Hải quan là một trong những ngành đi đầu về cải cách, hiện đại hóa

Là một trong những ngành đi đầu trong xu hướng này, ngành Hải quan đã tích cực áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại với các trụ cột là: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu quản lý hải quan; chuyển căn bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phát triển Cổng thông tin một cửa Quốc gia để kết nối thủ tục hành chính quản lý XNK của các bộ, cơ quan quản lý với cơ quan Hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng.

Điều này có thể dễ dàng thấy được qua các con số như số lượng thủ tục hành chính đã giảm bớt từ 239 thủ tục trước khi có Luật Hải quan 2014 giảm xuống còn 183 thủ tục hiện nay. Phần lớn thủ tục hành chính được đơn giản hóa về hồ sơ giấy tờ; phương thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Theo công bố mới nhất của WB, trong năm 2017, thời gian để làm thủ tục hải quan trong tổng thời gian làm thủ tục đối với một lô hàng nhập khẩu chỉ chiếm 11%. Đối với hàng xuất khẩu, thời gian làm thủ tục chỉ chiếm 4% tổng thời gian làm thủ tục. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đã rút ngắn đáng kể, giảm 6 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu (từ 138 giờ xuống còn 132 giờ), giảm 3 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu (từ 108 giờ xuống còn 105 giờ). Chi phí thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới giảm 19 USD/cont đối với cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này góp phần làm chi phí thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nằm trong top 3 nhóm các lĩnh vực có chi phí thấp nhất, theo công bố mới đây của Văn phòng Chính phủ.

Theo tôi, thương mại qua biên giới không chỉ là trách nhiệm của ngành Hải quan. Trong tổng thời gian doanh nghiệp phải thực hiện để đưa hàng hóa xuất khẩu qua biên giới thì ngành Hải quan chỉ chiếm tới 28% tổng số thời gian, còn hơn 70% thời gian thương mại xuyên biên giới là thuộc về các bộ ngành, chuyên ngành (khoảng 10-11 bộ, chuyên ngành liên quan đến việc này). Điểm nghẽn trong thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xuyên biên giới chủ yếu thuộc về các bộ, ban ngành. Trong từng đó bộ, ban ngành, Hải quan là tiến bộ nhất, còn các bộ ngành khác hiện nay đang rất trì trệ. Vì vậy, một mình cơ quan Hải quan quyết tâm là chưa đủ mà đòi hỏi sự vào cuộc cũng như sự hưởng ứng của các bộ, ngành khác. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo điều kiện thực sự cho quá trình thông quan hàng hóa của Việt Nam tốt hơn.

Ngành Hải quan chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ. Trong ảnh: Hoạt động tại trung tâm máy soi container cố định (Cục Hải quan Hải Phòng). Ảnh: T.Bình.

Tôi mong muốn thủ tục kiểm tra chuyên ngành được giao cho một đầu mối cụ thể mà ở đây là Tổng cục Hải quan để quy trình được nhanh hơn còn sự phối kết hợp của ngành Hải quan với các bộ, ngành khác sẽ là sự phối hợp nội bộ giữa các cơ quan quản lý với nhau. Đồng thời, hiện nay, chúng ta còn có những bộ, ngành có hạ tầng CNTT chưa tương thích, trong khi chúng ta đang hướng tới một Chính phủ điện tử, tận dụng tối đa tính ưu việt của CNTT mang lại. Vì vậy, tôi mong Nhà nước có sự đầu tư thích đáng vào hạ tầng CNTT, phần mềm cho công tác này và chỉ có như vậy sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành mới được nhuần nhuyễn và kết quả giải quyết thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và một cửa ASEAN mới đạt được như yêu cầu mong muốn của chúng ta và đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới.

Hiện nay có rất nhiều quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hiểu thế nào cũng được gây khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Khi doanh nghiệp phản ánh thì các cán bộ Hải quan chỉ trích nguyên văn trong văn bản ra để trả lời doanh nghiệp, hoặc yêu cầu doanh nghiệp tìm hiểu thêm tại văn bản này văn bản kia. Trong khi đó, các văn bản này cũng không đủ rõ ràng nên lại lần nữa khiến doanh nghiệp khó hiểu. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan Hải quan phải hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hiểu được, giải thích cho họ hiểu, chứ không thể cứ trích nguyên văn trong văn bản để trả lời. Hoặc nếu có nhiều cách hiểu thì hãy hiểu và thực hiện theo hướng vừa quản lý được vừa có lợi cho doanh nghiệp nhất. Để khắc phục được vấn đề trên, ngành Hải quan có thể tập hợp các câu hỏi mà doanh nghiệp thường gặp đã có câu trả lời cụ thể thành một tập tài liệu hoặc sách, hoặc công khai tại cổng thông tin điện tử, để nếu có doanh nghiệp thắc mắc cùng một vấn đề có thể lên đó để tra cứu tìm câu trả lời.

Xuân Thảo (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-la-mot-trong-nhung-nganh-di-dau-ve-cai-cach-hien-dai-hoa.aspx