Hải quan mở rộng đánh giá tuân thủ

Dự thảo Quyết định hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong hoạt động nghiệp vụ hải quan mở rộng đánh giá tuân thủ đối với tất cả người khai hải quan, gồm: DN hoạt động XNK; đại lý làm thủ tục hải quan; DN cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.H

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.H

Sáng nay 12/5, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 282/QĐ-TCHQ hướng dẫn áp dụng QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan và các điểm cầu tại 10 cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm.

Bổ sung chỉ tiêu thông tin cần thu thập

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục QLRR (Tổng cục Hải quan) Hồ Ngọc Phan trình bày một số nội dung về những điểm sửa đổi, điểm mới tại dự thảo Quyết định.

Dự thảo Quyết định có 46 Điều được chia thành 5 Chương cụ thể:

Chương 1. Hướng dẫn chung, có 5 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4)

Chương 2. Thu thập, xử lý thông tin QLRR. Chương này được chia thành 3 Mục, gồm 12 Điều (từ Điều 5 đến Điều 16)

Chương 3. Quản lý, đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Chương này được chia thành 2 Mục, gồm 15 Điều (từ Điều 17 đến Điều 32)

Chương 4. Áp dụng QLRR đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, gồm 19 Điều (từ Điều 33 đến Điều 45)

Chương 5. Tổ chức thực hiện, gồm 1 Điều (Điều 46)

Về cơ bản từng chỉ tiêu thông tin của mỗi loại thông tin, phương pháp thu thập, xử lý thông tin đối với từng loại được kế thừa các quy định tại Quyết định 464/QĐ-BTC và Quyết định 282/QĐ-TCHQ trước đây, ngoài ra bổ sung nhiều chỉ tiêu thông tin cần thu thập nhằm đáp ứng theo yêu cầu mới tại Thông tư 81/2019/TT-BTC.

Đó là, bổ sung một số chỉ tiêu thông tin về người khai hải quan, gồm: đại lý làm thủ tục hải quan, DN cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế; DN kinh doanh hàng miễn thuế; chủ phương tiện vận tải XNC, người điều khiển phương tiện vận tải XNC, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền.

Ngoài ra, bổ sung chỉ tiêu thông tin cần thu thập đối với người và hành lý của người XNC; phương tiện XNC trước khi đến hoặc rời cảng hàng không quốc tế; thông tin hàng hóa nhập khẩu vận chuyển chịu sự giám sát hải quan; thông tin của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến sản xuất và hoạt động XNK, XNC cung cấp.

Dự thảo quyết định cũng mở rộng đánh giá tuân thủ đối với tất cả người khai hải quan, gồm DN hoạt động XNK; đại lý làm thủ tục hải quan; DN cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, DN cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; chủ phương tiện, người được chủ phương tiện vận tải XNC, quá cảnh ủy quyền để phù hợp với Thông tư 81.

Về nội dung áp dụng QLRR quyết định kiểm tra, giám sát hải quan trong các khâu nghiệp vụ hải quan, dự thảo Quyết định hướng dẫn có một số nội dung kế thừa Quyết định 282 trước đây nhưng quy định rõ hơn về phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm nội dung áp dụng QLRR quyết định giám sát việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chuyên ngành (để phù hợp với quy định tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC và Thông tư 81); quyết định kiểm tra, giám sát trong quản lý hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế (để phù hợp với Nghị định 167/2016/NĐ-CP kinh doanh hàng miễn thuế và Thông tư 81); quyết định kiểm tra đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan để phù hợp với quy định tại Thông tư 38/2015/NĐ-CP.

Mặt khác, dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn và nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin (Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý phương tiện vận tải, người XNC…); theo đó: quy định chung đối với tất cả các tuyến đường, thay vì chỉ tập trung vào tuyến đường hàng không, đường biển như trước đây.

Xây dựng bài toán CNTT

Hội nghị đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các cục hải quan địa phương và đơn vị nghiệp vụ. Trong đó, tập trung vào nội dung hướng dẫn trình tự, nguyên tắc, cách thức thu thập thông tin; bài toán tổng thể hệ thống công nghệ thông tin về công tác nghiệp vụ QLRR; cập nhật dữ liệu tờ khai tác động, ảnh hưởng đến quá trình phân tích, đánh giá rủi ro.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đề nghị Cục QLRR tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp dự thảo Quyết định trước và trong hội nghị.

Trước hết, cần nghiên cứu thống nhất quy trình mang tính nguyên tắc, quy định cụ thể việc tác nghiệp của cán bộ, công chức ở cấp thừa hành như xây dựng số tay nghiệp vụ. Mặt khác, cần xác định rõ tính thống nhất giữa dự thảo Quyết định với quy trình soi chiếu, trung tâm xác định trọng điểm.

Trong xác định trọng tâm, trọng điểm, cần làm tốt khâu thu thập thông tin từ các vụ, cục và các cục hải quan tỉnh, thành phố và tập trung ở một đầu mối, từ đó phân tích và đưa ra tiêu chí, đánh giá chuẩn xác những rủi ro (tuyến đường, hàng hóa…).

“Cần sớm ban hành Quyết định này để khẩn trương xây dựng bài toán nghiệp vụ, từ đó xây dựng hệ thống CNTT không chỉ riêng hệ thống QLRR mà ở tất cả các hệ thống khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khi các quy định thay đổi liên tục”, Phó Tổng cục trưởng lưu ý thêm.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hai-quan-mo-rong-danh-gia-tuan-thu-126437.html