Hải quan Đồng Nai giải đáp gần 60 câu hỏi vướng mắc cho DN Nhật Bản

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản được Cục Hải quan Đồng Nai tổ chức chiều 4/7, Cục Hải quan Đồng Nai đã giải đáp gần 60 câu hỏi cho các doanh nghiệp liên quan tới nhiều vấn đề như chuyển đổi loại hình cho doanh nghiệp chế xuất, xuất bù hàng lỗi, nhập khẩu hàng mẫu…

Phó Cục trưởng Nguyễn Phúc Thọ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hoàn

Phó Cục trưởng Nguyễn Phúc Thọ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hoàn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ cho biết, tiếp nối hai hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc vừa được tổ chức, Cục Hải quan Đồng Nai tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản. Mục tiêu của hội nghị là cung cấp các quy định chính sách mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, qua hội nghị, Cục Hải quan Đồng Nai cũng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, từ đó có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hoàn thiện chính sách pháp luật về Hải quan.

Theo đó, tại hội nghị, ông Trần Hoàng Trọng Kỳ, Trưởng phòng Giám sát quản lý – Cục Hải quan Đồng Nai đã giới thiệu tới các doanh nghiệp tài liệu về các quy định chính sách do Cục Hải quan Đồng Nai tập hợp. Tài liệu gồm hai phần là văn bản quy phạm pháp luật với liên quan đến lĩnh vực hải quan và một số thủ tục hải quan cơ bản được thực hiện thường xuyên tại Cục Hải quan Đồng Nai. Đây là tài liệu rất hữu ích, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, nắm bắt và thực hiện, tránh xảy ra sai sót.

Phát biểu tại hội nghị, ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM cho hay, trong tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp hội viên của hiệp hội, có tới trên 130 doanh nghiệp đang đầu tư tại Đồng Nai và Nhật Bản hiện đứng vị trí thứ 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Ông Okada Hideyuki khẳng định, việc UBND tỉnh Đồng Nai cũng như Cục Hải quan Đồng Nai luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chính là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản gắn bó lâu dài tại địa phương này.

Ông Okada Hideyuki đánh giá cao việc Cục Hải quan Đồng Nai tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. “Hội nghị hôm nay là một trong những thành quả của thỏa thuận đã được ký kết giữa Cục Hải quan Đồng Nai và Hiệp hội từ tháng 6/2016” – ông Okada Hideyuki nói.

Giải đáp gần 60 câu hỏi

Tại hội nghị, Cục Hải quan Đồng Nai đã giải đáp gần 60 câu hỏi cho các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chuyển đổi loại hình cho doanh nghiệp chế xuất (DNCX), nhập hàng mẫu, xuất bù hàng lỗi… Cụ thể, một DNCX đặt vấn đề về việc công ty đang hoạt động theo loại hình gia công, công ty đối tác cung cấp nguyên vật liệu và cho mượn dây chuyền, máy móc, thiết bị để thực hiện gia công sản phẩm theo từng hợp đồng gia công. Thời hạn của hợp đồng đang thực hiện là từ ngày 25/6/2018 đến ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, hiện công ty có kế hoạch chuyển đổi qua loại hình sản xuất xuất khẩu vào tháng 7/2019. Do đó, công ty hỏi về những thủ tục cần thực hiện để được chuyển đổi.

Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hoàn

Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, Điều 78 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC hướng dẫn trường hợp chuyển đổi loại hình từ DNCX thành doanh nghiệp không hưởng chính sách DNCX. Công ty có thể căn cứ nội dung hướng dẫn tại quy định nêu trên để xử lý tài sản, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu khi chuyển đổi loại hình từ DNCX thành doanh nghiệp không hưởng chính sách DNCX.

Một doanh nghiệp khác hỏi về việc DNCX nhập khẩu hàng mẫu là thành phẩm hoàn chỉnh không thanh toán, nguyên liệu không thanh toán thì thực hiện khai báo mã loại hình như thế nào và có phải thực hiện báo cáo quyết toán hay không.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, người nhập khẩu căn cứ thực tế, hồ sơ, mục đích sử dụng của lô hàng để lựa chọn loại hình nhập khẩu khai báo cho phù hợp và chịu trách nhiệm nội dung đã khai. Do đó, mã loại hình tờ khai căn cứ mục đích sử dụng và Bảng mã loại hình ban hành kèm theo Công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 1/4/2015 của Tổng cục Hải quan.

Căn cứ Điều 54 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định, hàng hóa là nguyên liệu trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất để cấu thành sản phẩm xuất khẩu, hàng mẫu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất phải quản lý, theo dõi đúng quy định theo loại hình E11 (nhập nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất từ nước ngoài) hoặc E15 (nhập nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất từ nội địa), không phân biệt có hay không thanh toán.

Do đó, công ty có thể căn cứ vào thực tế về điều kiện thanh toán, số lượng, mục đích sản xuất để mở tờ khai nhập E11, E15 cho số nguyên phụ liệu dùng sản xuất, hàng mẫu để gia công sản xuất xuất khẩu cho đứng duy định và thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định tại Thông tư .

Một DNCX cũng hỏi về việc khi thực hiện nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tiêu hao có cần phải phân biệt vật tư tiêu hao trực tiếp và gián tiếp không. Nếu trực tiếp thì có thể xây dựng định mức cùng với sản phẩm và ghi chú “KXDĐM”, còn nếu gián tiếp thì có cần phải báo cáo xuất nhập tồn cùng với công cụ dụng cụ của mã loại hình A12 không.

Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, Điều 54, 55 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định, định mức thực tế sản xuất là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu bao gồm lượng nguyên liệu, vật tư cấu thành sản phẩm và lượng nguyên liệu vật tư tiêu hao tạo thành phế liệu, phế phẩm, không phân biệt trực tiếp hay gián tiếp, chỉ phân biệt cấu thành hay không cấu thành thực thể sản phẩm.

Đối với vật tư không xây dựng được định mức thì ghi chú “KXDĐM” tại cột số 9 mẫu 16/ĐMTT/GSQL và phải lưu trữ các chứng từ liên quan đến việc sử dụng vật tư và thể hiện trong báo cáo quyết toán về tình hình xuất nhập tồn kho của vật tư này.

Một doanh nghiệp khác hỏi về phần chênh lệch dữ liệu của doanh nghiệp sau khi bị kiểm tra sau thông quan có được cập nhật đồng nhất dữ liệu trên hệ thống hải quan không.

Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, trong trường hợp kết quả kiểm tra sau thông quan có phát sinh việc lượng nguyên vật liệu trên hệ thống kế toán của doanh nghiệp nhiều hơn số lượng nguyên vật liệu đã khai báo hải quan, thì đến kỳ báo cáo quyết toán tiếp theo, doanh nghiệp phải xác định là lượng nguyên liệu chênh lệch doanh nghiệp đã nộp thuế theo quyết định ấn định thuế của cơ quan Hải quan được sử dụng cho mục đích gì: tiêu thụ nội địa, sử dụng để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa, sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng để cung ứng cho hợp đồng gia công… đúng theo mục đích sử dụng được ghi nhận trên hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp số lượng nguyên vật liệu trên hệ thống kế toán của doanh nghiệp nhỏ hơn số lượng nguyên vật liệu đã khai báo hải quan thì đến kỳ báo cáo tiếp theo doanh nghiệp phải lấy đúng số liệu trên hệ thống kế toán của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về vấn đề hàng trả về sau khi đã xuất. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu xuất bù hàng trước, sau đó mới trả lại hàng không đạt cho công ty kiểm tra thì công ty có thể chọn loại hình nào là phù hợp và sau khi kiểm tra, nếu xuất được, công ty có thể xuất cùng với những mặt hàng không thường khác được không.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, khi xuất bù hàng hóa bị lỗi, hư hỏng, công ty xuất khẩu cùng loại hình với lô hàng lỗ, hư hỏng đã xuất khẩu.

Căn cứ Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về nguyên tắc khai hải quan, lô hàng xuất khẩu thuộc 2 loại hình khác nhau, công ty phải tiến hành khai báo 2 tờ khai hải quan khác nhau. Trường hợp hàng đóng chung cont thì tại tiêu chí khai báo 2.57 – “phần ghi chú” của 2 tờ khai công ty cần ghi rõ “chung container với tờ khai số… ngày…”.

Một doanh nghiệp đặt vấn đề về việc khi sản xuất sơn, lượng hao hụt mỗi lần không giống nhau. Doanh nghiệp cho biết có nghe nói về việc nếu lượng hao hụt không đều thì sẽ thành đối tượng chịu thuế. Nếu điều này là đúng thì doanh nghiệp cần làm thủ tục gì để không trở thành đối tượng chịu thuế.

Một doanh nghiệp khác hỏi về mã HS, theo đó, cùng một mặt hàng nhập từ hai nhà cung cấp khác nhau có cùng xuất xứ tại một nước thì có được lấy mã HS đã giám định trong lần nhập khẩu trước (nhà cung cấp A) để áp dụng cho lần nhập sau (nhà cung cấp B).

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định, người khai hải quan được sử dụng kết quả phân tích, phân loại của lô hàng đã được thông quan trước đó để khai tên hàng, mã số cho các lô hàng tiếp theo có cùng một nhà sản xuất.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hai-quan-dong-nai-giai-dap-gan-60-cau-hoi-vuong-mac-cho-dn-nhat-ban-107551.html