Hải quan miền Trung - Tây nguyên: Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin chống buôn lậu

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai-Kon Tum nằm trên các địa bàn trọng điểm khu vực miền Trung, Tây Nguyên; là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, vì vậy, hàng hóa XNK, người và phương tiện XNC qua các cửa khẩu rất lớn. Sự gia tăng của lưu lượng hàng hóa XNK, phương tiện vận tải, hành khách XNK đi đôi với nguy cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Vụ phát hiện, bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng ngày 27/3/2019. Ảnh: Hải quan Đà Nẵng cung cấp.

Vụ phát hiện, bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng ngày 27/3/2019. Ảnh: Hải quan Đà Nẵng cung cấp.

Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin

Mới đây, khi đánh giá thực hiện quy chế phối hợp giữa cục hải quan các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Gia Lai-Kon Tum năm 2018, các đơn vị đều chung nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn do các cục hải quan khu vực quản lý diễn biến phức tạp hơn so với trước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức; phương thức thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ngày càng tinh vi; đối tượng manh động.

Trước tình hình nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại luôn thường trực, với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cục hải quan các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã thiết lập kênh phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ, góp phần quan trọng trong việc điều tra, xác minh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm. Lực lượng chức năng đã phát hiện các vụ việc liên quan đến buôn lậu, vận chuyển ma túy, vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước CITES như ngà voi, vảy tê tê từ châu Phi về Việt Nam; buôn bán vận chuyển trái phép các loại gỗ quý hiếm và vẫn còn tình trạng DN lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để khai báo sai tên hàng, mã số, thuế suất, không khai báo hàng NK để gian lận, trốn thuế; NK hàng cấm, NK phế liệu không đáp ứng quy định…

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thừa Thiên -Huế Ngô Bình Tú, dù địa bàn do đơn vị quản lý không phải là điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển hàng hóa và vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, tuy nhiên, đơn vị luôn đề cao cảnh giác. Theo ông Tú, công tác phối hợp giữa các đơn vị hai quan tuyến miền Trung, Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Do đặc thù địa bàn, các cửa khẩu đường bộ nằm ngay sát tuyến cửa khẩu La Lay, Lao Bảo (Quảng Trị), hàng hóa từ Huế XNK qua cửa khẩu La Lay, Lao Bảo, cảng Đà Nẵng, nếu có sự liên kết, phân tích thông tin, đánh giá thông tin của các đơn vị bạn ngay từ đầu vào, đầu ra sẽ hỗ trợ tốt cho Hải quan Thừa Thiên - Huế trong công tác phòng ngừa.

Ông Tú cho biết thêm, trước tình hình gần đây tại nhiều địa bàn nóng buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, lãnh đạo cục đã chỉ đạo hải quan các cửa khẩu tăng cường nằm tình hình, tuần tra kiểm soát, đặc biệt lưu ý người qua lại có nghi vấn về ma túy; đồng thời bám sát thông tin, tình hình tại các địa phương để chủ động công tác phòng ngừa, đấu tranh, đặc biệt tại hai cửa khẩu giáp Lào là Hồng Vân và A Đớt.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế cũng tích cực phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị. Năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Cục Hải quan Quảng Trị xác minh tình hình hoạt động 3 DN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế có hoạt động XNK tại tỉnh Quảng Trị; xác minh 2 phương tiện vận tải và 1 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên -Huế. Trong năm 2018, Cục Hải quan Thừa Thiên -Huế đã phối hợp với Cục Hải quan Đà Nẵng làm thủ tục và kiểm tra, giám sát đối với gần 500 tờ khai XNK; 1 phương tiện với 666 lượt khách tham quan.

Chủ động công tác phòng ngừa, đấu tranh

Cùng với Hải quan Thừa Thiên - Huế, tại các đơn vị hải quan khác đã có rất nhiều lượt trao đổi thông tin về hàng hóa XK, NK. Chẳng hạn, Cục Hải quan Quảng Trị đã có công văn phối hợp trợ giúp xác minh tình hình hoạt động của DN gửi Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế; hay phối hợp trợ giúp xác minh thông tin đối tượng điều khiển phương tiện vận tải XNC gửi Cục Hải quan Đà Nẵng.

Chi cục Hải quan Cửa Việt phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng rà soát tờ khai XNK chưa xác nhận trên Hệ thống E-Customs. Cục Hải quan Quảng Nam phối hợp với các cục hải quan Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị trong công tác xác minh thông tin đối tượng ưu đãi thuế NK và thuế GTGT đối với mặt hàng “Động cơ máy thủy” và “Tổ máy phát điện” đã bán của Công ty TNHH Thương mại Tân Trung Th. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) phối hợp với các chi cục thuộc Cục Hải quan Đà Nẵng trong việc phối hợp rà soát, xử lý tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát nhưng chưa được xác nhận trên hệ thống. Chi cục Hải quan KCN Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam) đã chủ động phối hợp trao đổi thông tin với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng để nắm thông tin các lô hàng chuyển cửa khẩu, kiểm hóa hộ, hàng phế liệu nhựa NK của Công ty TNHH Hợp chất Kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của cục hải quan các tỉnh, thành phố việc định kỳ hàng tháng, hàng quý và năm các cục hải quan khu vực đã trao đổi báo cáo công tác kiểm soát đã giúp các đơn vị nắm bắt được thông tin về công tác quản lý tại địa bàn; diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra trên các tuyến, địa bàn; phương thức thủ đoạn của các đối tượng để có phương án phòng ngừa, đấu tranh và phối hợp quản lý nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của mỗi cục hải quan khu vực.

Riêng năm 2018, hải quan các tỉnh, thành phố nói trên đã phát hiện gần 1.000 vụ vi phạm; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 5,7 tỷ đồng. Trong đó có 3 vụ khởi tố hình sự. Cục Hải quan Đà Nẵng xử lý 212 vụ; Cục Hải quan Quảng Trị xử lý 553 vụ; Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum xử lý 103 vụ; Cục Hải quan Quảng Nam 73 vụ, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế xử lý 56 vụ.

Đáng chú ý là chuyên án do Cục Hải quan Đà Nẵng phối hợp với Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng đã kiểm tra, bắt giữ lô hàng gồm 1 container được vận chuyển trên tàu Lindavia từ Nigeria về cảng Đà Nẵng, phát hiện hơn 8 tấn ngà voi, vảy tê tê, vụ việc hiện đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Đà Nẵng khởi tố hình sự đối với Công ty TNHH Thiên Trường Sử.

Hay vụ việc Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tổ chức khám 4 phương tiện phát hiện hơn 27m3 gỗ trong đó 23,65m3 gỗ giáng hương và 3,80m3 gỗ cẩm lai cất giấu trong các kiện giấy phế liệu NK…

Quy chế phối hợp giữa 5 Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai-Kon bắt đầu được ký kết từ năm 2013 bằng Quy chế phối hợp số 01/QCPH/HQĐNg-HQQT-HQGLKT-HQQNa-HQTTH về việc phối hợp trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan. Đến năm 2018, quy chế này được thay thế bằng Quy chế phối hợp số 02/QCPH/HQĐNg-HQQT-HQGLKT-HQQNa-HQTTH với nhiều giải để triển khai công tác phối hợp giữa 5 cục hải quan miền Trung và Tây Nguyên trên.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hai-quan-mien-trung-tay-nguyen-tang-cuong-phoi-hop-trao-doi-thong-tin-chong-buon-lau-103553.html