Hải quan Đà Nẵng giám sát trực tuyến để quản lý, ngăn hàng lậu

Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, hoạt động giám sát trực tuyến không chỉ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, kịp thời xử lý những thông tin, tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ hải quan; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan và các hành vi vi phạm pháp luật khác, mà qua đó cũng là kênh giám sát, minh bạch hóa việc thực thi nhiệm vụ của CBCC hải quan.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Nguyễn Hương chỉ đạo tại Phòng giám sát hải quan trực tuyến đặt tại trụ sở Cục. Ảnh: N.Linh.

Kiểm soát chặt hoạt động tại sân bay

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Nguyễn Hương cho biết, với việc được trang bị, lắp đặt Phòng Giám sát hải quan trực tuyến tại trụ sở Cục, toàn bộ hoạt động XNK, XNC, cũng như hoạt động nghiệp vụ của CBCC hải quan tại địa bàn quản lý hải quan đều được giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch 24/24h.

Tại Phòng Giám sát hải quan trực tuyến, hệ thống được kết nối đầy đủ, thông suốt hình ảnh từ 150 camera lắp đặt ở toàn bộ địa bàn hoạt động của lực lượng hải quan; đặc biệt, những khu vực công chức hải quan trực tiếp tác nghiệp như: Khu vực làm thủ tục cho hành lý của hành khách XNC, kho hành lý, băng chuyền hành lý, sảnh đỗ, khu vực máy soi, cửa hàng miễn thuế… Hệ thống camera tại sân bay quốc tế Đà Nẵng không chỉ kết nối với hệ thống giám sát đặt tại Cục Hải quan Đà Nẵng mà còn được kết nối trực tiếp với hệ thống giám sát đặt tại Tổng cục Hải quan.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hương, hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến tại Cục được thực hiện liên tục, thông suốt, kịp thời nắm tình hình, xử lý thông tin, tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ hải quan. Tất cả các nội dung thực hiện, thông tin phát sinh, ý kiến chỉ đạo, kết quả thực hiện được ghi nhận đầy đủ, trung thực trong nhật ký trực ban, giám sát trực tuyến và được bàn giao, theo dõi giữa các ca làm việc.

Theo Chi cục Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng Nguyễn Duy Nhất, với việc trang bị đồng bộ hệ thống giám sát trực tuyến ở cấp Cục, Tổng cục không chỉ đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ cho đơn vị trong việc giám sát các đối tượng tham gia XNC; đồng thời còn thể hiện sự minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của CBCC hải quan (tránh sự hiểu lầm đã từng xảy ra của một hướng dẫn viên du lịch về việc Hải quan sân bay mỗi lần nhập, xuất cảnh lại thu 10 nhân dân tệ? và chứng cứ là không thể có vì khu vực xuất cảnh là khu vực cấm quay camera, cấm chụp hình.)

Cũng theo ông Nhất, thông qua việc giám sát trực tuyến, các CBCC hải quan cũng có ý thức rèn luyện nhiều hơn về phẩm chất đạo đức, phải chỉn chu hơn trong quá trình tác nghiệp.

“Đấy là biện pháp để CBCC tự rèn luyện lại bản thân bởi, mỗi CBCC luôn biết có lực lượng đang giám sát mình trong quá trình thực thi công vụ. Qua camera giám sát, trường hợp CBCC thực hiện chưa đúng tác phong, quy trình, lãnh đạo có thể gọi điện thoại trực tiếp chấn chỉnh ngay. Đồng thời nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn của hành khách XNC, hàng hóa XNK, ngay lập tức sẽ chỉ đạo CBCC tại địa bàn kiểm tra, kiểm soát trọng điểm, ngăn chặn hành vi vi phạm”-ông Nhất cho biết.

Hải quan sân bay chủ động lập kế hoạch

Tuy nhiên, tại địa bàn trọng điểm như sân bay quốc tế Đà Nẵng, chỉ với việc giám sát, chỉ đạo qua hệ thống giám sát hải quan trực tuyến là chưa đủ, ngay tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng các kế hoạch kiểm tra, giám sát phải được đặt ra hàng năm, hàng quý, và theo từng thời điểm, với nội dung cụ thể.

Theo Chi cục trưởng Nguyễn Duy Nhất, với lượng chuyến bay và hành khách tăng trưởng mạnh theo từng năm, riêng số chuyến bay đã tăng hơn 40%, lượng hành khách tăng hơn 50% so với năm trước. Chính vì vậy, những rủi ro sẽ càng cao, yêu cầu kiểm soát ngày càng phải chặt chẽ hơn.

Dự báo về tình hình hoạt động buôn lậu trên địa bàn, ông Nhất cho biết, năm 2018 hàng hóa XNK, phương tiện vận tải, hành khách XNC tại địa bàn sẽ tăng so với năm trước, nhất là gần đây số đường bay quốc tế có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong đó là các đường bay đi và đến từ các vùng có nguy cơ cao về ma túy như: Hong Kong, Ma Cao, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Với vị trí quan trọng và tốc độ phát triển hiện nay nên không tránh khỏi gia tăng các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phát hiện khoảng 36 vụ vi phạm, trong đó vi phạm về vũ khí cấm NK là 5 vụ; văn hóa phẩm cấm NK là 9 vụ; NK ma túy, tiền chất là 4 vụ… Theo phân tích của đơn vị, các vụ vi phạm bị phát hiện chủ yếu gửi theo hình thức quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính. Phần lớn khi bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ, người đứng trên trên bưu kiện đều từ chối nhận hàng. Theo quy định, khi không xác định được người nhận hàng, cơ quan Hải quan thông báo tìm chủ sở hữu, nhưng trong những trường hợp này không ai đến nhận hàng, cơ quan Hải quan buộc phải xử lý hàng hóa là hàng vô chủ. Đây cũng là vấn đề khó khăn cho cơ quan Hải quan khi xử lý vi phạm.

“Đặc biệt đối với ma túy, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số vụ việc, tuy nhiên, trọng lượng nhỏ lẻ, có khả năng các đối tượng gửi với tính chất thăm dò. Qua việc kiểm soát chặt chẽ, các vụ vi phạm đã bị cơ quan Hải quan phát hiện kịp thời”, ông Nhất cho biết.

Để tăng cường kiểm soát, bên cạnh sự hỗ trợ từ việc giám sát trực tuyến của Tổng cục, Cục, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Đà Nẵng chủ động ban hành các kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, xác định địa bàn trọng điểm, đối tượng rủi ro; tuyến đường nguy cơ cao; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hoạt động trên địa bàn để quản lý, giám sát.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-da-nang-giam-sat-truc-tuyen-de-quan-ly-ngan-hang-lau.aspx