Hải quan đẩy mạnh tạo thuận lợi cho DN

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam và trên toàn cầu, nhiều khả năng thu ngân sách của ngành Hải quan năm 2020 ước tính đạt 309.000 - 310.000 tỷ đồng, chỉ bằng 91,4% dự toán, giảm 11% so với năm 2019. Ngành Hải quan đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thu ngân sách, đi đôi với tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu.

Nỗ lực tối đa tiệm cận mục tiêu

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK)-Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 489,55 tỷ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 16,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 254,85 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng trị giá nhập khẩu là 234,7 tỷ USD, tăng 1,6%. Thu ngân sách của ngành Hải quan năm 2020 ước tính đạt 309.000 - 310.000 tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán, giảm 11% so với năm 2019 .

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Hải quan Việt Nam đã triển khai nhanh các biện pháp ở cả cấp Tổng cục Hải quan và các Cục hải quan tỉnh, thành phố; thực hiện chế độ trực, tổng hợp thông tin và báo cáo kịp thời đến Bộ Tài chính và Chính phủ.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK)-Tổng cục Hải quan. Ảnh:VGP/Anh Minh.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK)-Tổng cục Hải quan. Ảnh:VGP/Anh Minh.

Nhằm bảo đảm tạo thuận lợi thương mại trong tình hình dịch bệnh bùng phát ở trong nước và các nước trên thế giới, Hải quan Việt Nam tập trung thực hiện việc rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan với người làm thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hải quan kịp thời nắm tình hình, giải quyết các vướng mắc phát sinh, đưa ra các giải pháp, biện nhằm thông quan, giải phóng nhanh hàng hóa, như: chỉ đạo triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ trong phòng, chống dịch; chỉ đạo việc giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa, rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, tăng cường hội đàm giải tỏa ách tắc…

Về thủ tục, Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra do dịch. Thông tư đã giải quyết được vướng mắc, khó khăn của DN trong vấn đề nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ DN trong việc xem xét cho hưởng ưu đãi đặc biệt khi DN chưa có bản chứng nhận xuất xứ hàng hóa bản gốc, cũng như kéo dài thời gian chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan để DN hưởng ưu đãi đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tư duy đồng hành cùng DN

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, ngành hải quan luôn xác định tư duy đồng hành cùng DN. Cụ thể, để tận dụng các cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo Nghị định, Thông tư, biểu thuế ưu đãi trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo các văn bản, cơ quan Hải quan đặc biệt nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết; Tập huấn cho các cán bộ nghiệp vụ; cung cấp nội dung thông tin giới thiệu về cam kết có liên quan đến hải quan trong EVFTA để đưa lên Cổng thông tin điện tử; triển khai các cam kết liên quan tới hải quan trong hiệp định. Cơ quan hải quan cũng tổ chức đối thoại với cộng đồng DN Việt Nam và châu Âu để tháo gỡ khó khăn.

Đối thoại thường xuyên là cách thức để ngành hải quan cải thiện, đồng hành hiệu quả hơn với DN.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hải quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về gia hạn thời hạn tạm nhập - tái xuất hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế do không có khách xuất nhập cảnh không bán được hàng; gia hạn thời gian gửi hàng hóa kho ngoại quan cho các DN do phía đối tác không tiếp nhận được hàng hóa vì ảnh hưởng của dịch.

Ngoài ra, hải quan cũng nỗ lực đơn giản hóa về chứng từ chứng minh vận tải trong trường hợp hàng hóa quá cảnh, chuyển tải qua nước không phải là thành viên trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP; tăng cường trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ công chức hải quan trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát việc vận chuyển hàng hóa, như: máy soi container, thiết bị giám sát hành trình, niêm phong điện tử, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng, an toàn thực phẩm…

Cơ quan hải quan cũng mở rộng áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ, tăng tỷ lệ luồng xanh; triển khai chương trình hỗ trợ DN nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan; cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa nhằm rút ngắn thời gian

Để tháo gỡ những khó khăn về thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, xây dựng và tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Cụ thể, Hải quan đã miễn thuế đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Tổng cục Hải quan đã khẩn trương phối hợp với các Bộ: Y tế, Công Thương, các cơ quan liên quan trình Bộ Tài chính ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu tại danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch

Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, ngành hải quan sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua và triển khai Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh COVID-19.

Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và DN trong việc thực hiện thủ tục hải quan; tiếp tục mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo Đề án nộp thuế 24/7.

Tổng cục Hải quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa. Cụ thể, tăng cường trang bị máy móc, thiết bị khi kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát việc vận chuyển hàng hóa, như: máy soi container, thiết bị giám sát hành trình, niêm phong điện tử, thiết bị kiểm tra; Tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai chương trình hỗ trợ DN nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa…

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/hai-quan-day-manh-tao-thuan-loi-cho-dn/417423.vgp