Hải quan góp phần lấp lỗ hổng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu

Trong công tác quản lý hàng hóa XNK tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan thực thi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị nhiều chính sách quản lý chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hoặc tạo kẽ hở cho đối tượng buôn lậu gian lận thực hiện các hành vi vi phạm.

Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa ngoài KCN (Cục Hải quan Bình Dương) kiểm tra thực tế hàng hóa. Ảnh: Đăng Nguyên

Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa ngoài KCN (Cục Hải quan Bình Dương) kiểm tra thực tế hàng hóa. Ảnh: Đăng Nguyên

Chia sẻ về hai vấn đề được dư luận quan tâm là quản lý phế liệu nhập khẩu và chống gian lận xuất xứ, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, nhiều vấn đề bất cập trong quản lý hàng hóa XNK đã được cơ quan Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, hoàn thiện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành:

Hải quan là cơ quan thực thi nhiều nhất các bộ luật, các quy định dưới luật như Nghị đinh, thông tư. Trong quá trình thực thi, cơ quan Hải quan cùng với doanh nghiệp phát hiện rất nhiều bất cập, những thủ tục thừa cản trở hoạt động của DN. Qua đó đã phân tích, kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện.

Việc này vẫn còn diễn ra trong khi điều kiện pháp luật nước ta còn chưa đồng bộ, đôi khi pháp luật chuyên ngành cũng không quan tâm đến quy trình thủ tục hải quan để đảm bảo khớp nối, ý kiến tham gia của cơ quan Hải quan chưa được tiếp thu đầy đủ cặn kẽ. Chính vì vậy, việc kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách là việc thường xuyên.

Đơn cử như công tác quản lý phế liệu nhập khẩu. Qua nắm tình hình, rà soát việc thực hiện thủ tục tại địa phương cho thấy năm 2017, 2018 số lương phế liệu đưa về Việt Nam tăng đột biến, dẫn tới lượng tồn lớn tại cảng biển, thậm chí qua rà soát thực hiện các chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, cơ quan Hải quan đã phát hiện hàng loạt vấn đề vi phạm pháp luật của Việt Nam, cũng như về thủ tục hải quan.

“Doanh nghiệp NK hàng hóa không đủ điều kiện, bản chất là chất thải về một số cảng biển Việt Nam, dẫn tới việc tốn kinh phí xử lý, gây ảnh hưởng môi trường; hay dấu hiệu làm giả chứng nhận đủ điều kiện trong NK phế liệu, ngoài ra còn một loạt vi phạm khác cũng bị cơ quan Hải quan điều tra, phát hiện”- ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Để xử lý, ngăn chặn tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác thải, trên cơ sở văn bản pháp luật hiện có, Tổng cục Hải quan đã ban hành chỉ đạo tăng cường kiểm soát phế liệu, đặc biệt đưa ra một số giải pháp trước đó chưa thực hiện và triển khai quyết liệt tới các đơn vị Hải quan. Đó là yêu cầu hãng tàu, Hải quan kiểm tra lô hàng đáp ứng đủ điều kiện NK, có giấy chứng nhận bảo lãnh ngân hàng mới cho phép dỡ hàng xuống cảng biển, tức là chỉ phế liệu “sạch”, đủ điều kiện mới được dỡ hàng, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng đưa chất thải vào sau đó để ở cảng biển Việt Nam gây tốn chi phí, ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương kiên quyết không thực hiện thủ tục hải quan cho những mặt hàng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Yêu cầu việc kiểm soát thực hiện thủ tục hải quan chặt chẽ như: kiểm tra hồ sơ kỹ càng; kiểm tra lô hàng phải đáp ứng đầy đủ quy định theo Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời yêu cầu lực lượng Kiểm định hải quan xuống phối hợp kiểm tra. Qua đó cơ quan Hải quan phát hiện hàng loạt vụ việc, doanh nghiệp NK không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường và thực hiện khởi tố hoặc buộc tái xuất.

Theo ông Âu Anh Tuấn, nhiều nội dung tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu đã được đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Đặc biệt, qua quá trình rà soát công tác quản lý phế liệu nhập khẩu Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật như: sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 41/2015/TT-BTNMT theo hướng quản lý chỉ cho phép NK phế liệu “sạch”, đủ điều kiện về môi trường. Hiện tại các văn bản đó đã được các bộ sửa đổi theo hướng một mặt đảm bảo quản lý, một mặt thông thoáng thủ tục hơn nữa, thực hiện trên hệ thống một cửa và trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Hiện nay vấn đề phế liệu nhập khẩu đã cơ bản được kiểm soát (xem thêm bài trang 6).

Song song với phế liệu, vấn đề chống gian lận xuất xứ được dư luận quan tâm. Ông Âu Anh Tuấn cho biết, qua quá trình kiểm tra, rà soát cơ quan Hải quan đã phát hiện những bất cập trong chính sách, những thủ đoạn gian lận lợi dụng kẽ hở trong chính sách. Chẳng hạn với hàng NK, mặc dù nhập từ nước ngoài nhưng trên sản phẩm đã ghi sẵn “Made in Vietnam” để tiêu thụ trong nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hoặc doanh nghiệp không dán nhãn khâu NK mà chỉ dán phụ khâu lưu thông và khi đó ghi sai xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng… Đối với hàng xuất khẩu, qua quá trình kiểm tra sau thông quan và chống buôn lậu, cơ quan Hải quan cũng phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm. Cũng từ đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách.

Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách như: Bộ Khoa học và Công nghệ sửa Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo nghị định và lấy ý kiến các bộ. Các nội dung sửa đổi theo hướng Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Chính phủ. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương, các bô ngành sửa đổi quy định về xuất xứ, một mặt tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, một mặt đưa ra các quy tắc đảm bảo các doanh nghiệp không lợi dụng cơ chế chính sách để thực hiện hành vi gian lận.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hai-quan-gop-phan-lap-lo-hong-chinh-sach-quan-ly-hang-hoa-xuat-nhap-khau-133782-133782.html