVN-71) trở thành mục tiêu bị tấn công lớn nhất.

USS Gerald R Ford - mẫu tàu sân bay hiện đại và đắt tiền nhất của Mỹ. (Nguồn: US Navy)

Tàu lớp Gerald R. Ford

Tàu sân bay Gerald R. Ford (CVN-78) là tàu dẫn đầu của lớp Gerald R. Ford thuộc nhóm siêu mẫu hạm của Hải quân Mỹ. Được công bố ngày 16/1/2007, con tàu được đặt tên theo Tổng thống thứ 38 của Mỹ là Gerald R. Ford. Ông từng phục vụ trong Hải quân Mỹ trong Thế chiến II trên chiếc tàu sân bay hạng nhẹ USS Monterey ở Chiến trường Thái Bình Dương.

Gerald R. Ford sẽ tham gia hạm đội và thay thế chiếc tàu USS Enterprise (CVN-65), đã dừng hoạt động sau 51 năm trong biên chế cho đến tháng 12/2012.

Ford là lớp tàu sân bay được thiết kế mới nhất của Mỹ trong 40 năm qua. Lớp Ford được trang bị công nghệ tiên tiến và các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.

Giống với mọi tàu sân bay khác trong thế kỷ 21 của Mỹ, số lượng vũ khí để tàu USS Gerald R. Ford tự vệ trong thực chiến rất ít ỏi, chỉ đủ để nó tự bảo vệ bản thân trước số ít pha tung đòn hiểm hóc của đối phương. Cụ thể, cấu hình vũ khí của tàu USS Gerald R. Ford bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không RIM-162 và RIM-116 nhưng mỗi tổ hợp chỉ có hai quả đạn trên bệ. Ngoài ra, tàu còn được trang bị ba khẩu pháo cao tốc Phalanx.

Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, tàu sân bay trị giá 13 tỷ USD này hoàn toàn không đủ khả năng tự vệ khi tham chiến do có khá nhiều lỗi. Có thể hiểu rằng, ngay cả khi hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford được một đội tàu khu trục hạm và tuần dương hạm bảo vệ, nó cũng khó có thể sống sót được trong thực chiến khi các vũ khí tự vệ trên tàu cùng hệ thống cảnh báo sớm không làm việc hiệu quả.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ, do Công ty Newport News Ship đóng từ năm 2005. Tàu đầu tiên lớp này là USS Gerald R Ford, được đưa vào hoạt động tháng 7/2017. Sau quá trình sửa chữa kĩ thuật, tàu sân bay hạt nhân này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2022.

Bốn tàu lớp Ford khác hiện đang trong các giai đoạn hoàn thành khác nhau. Hải quân Mỹ dự kiến đưa các tàu sân bay tiên tiến nhất vào hoạt động từ năm 2024 đến 2034.

Như vậy, Hải quân Mỹ hiện đang có 11 tàu sân bay trong biên chế, tuy nhiên có 1 chiếc vẫn chưa được đem vào sử dụng thực tế.

Theo Business Insider, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly cho biết, Hải quân Mỹ có thể không mua thêm chiếc tàu sân bay lớp Ford nào nữa, sau khi chiếc tàu cuối cùng, USS Doris Miller được dự kiến hoàn thiện vào năm 2032. Có thể nói rằng, Mỹ đang hướng đến việc thiết kế những chiếc tàu sân bay hiện đại hơn nữa và mắc ít lỗi hơn so với hiện tại hoặc hướng đến một tương lai mới và không sử dụng những chiếc “siêu” tàu sân bay trên thực chiến nữa.

Quang Đào

theo (US Navy, Business Insider)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-quan-my-co-bao-nhieu-tau-san-bay-111366.html