'Hái quả chính sách'

Như bài báo trước chúng tôi đã đề cập, tiền chính sách của Nhà nước trở thành 'chùm khế ngọt' cho cán bộ xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Có người từng là giáo viên bỗng dưng kê khai hồ sơ thành… chiến sĩ quân đội. Nhưng tại sao vụ việc này không được ngăn chặn sớm, trong khi dấu hiệu sai phạm thì rất dễ dàng nhận thấy?

Bài 1: Những sai phạm "khó tin"

Bài 2: Dựng hồ sơ giáo viên thành... chiến sĩ

Lưới dày vẫn lọt?

Thực hiện việc giải quyết chế độ bệnh binh đối với quân nhân là người dân tộc ít người, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (Quân khu 4) và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 5 tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về địa phương trước ngày 10-1-1982 chưa hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, trợ cấp phục viên, xuất ngũ, nay giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên, trong quá trình triển khai, cán bộ chủ chốt ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã mắc nhiều sai phạm. Cụ thể, khi xét duyệt hồ sơ thì chỉ có 37 người thuộc diện chính sách nhưng kê vượt 178 người. Con số vượt gần gấp 5 lần, nếu là cán bộ địa phương làm công tác quản lý, khi nhìn những con số này sẽ nhận thấy đây là con số bất thường. Vậy, yếu kém trong việc đôn đốc, kiểm tra nằm ở khâu nào? Tại sao đến khi cấp phát sai 1,72 tỷ đồng thì mới giật mình và dừng lại để thanh, kiểm tra?

Ông Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho rằng, "Cơ quan Quân sự huyện đã chưa làm tốt việc tham mưu cho UBND huyện trong việc xét duyệt". Căn cứ Công văn số 6572 của Cục Chính sách thì Cơ quan Quân sự huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát đối tượng.

Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị hướng dẫn thực hiện rất cụ thể. Quy trình nhìn chung là quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn để lọt đối tượng không nằm trong diện chính sách. Có 8 người từng là giáo viên, cán bộ y tế, thanh niên xung phong đã được giải quyết nghỉ chế độ một lần, đang hưởng trợ cấp hàng tháng, không có thời gian tham gia quân đội, nhưng vẫn kê hồ sơ để hưởng chế độ bệnh binh. Chẳng hạn như trường hợp ông Đinh Quang Biểu, Bí thư Chi bộ thôn Làng Rút, bản thân là giáo viên đã nghỉ chế độ một lần. Tuy nhiên, ông Biểu vẫn kê khai hồ sơ. Bên cạnh đó, ông Biểu còn dựng hồ sơ cho 4 đối tượng khác từng là du kích, thanh niên xung phong không tham gia đi bộ đội.

BĐBP giúp dân thu hoạch ngày mùa. Ảnh: Văn Tân

Một chữ bạc triệu

Hàng loạt cán bộ sai phạm vì đã dựng hồ sơ cho các đối tượng không nằm trong diện quy định. Điển hình như ông Đinh Tà Huế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Kỳ. Theo quy định của Công văn số 1282/NCC ngày 30-12-2008, ông Huế, Chủ tịch Cựu chiến binh là người chủ trì Hội nghị cựu chiến binh để thống nhất biên bản xét duyệt. Tuy nhiên, ông Huế đã lần lượt dựng hồ sơ cho 56 người, trong đó có 11 người đúng đối tượng, còn 45 người không đúng đối tượng. Số đối tượng sai phạm cụ thể: 28 người là du kích, thanh niên xung phong không tham gia bộ đội; 10 người nhập ngũ sau ngày 30-4-1975, chưa tham gia chiến đấu; 5 người đang hưởng trợ cấp thương binh và thanh niên xung phong hàng tháng; 1 người là cán bộ y tế đã được giải quyết chế độ nghỉ một lần, trước ngày 30-4-1975 và không có thời gian tham gia bộ đội; 1 người nhập ngũ năm 1972, nhưng chỉ 3 tháng đã bỏ ngũ về địa phương, không đủ thời gian giải quyết chế độ theo quy định.

Trong số 45 người không đúng đối tượng được giải quyết chế độ thì có 21 người đã được nhận trợ cấp hàng tháng, tính đến hết tháng 5-2012, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước tổng số tiền là 764.139.000 đồng.

Có thể nói, những con chữ của ông Huế ghi trong hồ sơ đáng giá bạc triệu. Ông Huế đã thu tiền công viết, dựng hồ sơ của các đối tượng được nhận tiền trợ cấp hàng tháng là 40.600.000 đồng. Hối hận vì việc làm sai phạm của mình, ông Huế đã nộp toàn bộ số tiền này cho Đoàn thanh tra huyện Sơn Hà để mong được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý.

Cán bộ gây nhiều thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong số này còn có ông Hà Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Kỳ. Ông Dũng đã nhận viết, dựng hồ sơ cho 34 người. Kết quả thanh tra thì chỉ có 8 người là đúng đối tượng. 26 người không đúng đối tượng được giải quyết chế độ theo quy định. Trong đó, 17 người trước ngày 30-4-1975 tham gia du kích, thanh niên xung phong, không đi bộ đội; 5 người là bộ đội nhưng nhập ngũ sau năm 1975...

26 người xét hồ sơ không đúng đối tượng thì có 7 người đã nhận được trợ cấp. Vậy là Nhà nước đã bị thiệt hại số tiền lên đến 296.274.000 đồng. Và tương tự như ông Huế, Chủ tịch Cựu chiến binh xã, ông Dũng đã nhận tiền viết, dựng hồ sơ từ những người hưởng trợ cấp Nhà nước là 27.200.000 đồng.

Bài học nhãn tiền

Có rất nhiều cán bộ xã khác dựng hồ sơ, kê khai sai như ông Đinh Văn Ròi, hiện là cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình; ông Đinh Văn Khang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sơn Kỳ; ông Đinh Văn Cư, công chức Văn phòng UBND xã Sơn Kỳ; ông Đinh Văn Bum, Trạm trưởng Trạm Y tế; ông Đinh Văn Nhiệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã; ông Đinh Văn Đon, Phó Chủ tịch HĐND xã...

Xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Kỳ đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đi khắp các xóm làng, giờ đây, người ta vẫn ngỡ ngàng với truyền thống đẹp của đồng bào, đó là ngôi nhà sàn nào cũng treo ảnh Bác Hồ. Tấm ảnh Bác luôn treo ở vị trí trang trọng tại chái nhà, nơi đồng bào thường xuyên tiếp khách. Địa phương đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ. Đến Sơn Kỳ, gặp các già làng và người dân, ai cũng thể hiện tấm lòng kiên trung với cách mạng. Đồng bào sống rất trong sáng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Chính vì vậy, họ luôn mong muốn sự gương mẫu, liêm chính của đội ngũ cán bộ Sơn Kỳ. Câu chuyện "hái quả chính sách" là bài học nhãn tiền không chỉ cho Sơn Kỳ, mà còn cho nhiều địa phương khác.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hai-qua-chinh-sach-6f2/