Hai quan điểm trái ngược về hạn chế tác hại của rượu bia trên Nghị trường Quốc hội

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Trên Nghị trường, một số vấn đề chính vẫn chia làm 2 loại quan điểm rõ rệt, đặc biệt là với vấn đề hạn chế quảng cáo cũng như điểm bán, giờ bán rượu bia.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về luật rượu bia

Đại biểu Quốc hội tranh luận về luật rượu bia

Thứ nhất, đối với vấn đề quảng cáo, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Phú Yên cho rằng, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ thanh thiếu niên thì cần chú trọng hai vấn đề, thứ nhất, hạn chế thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với rượu bia và đồ uống có cồn và thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em nhận thức rằng không phải rượu, bia là tốt là được khuyến khích sử dụng.

“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự luật này, so với xu thế chung gần như đi ngược lại khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe người dân, người tiêu dùng nhưng bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu, bia" - bà Hiền nói

Theo đại biểu tỉnh Phú Yên, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2% - 5%. “Trong tình hình các nhà quảng cáo rượu bia rộng rãi hiện nay, bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn, tôi nghĩ quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần điều chỉnh lại từ 18 giờ - 21 giờ tại Điều 12 thay cho những quy định theo chủ đích hiện tại của luật. 19 giờ - 20 giờ là thời gian diễn ra chương trình thời sự, hầu như không có quảng cáo" - đại biểu Hiền phân tích và nhấn mạnh, đó là khung giờ vàng theo quan niệm với người lớn nhưng không ưu tiên giảm lượng trẻ tiếp xúc với rượu bia và đồ uống có cồn.

“Tôi thấy rằng, dự thảo này không phục vụ cho việc phòng, chống tác hại của rượu, bia, lấy lợi ích của người dân, người yếu thế là nạn nhân của rượu, bia làm cốt lõi, với tâm thế bảo vệ cho nhóm quyền của trẻ em liên quan đến dự luật này.”

Bà Hiền cũng cho biết bất ngờ vì dự thảo này không còn cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên internet. “Ta cần tạo ra rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo cơ hội, tăng tính sẵn có của rượu, bia cho người tiêu dùng và trẻ em vị thành niên, phụ nữ” – đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ rất đau khi nhận thấy sự giằng xé đầy mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng cố đưa ra các chế định phòng chống điều mà chúng ta ưu ái, nhân nhượng trong lần này.”

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, một trong những quy định “bị đẩy ra khỏi dự luật” là cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên Internet.

“Lắp vào điều trên dự thảo luật đã chế định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó Điều 16 quy định các biện pháp kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm và mua rượu, bia. Nội dung kiểm soát cũng được chế định tại khoản 5 Điều 12 về quảng cáo rượu, bia. Trong thực tế nếu làm được điều này, tôi đề nghị Chính phủ làm ngay để kiểm soát, ngăn chặn việc truy cập hàng ngày hàng giờ các trang web với thông tin phản động, xuyên tạc, phản văn hóa, điều mà Luật An ninh mạng rất chặt chẽ, khắt khe nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được. Tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là "vẽ đường cho hươu chạy"?- đại biểu Nhân đặt vấn đề.

Theo ông Nhân, báo cáo giải trình chỉ đề cập, cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội.

“Nếu cho rằng các điều khoản phải vừa vặn với nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi thì việc cấm bán rượu, bia trên internet có đòi hỏi một nguồn lực quá sức chúng ta hay không? Vừa cho rằng nguồn lực hiện có chưa đảm bảo lại vừa cho phép bán rượu, bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát thì không cụ thể thì hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay thiếu sót đầy chủ ý về kỹ thuật lập pháp.

Về việc bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được phép quảng cáo trong các chương trình văn hóa, thể thao và chỉ bị hạn chế quảng cáo từ 19 đến 20 giờ trên báo nói và báo hình, ông Nhân đặt vấn đề: “Không biết vô tình hay hữu ý nghiễm nhiên lại được nằm trong vùng trắng an toàn trong hoạt động quảng cáo.”

Đại biểu Nhân đề nghị Quốc hội rà soát điều chỉnh lại độ cồn ở ngưỡng 4 đến 5 độ trong tất cả các quy định thay vì từ 5,5 độ như trong dự thảo luật, kể cả các hoạt động khuyến mại, tài trợ.

Về việc đưa ra khỏi dự thảo luật quy định các điểm bán lẻ rượu bia phải cách xa trường học, cơ sở y tế 500m, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, một doanh nghiệp bia đã “dày công” tìm trên google map và chỉ ra rằng, với sự dày đặc của trường học và cơ sở y tế thì quy định này là không khả thi.

Rồi ông đặt câu hỏi: “Lẽ nào trường học - nơi ươm mầm tri thức của quốc gia và cơ sở y tế - nơi chăm sóc sức khỏe nhân dân, là những thiết chế nhân đạo của nhà nước, giờ đây lại trở thành những chướng ngại cản trở một trong các hoạt động của ngành rượu, bia?”

Theo ông Nhân, Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng chưa hoàn chỉnh về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khỏe nhân dân.

“Chi phí cho ra đời một dự luật không hề nhỏ đến từ nguồn thuế của nhân dân. Nhưng nếu luật ra đời không phục vụ đúng lợi ích của nhân dân, thì nó đảm bảo tính đại diện lợi ích chung của xã hội mà nhà lập pháp từng cam kết trước đồng bào cử tri khi vận động tranh cử" - đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm và nhấn mạnh: “ Đừng để đạo luật đầy tính nhân văn trở thành công cụ bảo đảm ngôi vương trong tiêu thụ rượu, bia và thúc đẩy tái nghèo bền vững của quốc gia.”

ĐB Phạm Trọng Nhân

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần bổ sung một điều quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia ở mức tỷ lệ phần trăm, giống như với thuốc lá.

“Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống. Tác hại ít nhưng thu nhập của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước lại không giảm khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ban hành. Ngoài ra, có thêm phần tích thu ngân sách để chi phí cho các hoạt động truyền thông tác hại của rượu bia và từ đó có chi phí trong điều tra và xử lý rượu, bia.” – ông Phương khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại cách giải thích từ ngữ về khái niệm "tác hại của rượu, bia". Theo đó, Dự thảo quy định "tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng không có lợi của rượu bia đối với sức khỏe người dùng" đánh đồng với khái niệm “có hại” thành "không có lợi" là không đúng, bởi không có lợi không phải có hại.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại biểu Trương Phi Hùng - Long An nhắc lại, tại kỳ họp trước, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị cấm quảng cáo rượu, bia có 15 độ cồn trở lên và trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến của các chuyên gia đề nghị cấm khuyến mãi cả rượu và bia có 15 độ cồn trở lên. Song dự thảo luật trình lần này lại không đề cập tới việc quảng cáo, khuyến mại đối với bia có 15 độ cồn trở lên.

“Theo tôi nên cân nhắc để bổ sung vào quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này.” – đại biểu tỉnh Long An nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) thì cho biết, bà đã đi thăm quan một ngôi làng không có rượu bia ở Thái Lan và thấy, ngôi làng này rất thanh bình, đón nhiều khách du lịch. Bà Khánh đề nghị Việt Nam cũng cần có những ngôi làng như vậy, đồng thời đề nghị không nên khuyến khích xây dựng những làng nghề nấu rượu.

Đại biểu Bùi Thu Hằng - Hòa Bình chia sẻ tình trạng người dân cảm thấy lo lắng khi sự an toàn của bản thân, gia đình, đặc biệt là sự an toàn của trẻ nhỏ bị đe dọa bởi những ma men dẫn lối. Đại biểu Hằng đề nghị phải cấm hình thức khuyến mại rượu, bia để khuyến mại cho người tiêu dùng mới bảo đảm hạn chế thúc đẩy việc sử dụng rượu, bia và giảm được mức độ tiêu thụ rượu, bia. Bà Hẵng cũng đề nghị phải bổ sung biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với phương tiện quảng cáo rượu bia trên Internet.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thì tiếp tục đề nghị cần có lộ trình để áp dụng bắt buộc ghi nhãn phụ hoặc logo để cảnh báo ngay trên sản phẩm rượu, bia.

“Tôi thấy dự thảo lần trước ít ra còn quy định là khuyến khích có những nhãn phụ và logo nhưng dự thảo lần này thì bãi bỏ luôn và lấy lý do sợ tốn kém cho doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao. Tôi xin nói rằng bây giờ các doanh nghiệp cũng bớt quảng cáo, bớt tiếp thị, bớt tài trợ rất nhiều, không sợ họ thiếu tiền đâu. Nếu như chi phí tăng cao, giá rượu, bia tăng cao, khó tiếp cận hơn. Đây chính là một trong những mục tiêu của luật. Vậy, tại sao chúng ta lại sợ?” – bà Phong Lan đặt vấn đề.

Ngược lại với các ý kiến nói trên, bỏ qua những khuyến cáo của Bộ Y tế, của Tổ chức y tế thế giới rằng rượu bia là chất gây nghiện, đại biểu Nguyễn Văn Tuân (Thái Bình) nói rằng, “chưa có cơ sở nào khẳng định tác hại của rượu, bia nếu sử dụng ở mức độ hợp lý mà chỉ có lạm dụng rượu, bia mới có tác hại.”

Với quan điểm đó, ông Tuân không đồng ý với quy định của dự thảo Luật là “quảng cáo không được có thông tin, hình ảnh nhằm thúc đẩy uống rượu, bia” và “đề nghị không quy định việc quảng cáo, phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia” trong luật này.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng nêu ra một loạt lý do để không đồng tình với các quy định hạn chế hoặc cấm quảng cáo rượu bia.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Ninh Thuận thì cho biết: “Ủy ban Đối ngoại chúng tôi đã tập hợp tất cả các ý kiến, trên cơ sở đó chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm và mời rất nhiều các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đến để dự buổi tọa đàm xung quanh việc bán và quảng cáo rượu, bia trên internet, người ta rất phản ứng và nói rằng không nên coi đó là một vi phạm vì nó không đơn thuần là quảng cáo mà là đưa lên internet là công cụ để kinh doanh trong khi người ta kinh doanh một mặt hàng được phép, đúng pháp luật thì tại sao đưa ra quy định cấm.”

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương không nói rõ, các tổ chức, cơ quan có ý kiến này có phải là các doanh nghiệp rượu bia của nước ngoài hay không.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương

Đặc biệt, trong khi rất nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật này quá yếu, có rất ít tác dụng hạn chế tác tại của rượu bia thì đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) sau khi đọc thơ Bác Hồ tả về cảnh uống rượu ngắm trăng còn da diết thốt lên: “Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này”

ĐB Dương Trung Quốc

Phản hồi về ý kiến của một số đại biểu cho rằng quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau là không khả thi, đại biểu Nguyễn Mai Hoa nói: “Nếu đã khẳng định đây là giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ có hiệu quả trong phòng, chống thì tại sao chúng ta không nghiên cứu để quy định.

“Lý lẽ nêu trong báo cáo giải trình là trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi. Vậy, cần phải làm rõ là tại sao lại không khả thi? Có phải là chúng ta đang sợ dụng chạm tới quyền lợi của những người kinh doanh hay là việc trách nhiệm và khả năng quản lý nhà nước ở các địa phương hiện nay là chưa bảo đảm được. Chúng ta phải làm rõ. Qua đó, tôi đề nghị cần phải giải trình nội dung này vì sao lại không đưa vào.

Đại biểu Hoa nhấn mạnh: “Với mục tiêu đặt ra của luật này là phòng chống tác hại của rượu, bia. Vậy cần áp dụng đồng bộ ở cả 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là giảm cung, thứ hai là giảm cầu, thứ ba là giảm tiếp cận và thứ tư là giảm tác hại.”

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201905/hai-quan-diem-trai-nguoc-ve-han-che-tac-hai-cua-ruou-bia-tren-nghi-truong-quoc-hoi-633765/