Hải quân Anh nâng cấp mục tiêu giả trang bị cho tàu chiến

Đầu tháng 3-2019, tạp chí Quốc phòng Jane's 360 cho biết, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố kế hoạch mua sắm phiên bản mới của hệ thống mục tiêu giả DLF(3b) trang bị trên tàu chiến.

Được trang bị từ đầu thập niên 1990, hệ thống DLF(3b) tuy khá “kín tiếng” so với những hệ thống phòng vệ tối tân khác trên tàu nhưng có xuất phát từ thực tế chiến trường, đem lại hiệu quả cao so với giá thành.

Hệ thống mục tiêu giả DLF(3b) được trang bị trên sàn của những chiếc tàu chiến với chức năng tạo thành mục tiêu giả đánh lừa đầu dò radar của tên lửa, nó có thể tự phát tín hiệu giả gần giống tàu chiến thật và hoàn toàn không có tính sát thương. Nhờ có hệ thống trang bị này, đã giúp các tàu chiến của Hải quân Anh có khả năng ngụy trang và giảm thiểu được sự tấn công của tên lửa, cũng như tăng khả năng sống sót khi bị tên lửa đối hạm tấn công.

Về tính năng, cấu tạo, hệ thống DLF(3b) bao gồm các ống phóng mồi bẫy bố trí trên boong tàu. Mỗi ống phóng chứa một phao nổi tự phồng lên sau khi được phóng xuống nước. Bề mặt phao được làm từ vật liệu sợi kim loại có độ phản xạ radar lớn, tạo thành mục tiêu giả đánh lừa tên lửa đối hạm. Sau khi phóng, mồi bẫy sẽ nổi trên mặt nước trong thời gian khoảng 3 giờ đồng hồ.

 Mồi bẫy DLF(3b) sau khi triển khai trên mặt nước. Ảnh: Jane’s 360

Mồi bẫy DLF(3b) sau khi triển khai trên mặt nước. Ảnh: Jane’s 360

Lợi thế lớn nhất của hệ thống DLF(3b) là giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các hệ thống pháo phòng thủ tầm gần hoặc tên lửa phòng không. Ngoài ra, các ống phóng mồi bẫy rất dễ lắp đặt, sử dụng nguồn điện trên tàu hoặc trong tình huống mất điện có thể phóng thủ công. Các phiên bản mới nhất của mồi bẫy ngoài khả năng đánh lừa đầu dò radar của tên lửa, còn có thể tự phát tín hiệu giả gần giống tàu chiến thật.

Tính đến thời điểm hiện tại, mục tiêu giả DLF(3b) vẫn nằm trong danh mục trang bị phòng thủ trên các tàu chiến mới nhất của Hải quân Anh như tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth hoặc tàu hộ vệ lớp Type 26 sắp trang bị. Tuy nhiên, bối cảnh chiến tranh hiện đại chứng kiến mối đe dọa về tên lửa chống hạm ngày càng tăng. Các loại tên lửa chống hạm đã có bước nhảy vọt về tầm bắn, tốc độ và khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ trên tàu. Đồng thời, phương tiện phóng tên lửa đối hạm cũng ngày một trở nên đa dạng, từ tàu cỡ nhỏ, xe tải thông thường đến máy bay không người lái.

Do đó, Bộ Quốc phòng Anh đưa ra yêu cầu về hệ thống mục tiêu giả mới hiệu quả hơn. Phiên bản mới sẽ có tên gọi Naval Passive Off-board Decoy (NPOD), dự kiến có hình dạng mới, sử dụng vật liệu làm nhiễu hoặc làm giả tín hiệu radar tốt hơn, đồng thời có thời gian nổi lâu hơn kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, do là hệ thống phòng thủ thụ động, NPOD sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp của tàu chiến, bao gồm các tổ hợp phòng không, tác chiến điện tử.

Theo tạp chí Jane’s 360, các công ty quốc phòng sẽ bắt đầu tham gia đấu thầu cho dự án NPOD từ tháng 10-2019. Hợp đồng chính thức sẽ được ký kết vào tháng 5-2020 và hệ thống đầu tiên sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2023. Do là hệ thống quan trọng liên quan đến công nghệ vật liệu và tín hiệu radar, các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống NPOD sẽ được giữ bí mật hoàn toàn.

NGUYỄN ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/hai-quan-anh-nang-cap-muc-tieu-gia-trang-bi-cho-tau-chien-570647