Hải quân Ấn Độ mời thầu đóng mới 6 tàu ngầm theo Dự án P-75I

Sau khi được Ủy ban mua sắm Quốc phòng (DAC) phê duyệt, Hải quân Ấn Độ đã công bố mời thầu phát triển thế hệ tàu ngầm mới theo Dự án P-75I.

Sau khi được Ủy ban mua sắm Quốc phòng (DAC) phê duyệt, Hải quân Ấn Độ đã công bố mời thầu phát triển thế hệ tàu ngầm mới theo Dự án P-75I.

Hải quân Ấn Độ dự định từ nay đến năm 2020 sẽ thuê một nhà thầu nước ngoài đóng 6 chiếc tàu ngầm mới theo Dự án P-75I. Đây là dự án mua sắm tàu ngầm lớn nhất của Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ trước tới nay. Dự án P-75I có trị giá lên tới 8,4 tỷ euro (tương đương khoảng 9,75 tỷ USD), nhằm nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng tàu ngầm Hải quân Ấn Độ.

Mới đây, Hải quân Ấn Độ đã gửi Yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) về 6 loại tàu ngầm mới của 6 nhà thầu nước ngoài bao gồm: Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin của Nga; Công ty Saab Kockums của Thụy Điển; Công ty Navantia của Tây Ban Nha; Tập đoàn Naval của Pháp; Công ty Kawasaki Heavy Industries của Nhật Bản và Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems GmbH (TKMS) của Đức, để Hải quân Ấn Độ xem xét, lựa chọn một trong số các nhà thầu trên để đóng tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ.

Các tiêu chí cần có của một tàu ngầm được Hải quân Ấn Độ đặt ra cho việc lựa chọn nhà thầu đó là: Tàu ngầm thế hệ mới được trang bị Hệ thống động cơ diesel tuần hoàn khép kín (AIP), có khả năng tàng hình cao, hoạt động được trong mọi điều kiện môi trường, có khả năng chống cả tàu ngầm lẫn tàu mặt nước; thực hiện tấn công các mục tiêu trên bờ và chuyển giao công nghệ (ToT) đóng tàu ngầm cho Ấn Độ. Với những tiêu chí đặt ra như vậy, hiện mỗi nhà thầu đã đưa ra được một ứng viên để Hải quân Ấn Độ lựa chọn.

Tàu ngầm thế hệ mới Kockums A26 của Thụy Điển - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm thế hệ mới Kockums A26 của Thụy Điển - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm thế hệ mới Kockums A26 của Công ty Saab Kockums (Thụy Điển): Theo Saab Kockums, tàu ngầm Kockums A26 là một tàu ngầm tích hợp, được trang bị công nghệ vỏ thép hiện đại bậc nhất hiện nay. Tàu được tích hợp hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật tiên tiến, cho phép tàu có thể kết nối liên lạc với các lực lượng khác. Tàu được thiết kế để hộ tống thực hiện các nhiệm vụ như tiến hành các chiến dịch tác chiến tại khu vực ven bờ, có thể hoạt động tại các vùng biển quốc tế; các hoạt động an ninh hàng hải, tình báo, chống tiếp cận trên biển, chuyên chở và triển khai lực lượng người nhái, tác chiến chống ngầm và chống tàu nổi.

Đây là loại tàu ngầm đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ diesel - điện Kockums Stirling AIP, giống như các loại tàu ngầm thế hệ trước thuộc lớp Gotland. Tàu còn được trang bị các thiết bị định vị sóng âm (sonar) và các phương tiện quan sát vào loại tốt nhất để sử dụng vào mục đích trinh sát ngầm. Ngoài ra, tàu ngầm này còn được ứng dụng công nghệ tàng hình hay còn gọi là “chế độ ma” để khiến nó gần như không thể phát hiện được dưới nước trong quá trình hoạt động. Tàu có lượng giãn nước 1.900 tấn, chiều dài 63 m, chiều rộng 6,4 m.

Tàu ngầm AMUR-1650 của Nga - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm AMUR-1650 của Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin (Nga): Tàu ngầm AMUR-1650 là phiên bản dành cho xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada, một phiên bản cải tiến cao cấp hơn tàu ngầm lớp Kilo với việc ít gây tiếng ồn hơn nhiều, hệ thống chiến đấu mới và thêm động cơ AIP. AMUR-1650 là một trong các tàu ngầm mới nhất của Nga được trang bị vũ khí quân sự cực kỳ nổi trội khiến nhiều đối thủ phải e sợ. Tàu ngầm có nhiều ưu điểm nổi bật như độ ồn thấp, phạm vi tác chiến rộng, khả năng an toàn cao, hệ thống vũ khí mạnh, giá thành rẻ đã thu hút sự quan tâm rất lớn của Ấn Độ.

Tàu ngầm AMUR-1650 thế hệ mới của Nga được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm, tàu nổi, các phương tiện thủy của đối phương cũng như làm các nhiệm vụ trinh sát. Ngoài ra, AMUR-1650 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới, mang được cả tên lửa đối hạm, tên lửa hành trình hạm đối đất, ngư lôi và mìn các loại, hoạt động trên mọi đại dương trong mọi điều kiện thời thiết, cả ở vùng nước sâu lẫn vùng nước nông, ngoại trừ khu vực có băng đá lớn. Tàu có lượng giãn nước 1.765 tấn, chiều dài 66,8 m, rộng 7,1 m. Hiện, AMUR-1650 đang chiếm ưu thế trong cuộc đấu thầu mua sắm 6 tàu ngầm thông thường của Hải quân Ấn Độ.

Tàu ngầm S-80 của Công ty Navantia, Tây Ban Nha - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm S-80 của Công ty Navantia (Tây Ban Nha): Tàu ngầm S-80 (hay còn gọi là tàu ngầm lớp Isaac Peral) đang được Công ty Navantia ở Cartagena đóng cho Hải quân Tây Ban Nha theo đơn đặt hàng đóng mới 4 tàu S-80. Tuy nhiên, vào năm 2013 việc đóng tàu đã bị đình chỉ do chiếc tàu đầu tiên đưa vào thử nghiệm đã gặp sự cố hy hữu, chỉ có thể lặn mà không thể nổi lên. Nguyên nhân xác định là do quá trình thiết kế tàu ngầm mới S-80 của Tây Ban Nha đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng, khiến con tàu nặng hơn 75 đến 100 tấn so với dự kiến ban đầu. Điều này khiến con tàu không thể nổi lên một khi đã lặn xuống dưới nước.

Công ty Navantia đã phải thuê Hãng đóng tàu General Dynamics Electric Boat khắc phục sự cố và dự kiến vào năm 2018 Công ty Navantia sẽ bắt đầu bàn giao cho Hải quân Tây Ban Nha. S-80 cũng là thế hệ tàu ngầm mới, được trang bị động cơ AIP. Tàu có lượng giãn nước 2.200 tấn, dài 71,05 m, rộng 11,68 m, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm và tên lửa hành trình chống tàu.

Tàu ngầm Kalvari lớp Scorpene của Tập đoàn Naval, Pháp - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm Kalvari lớp Scorpene của Tập đoàn Naval (Pháp): Kalvari lớp Scorpene là tàu ngầm truyền thống, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ như tác chiến chống ngầm, tác chiến chống tàu nổi, tiến công tầm xa, tiến hành các hoạt động đặc biệt và thám báo. Tính đến nay, Tập đoàn Naval của Pháp đã xuất khẩu được 14 chiếc tàu ngầm Kalvari lớp Scorpene cho Chile, Malaysia, Ấn Độ và Brazil. Loại tàu ngầm này được coi là mẫu tàu ngầm thông thường lý tưởng cho hải quân các nước trên thế giới tham khảo. Tàu có lượng giãn nước 1.870 tấn, dài 61,7 m và rộng 6,2 m.

Tàu ngầm SS-508 Sekiryu lớp Soryu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm SS-508 Sekiryu lớp Soryu thứ 8 do Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) chế tạo: SS-508 Sekiryu là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Oyashio. Điểm khác biệt lớn nhất so với tàu ngầm lớp Oyashio là vây lái ở đuôi tàu có hình chữ X. Đây là một trong những loại tàu ngầm lớn nhất thế giới và được Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) mệnh danh là “Rồng đỏ”. Tàu ngầm SS-508 Sekiryu được trang bị những công nghệ hiện đại bao gồm động cơ AIP, giúp tàu hoạt động êm và lâu hơn dưới nước.

Ngoài ra, SS-508 Sekiryu còn được tích hợp các hệ thống tàng hình tiên tiến, khiến tàu khó có thể bị đối phương phát hiện. Tàu được trang bị 6 ống phóng 533 mm có thể phóng ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động Type-89, hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu ngầm tấn công lớp Soryu có lượng giãn nước 2.900 tấn, chiều dài 84m, rộng 9,1m.

Tàu ngầm Type-214 của Bồ Đào Nha do Tập đoàn TKMS của Đức chế tạo - Ảnh: Navyrecognition

Tàu ngầm Type-214 do Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức nghiên cứu và chế tạo: Type-214 là một biến thể của Type-212 dành cho xuất khẩu. Hiện nay, Hải quân Bồ Đào Nha đang sở hữu loại tàu này. Nó ứng dụng hầu hết công nghệ của Type-212 bao gồm cả động cơ AIP. Điểm khác biệt lớn nhất là loại thép không từ tính trên Type-212 không được sử dụng cho Type-214. Tàu được thiết kế để thực thi các nhiệm vụ như tác chiến chống ngầm và chống tàu nổi; hỗ trợ các lực lượng đặc biệt tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát. Vũ khí trên tàu gồm 8 ống phóng ngư lôi 533 mm.

Những tàu ngầm diesel - điện do Đức sản xuất hiện vẫn là một trong những sát thủ dưới mặt nước đáng sợ nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Một trong những tính năng vượt trội của tàu ngầm Type 214 so với các tàu ngầm diesel - điện cùng loại khác trên thế giới là có thể hoạt động ở của khu vực ven biển cho đến tuần tra đại dương. Tàu có lượng giãn nước 1.700 tấn, chiều dài 65 m, chiều rộng 6,3 m.

Ngân Nhi (Theo Navyrecognition)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/hai-quan-an-do-moi-thau-dong-moi-6-tau-ngam-theo-du-an-p-75i-a207087.html