Hải quân Anh không tự bảo vệ được mình

Theo cựu chỉ huy của Hải quân Hoàng gia Anh, Alan West, hiện lực lượng này không thể tự bảo vệ được lãnh hải của mình.

Những cuộc đụng độ gần đây giữa những người câu cá của Pháp và Anh tại eo biển Manche vì việc đánh bắt sò điệp cho thấy rằng Anh thiếu tàu để bảo vệ vùng lãnh hải của mình. Và sau khi đất nước rời khỏi EU tình trạng này sẽ là "thảm khốc".

Ông Alan West cũng tin rằng tình trạng này cũng cho thấy những thiếu sót trong việc tổ chức các cơ quan quân sự. Theo ông, việc đưa ra lệnh cho các tàu này được thực hiện bởi các đơn vị khác nhau, trong khi sự phối hợp nên được thực hiện bởi một trung tâm chỉ huy.

Chiến hạm Anh quá ồn ào mỗi khi làm nhiệm vụ.

Chiến hạm Anh quá ồn ào mỗi khi làm nhiệm vụ.

"Tuy nhiên, trong trung tâm chỉ huy này, không có một vị chỉ huy nào có thể ra lệnh cho các cơ quan chính phủ thực hiện các hành động nào đó, vì vậy trung tâm không thể thực hiện đúng mệnh lệnh", cựu quân nhân nói.

Ông West cũng nói thêm rằng khi Anh rời khỏi EU, London sẽ phải tự tiến hành tuần tra vùng kinh tế độc quyền của mình, mà với tình hình hiện nay trong Hải quân nước này thì sớm muộn cũng xảy ra "thảm họa".

Thừa nhận của vị cựu chỉ huy này cho thấy thực trạng tệ hại của Hải quân Anh nhưng nó không khiến nhiều người bất ngờ bởi điều này đã được nhìn thấy từ trước đó.

Được biết, hiện lực lượng tàu mặt nước chủ lực của Anh là Type 45, nhưng những chiến hạm này lại phát ra tiếng ồn rất lớn dưới nước mà sonar của tàu ngầm Nga có thể phát hiện dễ dàng trong khoảng cách 100 hải lý (hơn 185 km).

Cùng với ông West, Đô đốc Anh Chris Parry nhận xét là những con tàu có chi phí cực khủng, lên tới 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD) này không được cung cấp các biện pháp chống ồn cần thiết, do đó, chúng đã tạo ra tiếng động dưới nước mạnh không khác gì các "hộp đựng cờ lê".

Theo Đô đốc, khi thiết kế sáu tàu khu trục được cho là thuộc loại tối tân nhất thế giới, các nhà hoạch định quân sự nước này đã không nghĩ tới cách đề phòng các mối đe dọa từ dưới đáy biển, nhất là đối với các tàu ngầm hạt nhân và thông thường của Nga.

Do đó, các con tàu có chi phí khổng lồ này rất dễ bị tàu ngầm Nga tiêu diệt ở khoảng cách xa gấp 5 lần phạm vi tàu khu trục Anh có thể phát hiện được mối nguy hiểm, dẫn đến việc hải quân Anh có thể lãng phí hàng chục tỷ USD trong vòng ít phút.

Không chỉ có điểm yếu đó, hệ thống vũ khí của khu trục hạm Type 45 cũng được cho là không tương xứng với giá tiền cao ngất của nó. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ, với tầm bắn vẻn vẹn 130km, chi bằng 1/5 của tên lửa chống hạm Nga.

Type 45 còn có 1 tổ hợp Sylver A50 với 48 ống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng, với tên lửa tầm ngắn Aster-15 và tên lửa tầm xa Aster-30. Tuy nhiên, Aster-30 cũng chỉ có phạm vi phòng không vẻn vẹn 120km, không bằng các tên lửa S-300F của Nga hay HHQ-9 của Trung Quốc.

Với giá tiền mua 1 chiếc khu trục hạm Type 45, có thể mua được từ 3-4 tàu hộ vệ của Nga có sức mạnh tương đương hoặc thậm chí là mạnh hơn.

Không chỉ có lực lượng tàu mặt nước gặp vấn đề lớn, hiện tất cả 7 tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Hoàng gia Anh đều trục trặc vì nhiều lý do khác nhau nhưng Bộ Quốc phòng nước này đã giấu nhẹm, không báo cáo vấn đề với Thủ tướng.

Với thực trạng tồi tệ này thì việc Hải quân Hoàng gia Anh không tự bảo vệ được lãnh hải của mình không phải là chuyện khó hiểu.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/hai-quan-anh-khong-tu-bao-ve-duoc-minh-3364920/