Hải quan Hải Phòng: Chú trọng công tác đào tạo trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan

Năm 2018, việc tổ chức thành công nhiều lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho CBCC là một nét nổi bật của Chi cục KTSTQ (Cục Hải quan Hải Phòng).

Chi cục KTSTQ Hải Phòng tổ chức lớp đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho CBCC

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ Trần Mạnh Cường cho biết: Yêu cầu đặt ra với lực lượng KTSTQ là phải xây dựng được lực lượng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ CBCC công tác trong lĩnh vực này vẫn phải thực hiện quy định về luân chuyển vị trí công tác.

“Để đáp ứng được cả 2 yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, năm 2018, Chi cục đặt ra kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức trong toàn Chi cục. Điều này góp phần giúp cho đội ngũ công chức kịp thời tiếp cận, nắm bắt và triển khai hiệu quả công việc, nhất là những công chức đến nhận nhiệm vụ ở những lĩnh vực mới”- ông Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Chỉ trong năm 2018, Chi cục KTSTQ Hải Phòng đã tổ chức được 24 lớp đào tạo cho gần 600 lượt CBCC, bình quân đạt 2 lớp/tháng. Trực tiếp truyền thụ, chia sẻ kiến thức là lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo các đội nghiệp vụ. Các nội dung tập huấn được lãnh đạo đơn vị lựa chọn là những vấn đề có liên quan mật thiết đến công tác KTSTQ cũng như lĩnh vực kiểm tra đặc thù của đơn vị như trị giá; mã số; phân loại hàng hóa đối với thức ăn chăn nuôi; kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra chứng từ, hồ sơ, sổ sách kế toán doanh nghiệp…

Năm 2018, Chi cục KTSTQ Hải Phòng thực hiện 612 cuộc kiểm tra, trong đó có 124 cuộc tại trụ sở doanh nghiệp, tổng số tiền thu, nộp ngân sách đạt 2.929 tỷ đồng.

Điển hình như buổi tập huấn “Công tác KTSTQ chuyên đề gia công - sản xuất xuất khẩu- chế xuất (GC-SXXK-CX) và chính sách thương mại trong giai đoạn hiện nay” được Chi cục tổ chức cuối tháng 12/2018 mới đây. Tại buổi tập huấn, lãnh đạo Chi cục KTSTQ đã cập nhật các nội dung liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa đối với loại hình GC-SXXK-CX và chính sách thương mại; công tác KTSTQ lĩnh vực GC-SXXK-CX và chính sách thương mại. Trong đó, lãnh đạo Chi cục tập trung vào những nội dung cơ bản, từng chuyên đề cụ thể và các vấn đề cần lưu ý, dấu hiệu rủi ro mới trong giai đoạn hiện nay, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro để đưa ra phương pháp kiểm tra sát với nội dung của tiêu chí rủi ro...

Hay liên quan đến vấn đề về kiểm tra mã HS và thuế suất vốn hay phát sinh ý kiến khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Để công tác kiểm tra trong lĩnh vực này đạt hiệu quả, tháng 11/2018, Chi cục tổ chức buổi tập huấn về nội dung quan trọng này. Tại buổi tập huấn, lãnh đạo Chi cục đã phổ biến các vấn đề cơ bản liên quan đến kỹ thuật áp mã số hàng hóa và công tác KTSTQ về mã số hàng hóa, như: Khái niệm, các nguyên tắc, quy tắc bắt buộc, các văn bản pháp quy, dấu hiệu rủi ro, phương pháp phát hiện, đấu tranh...

Theo Chi cục KTSTQ, nhờ tổ chức tốt công tác đào tạo nên năm 2018, đơn vị đã tổ chức kiểm tra thành công một số chuyên đề lớn, góp phần tăng thu ngân sách và chống gian lận thương mại như: Chuyên đề về nhựa DOP; chuyên đề phụ tùng ô tô; chuyên đề gỗ nhập khẩu; chuyên đề thuế chống bán phá giá…

Mặt khác, qua công tác KTSTQ, Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới cộng đồng doanh nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động XNK, giúp doanh nghiệp hiểu đúng, khắc phục sai sót để nâng cao việc tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế, từ đó tạo được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.

Về công tác trong năm 2019, Chi cục trưởng Trần Mạnh Cường cho biết, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho CBCC tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.

Cùng với đó, đơn sẽ tập trung kiểm tra các địa bàn trọng điểm; các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá, C/O... các trường hợp sai mức thuế suất MFN (thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường), thuế suất FTA (Hiệp định thương mại tự do) tại các biểu thuế; các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế không đúng quy định tại Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu.

Nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ thông qua việc lập kế hoạch năm trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin rủi ro từ cao xuống thấp; căn cứ nguồn lực của Chi cục tiến hành KTSTQ đối với các doanh nghiệp có độ rủi ro cao…

Một điểm đáng chú ý được Chi cục đề cập là tăng cường và mở rộng cải cách trong công tác KTSTQ. Lãnh đạo Chi cục chia sẻ: Việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử, quản lý rủi ro đã áp dụng sâu rộng trong tất cả các khâu quản lý dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nên công tác KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan là công cụ hữu hiệu, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý, hướng dẫn, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của các DN có hoạt động XNK. Tuy nhiên, việc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan phải được thực hiện theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và không gây phiền hà cho doanh nghiệp…

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-hai-phong-chu-trong-cong-tac-dao-tao-trong-linh-vuc-kiem-tra-sau-thong-quan.aspx