Hải quan Hải Phòng tập trung hỗ trợ 6 nhóm doanh nghiệp trọng điểm

Đây là một trong những giải pháp trọng tâm, thiết thực của Cục Hải quan Hải Phòng trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chứng kiến trao đổi Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Hải quan Hải Phòng và đại diện một số DN, tháng 5/2018. Ảnh: T.Bình.

Phân loại để hỗ trợ “đúng người đúng việc”

Với đại lý làm thủ tục hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạo Phòng Giám sát quản lý về hải quan tham mưu tổ chức thường kỳ 2 quý/lần các cuộc gặp gỡ với nhóm đại lý điển hình trên địa bàn; thiết lập kênh thông tin với đại lý làm thủ tục hải quan qua website, cổng thông tin điện tử hải quan; phối hợp xây dựng tiêu chí chấm điểm đại lý để đánh giá chất lượng phục vụ của DN từ đó áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp…

Hiện mỗi năm Cục Hải quan Hải Phòng giải quyết thủ tục cho khoảng 20.000 DN và trên 1 triệu tờ khai hàng hóa XNK. Để đáp ứng việc giải quyết thủ tục cho cộng đồng DN trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhanh nhưng biên chế bị sụt giảm (từ 885 CBCC năm 2013 xuống còn 868 vào năm 2017), một trong những giải pháp được đơn vị đặc biệt chú trọng là cải cách, hiện đại hóa hải quan, trong đó có phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp, một trong những nội dung cụ thể được Hải quan Hải Phòng vừa đưa ra là phân nhóm các loại hình DN để có hình thức hỗ trợ hiệu quả. Theo đó, căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, tình hình thực tế hoạt động XNK, Hải quan Hải Phòng xác định một số nhóm DN trọng điểm cần quan tâm trong hoạt động đối tác gồm: DN thường xuyên, liên tục có hoạt động XNK; DN có kim ngạch XNK lớn và đóng góp quan trọng đối với ngân sách nhà nước (dựa trên số thuế DN nộp tại từng địa phương); DN FDI; DN nhỏ và siêu nhỏ (tiêu chí phân loại theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ); DN tuân thủ thấp/DN không tuân thủ; DN dịch vụ XNK.

Chủ động mời doanh nghiệp tham vấn

Việc phân nhóm đối tượng DN nhằm giúp cơ quan Hải quan đưa ra những nội dung hỗ trợ cụ thể, phù hợp với tình hình hoạt động để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên, đồng thời thể hiện sự nắm bắt thông tin một cách tỉ mỉ, cẩn trọng của Cục Hải quan Hải Phòng với từng loại hình DN.

Theo đó, với DN thường xuyên liên tục có hoạt động XNK, Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu các chi cục lựa chọn danh sách để chủ động mời DN tham gia các hoạt động đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hải quan; tổ chức thực nghiệm thí điểm quy trình thủ tục mới triển khai tại cơ quan Hải quan để DN có sự chuẩn bị và tham gia góp ý với cơ quan Hải quan.

Với đối tượng này, Hải quan Hải Phòng còn có mong muốn DN trở thành cộng tác viên của cơ quan Hải quan, tham gia vào việc chia sẻ kinh nghiệm làm thủ tục hải quan với cộng đồng DN trên địa bàn.

Với nhóm DN có số kim ngạch lớn và đóng góp quan trọng đối với ngân sách, các chi cục lựa chọn danh sách và cập nhật thông tin kịp thời các chính sách quy định có ảnh hưởng tác động đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN (qua e-mail) để DN biết và tìm hiểu. Đồng thời, tổ chức quy trình ưu tiên giải quyết vướng mắc nhanh cho DN.

Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế, lãnh đạo chi cục bố trí làm việc, gặp gỡ trực tiếp DN tại trụ sở cơ quan Hải quan hoặc DN để nắm bắt thực tế tình hình sản xuất kinh doanh, trao đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình quản lý nội bộ của DN và giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh.

Tổ chức hướng dẫn, tư vấn DN tính thuế, nộp thuế nhanh chóng, đúng quy định; vận động DN phối hợp với cơ quan Hải quan dự báo biến động số thuế nộp ngân sách nhà nước của DN; mời DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, tham gia đánh giá tác động các quy định liên quan đến sản xuất kinh doanh của DN; trao đổi, đề nghị DN hợp tác cung cấp thông tin về giá cả, mã, xuất xứ, thành phần cấu tạo… của hàng hóa XNK, phương thức thanh toán để tạo điều kiện cho cơ quan Hải quan tính thuế.

Ở nhóm DN thứ 3 là các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Cục giao Chi cục Hải quan KCX & KCN Hải Phòng, Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư- Gia công lựa chọn danh sách DN điển hình có hoạt động XNK tại chi cục để lãnh đạo chi cục chủ động tổ chức các buổi giao tiếp với lãnh đạo DN FDI để tạo sự thân thiện, gần gũi giữa cơ quan Hải quan và DN. Đảm bảo công khai, minh bạch, liêm chính trong quá trình giải quyết xử lý những vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại của DN FDI; chia sẻ, trao đổi học tập phương thức quản lý của DN FDI theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu các chi cục lựa chọn danh sách DN tại đơn vị và tùy vào điều kiện thực tế thực hiện hỗ trợ theo tình hình cụ thể. Đặc biệt khuyến khích giới DN hoạt động thông qua các đại lý làm thủ tục hải quan; phối hợp với các phòng ban tham mưu thuộc Cục tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, tập huấn cho DN về kiến thức thủ tục hải quan.

Với đối nhóm thứ 5 là tuân thủ thấp/DN không tuân thủ, vấn đề quan trọng đặt ra là tăng cường hỗ trợ, cập nhật quy định về kiến thức pháp luật, giúp DN điều chỉnh, sửa đổi các hành vi sai phạm. Theo đó, Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạo các chi cục, phối hợp với Phòng Quản lý rủi ro lập danh sách DN tuân thủ thấp/DN không tuân thủ thực hiện thủ tục hải quan tại đơn vị và chủ động biên tập các bài viết hướng dẫn thực hiện những quy định cần thiết, thủ tục thường hay mắc lỗi, vi phạm của DN và gửi trực tiếp cho DN trong danh sách tại nơi làm thủ tục hải quan; phối hợp với các phòng tham mưu biên soạn đăng tải các bài viết về các lỗi thường gặp của DN trên Website của Cục (https://hpcustoms.gov.vn).

Mặt khác, lãnh đạo Cục giao Phòng Quản lý rủi ro xây dựng cam kết tuân thủ pháp luật đối với những DN thuộc nhóm này khi sẵn sàng hợp tác với cơ quan Hải quan; phối hợp với Văn phòng Cục đăng tải các bài viết hướng dẫn DN khắc phục, cải thiện tình trạng tuân thủ.

Ngoài những DN có hoạt động XNK trực tiếp, Cục Hải quan Hải Phòng cũng đưa ra giải pháp hợp tác với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ XNK (DN kinh doanh cảng, logistics, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục). Theo đó, các chi cục phối hợp quản lý trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa XNK, phương tiện xuất nhập cảnh trong địa bàn hoạt động hải quan; trao đổi thông tin, kết nối hạ tầng công nghệ, quy trình nghiệp vụ đối với hàng hóa phương tiện.

Có thể thấy, việc phân nhóm thành các đối tượng DN mà Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện vừa bao trùm hết số DN từ hoạt động XNK trực tiếp đến các DN dịch vụ. Qua đó khu biệt những nhóm đối tượng tương đồng để có biện pháp hỗ trợ, hợp tác hiệu quả, đặc biệt là phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thuộc, trực thuộc Cục, nhất là trách nhiệm các chi cục- nơi trực tiếp giải quyết thủ tục cho cộng đồng DN.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-hai-phong-tap-trung-ho-tro-6-nhom-doanh-nghiep-trong-diem.aspx