Hải quan Đà Nẵng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp về lĩnh vực thuế

Liên quan đến lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu (XNK), tại hội nghị đối thoại Hải quan-DN mới đây, Cục Hải quan Đà Nẵng đã ghi nhận một số vướng mắc của DN về phân loại hàng hóa, xác định mã HS, xác định trị giá hải quan. Những vấn đề này đã được cơ quan Hải quan giải đáp cũng như tiếp thu để kiến nghị cơ quan cấp trên.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

DN phản ánh về có sự chưa nhất quán trong việc hướng dẫn xác định mã số HS. Điều này khiến các DN bị xử phạt hành chính dù đã áp mã theo đúng hướng dẫn của công chức hải quan trong khâu thông quan. Có mặt hàng DN áp mã HS theo hướng dẫn của công chức hải quan khi làm thủ tục thông quan (đối với tờ khai luồng Vàng và luồng Đỏ) nhưng sau đó lại bị bác bỏ khi kiểm tra sau thông quan… Đối với những trường hợp như vậy DN mong muốn cơ quan Hải quan đưa ra cách xử lý thỏa đáng hơn.

Trả lời vấn đề vướng mắc của DN, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, việc phân loại hàng hóa được quy định thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật như Điều 26 Luật Hải quan, Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm Thông tư số 65/2017/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2019/TT-BTC, Thông tư số 14/2015/TT-BTC… Tuy nhiên do kỹ thuật phân loại hàng hóa phức tạp, hàng hóa XK, NK rất đa dạng nên thực tế việc phân loại hàng hóa luôn là một mảng nghiệp vụ khó trong lĩnh vực hải quan. Nhiều trường hợp vướng mắc Hải quan Việt Nam phải xin ý kiến phân loại từ Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) nhưng các thành viên trong Tổ chức này có lúc cũng có quan điểm phân loại khác nhau cho cùng mặt hàng và phải sử dụng biện pháp biểu quyết để đưa ra mã số cuối cùng.

Cục Hải quan Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của DN và đã có kiến nghị với Tổng cục Hải quan tháo gỡ vướng mắc cho DN, đồng thời kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan. Bên cạnh đó, DN có nhu cầu xác định trước mã số đối với hàng hóa dự kiến NK, thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

DN phản ánh việc xác định trị giá hải quan cũng đang chưa thuận lợi, cơ quan Hải quan yêu cầu DN tham vấn giá quá nhiều. Có trường hợp DN trong tháng nhập nhiều lô hàng cho cùng một chủng loại hàng, cùng nhà XK, cùng giá, song tất cả các lô đều bị tham vấn giá mặc dù DN đã bảo vệ được giá NK của mình từ lần tham vấn đầu tiên. Các DN cho biết việc giao thương mua bán hàng hóa tùy thuộc vào năng lực và cách làm việc, mối quan hệ của người bán và người mua để có thể thương lượng được mức giá tốt. Việc thường xuyên bị tham vấn giá khiến DN phải mất rất nhiều thời gian, chi phí để chuẩn bị giấy tờ, đi lại, làm việc nhiều lần để giải trình. Đối với thủ tục tham vấn giá một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng qui định vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, nhiều qui định vẫn còn khó đáp ứng nên phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện, trong khi thời hạn áp dụng kết quả tham vấn một lần quá ngắn... DN đề nghị cơ quan Hải quan có hướng xử lý linh hoạt hơn để tạo thuận lợi cho DN trong việc tham vấn giá, có thể áp dụng hình thức tham vấn, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định trị giá hải quan qua email để thuận lợi, cắt giảm được thời gian và chi phí cho DN. DN cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể và quy định rõ hơn về hồ sơ xuất trình khi đề nghị tham vấn giá một lần, xem xét kéo dài thời hạn sử dụng kết quả tham vấn giá một lần để tạo thuận lợi cho DN khi áp dụng.

Trả lời vướng mắc của DN, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, đối với phản ánh “DN trong tháng nhập nhiều lô hàng cho cùng một chủng loại hàng, cùng nhà xuất khẩu, cùng giá, song tất cả các lô đều bị tham vấn giá mặc dù DN đã bảo vệ được giá nhập khẩu của mình từ lần tham vấn đầu tiên”, DN có thể đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng kết quả tham vấn của lần tham vấn trước cho các lần nhập khẩu tiếp theo (tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần) theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính để hạn chế việc phải thực hiện tham vấn giá nhiều lần với cơ quan Hải quan.

Về đề nghị áp dụng hình thức tham vấn, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định trị giá hải quan qua email, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, tham vấn là việc trao đổi giữa cơ quan Hải quan và người khai hải quan nhằm làm rõ những nghi vấn của cơ quan Hải quan liên quan đến trị giá khai báo. Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính thì khi tham vấn người khai hải quan có trách nhiệm cung cấp, xuất trình đầy đủ các chứng từ theo quy định và cử đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền tham gia tham vấn trực tiếp. Do đó, việc đề nghị áp dụng hình thức tham vấn qua email là không phù hợp. Về hồ sơ xuất trình khi đề nghị tham vấn giá một lần thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (như hồ sơ tham vấn giá bình thường). Về kiến nghị kéo dài thời gian sử dụng kết quả tham vấn giá một lần, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, trong đó có nội dung sửa đổi về thời hạn áp dụng kết quả tham vấn một lần.

DN cũng phản ánh đến cơ quan Hải quan về thực hiện các thủ tục quản lý thuế như: Thủ tục hoàn thuế khó khăn, thời gian đề xuất hoàn thuế được chấp thuận cho đến khi nhận được tiền hoàn thuế, thời gian làm thủ tục, cung cấp hồ sơ hoàn thuế, xét duyệt theo từng cấp, chuyển Kho bạc lâu... DN đề nghị xử lý nhanh, thông báo, cập nhật rõ tình trạng hồ sơ trong quá trình xử lý để DN tiện theo dõi. Bên cạnh đó, DN đề nghị không đưa phần qui định nợ lệ phí hải quan trở thành điều kiện ràng buộc trong thủ tục hoàn thuế của DN vì khoản lệ phí hải quan phải nộp là khá nhỏ trong khi thủ tục hoàn thuế thì lại khá phức tạp, vì vậy không nên để qui định về lệ phí hải quan ảnh hưởng thủ tục này vì có trường hợp một số tờ khai DN đã hủy nhưng hệ thống vẫn treo nợ lệ phí, một số trường hợp sau khi nộp lệ phí hải quan vẫn chưa được kịp thời xóa nợ... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục hoàn thuế của DN.

Trả lời vướng mắc của DN, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, thời gian, thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được quy định cụ thể tại Khoản 64, 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, đối với từng trường hợp cụ thể, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra nguyên nhân vì sao “Hồ sơ hoàn thuế của DN không được giải quyết kịp thời”. Về việc kiểm tra các khoản nợ của DN trước khi hoàn thuế bao gồm cả tiền phí, lệ phí còn nợ (trừ trường hợp tiền phí, lệ phí phát sinh của các tờ khai trong tháng đến ngày 10 của tháng tiếp theo) phải thực hiện theo quy định. Hiện nay, DN có thể kiểm tra được tình trạng nợ thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp trên website của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ: https://www.customs.gov.vn. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 274/2016/TT-BTC thì không có trường hợp miễn thu phí, lệ phí đối với tờ khai hủy. Trường hợp DN đã nộp tiền nhưng hệ thống vẫn treo nợ thì xuất trình chứng từ chuyển tiền hoặc thông tin chuyển tiền điện tử để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hai-quan-da-nang-giai-dap-vuong-mac-cho-doanh-nghiep-ve-linh-vuc-thue-109955-109955.html