'Hai phương án từ hai Bộ là dịp để đưa ra quyết sách về đường sắt cao tốc'

TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, đây là dịp để có quyết sách về loại hình vận tải mang tính chiến lược của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến hai phương án mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đề xuất về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội thảo "Giải pháp công nghệ cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam".

Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, giao thông đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải nước ta. Đường sắt nước ta có từ rất sớm, tuy nhiên đến nay, khoảng 130 năm, đã trở nên lạc hậu so với thế giới, với tốc độ 50 – 70km/giờ.

Do vậy, việc xây dựng đường sắt mới là cấp thiết.

Làm đường sắt tốc độ 200km/h khả thi hơn

Làm rõ về báo cáo thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao gửi Thủ tướng vào đầu tháng 6, Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao, trong đó có phương án tốc độ 350 km/h với tổng vốn đầu tư 58,7 tỷ USD nhưng qua xem xét, Bộ KH&ĐT thấy rằng kịch bản đường sắt tốc độ thấp hơn (200 km/h) khả thi hơn. Vì thế, Bộ đã báo cáo Thủ tướng, đề nghị thành lập Hội đồng thẩm định để xem xét cụ thể các kịch bản.

"Không có chuyện Bộ KH&ĐT đưa ra phương án cắt giảm tổng mức đầu tư dự án mà Bộ GTVT đề xuất. Chúng tôi đưa ra kịch bản khác nên công nghệ và điều chỉnh tổng mức đầu tư khác nhau", ông Thắng nói và cho biết Hội đồng thẩm định sẽ xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có phương án phù hợp trình Thủ tướng.

GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đồng tình ý kiến xây dựng tuyến đường sắt mới khổ đường ray 1,435 m, chạy chung tàu hàng và tàu khách với tốc độ 200 km/h, bởi nếu nâng công suất 24 đôi tàu trên khổ đường 1m trong tương lai theo đề xuất của Liên danh tư vấn thì vẫn không thể cạnh tranh được với đường bộ. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã nâng tốc độ đường sắt như Thái Lan, Malaysia khiến chi phí vận chuyển hàng hóa giảm, cạnh tranh mạnh với Việt Nam.

Ngoài ra, GS. Khuê cho rằng đầu tư đường sắt 200 km/h sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận được công nghệ hơn so với tàu tốc độ trên 300 km/h. "Đường sắt đô thị mà chúng ta còn ngồi chơi xơi nước, thì đường sắt tốc độ cao không thể chuyển giao công nghệ được, chi phí mua sắm phương tiện và vận hành khai thác rất lớn".

"Không nên xem xét với con mắt hiện tại"

Về quan điểm của Bộ GTVT, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI - đại diện liên danh tư vấn cho Bộ GTVT về phương án đề xuất đường sắt tốc độ 350 km/h, cho biết dự án đường sắt cao tốc sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu khai thác tàu tốc độ 200 km/h, giai đoạn sau 350 km/h.

"Chiến lược đặt ra đến năm 2050 nên các chuyên gia không nên xem xét với con mắt hiện tại. Đơn vị tư vấn đã ghi nhận xu hướng nhiều nước trên thế giới là tách tàu hàng và tàu khách, không chỉ chạy 300 km/h mà còn đến 400-500 km/h".

Ngoài ra, với công suất khai thác 25 đôi tàu đến 2050 trên đường sắt khổ 1m được nâng cấp, tương ứng 12 triệu tấn/năm, cùng với 150 đôi tàu khách trên tuyến đường sắt tốc độ cao được xây mới, đường sắt sẽ đảm bảo năng lực đáp ứng cho tương lai. "Đầu tư đường sắt tốc độ cao là cơ hội trả lại thị phần cho ngành đường sắt, đảm bảo tính cạnh tranh với các loại hình khác", ông Sơn nói.

Đây là dịp đưa ra quyết sách về đường sắt cao tốc

Trao đổi với BizLIVE về những tranh cãi từ hai phương án mà Bộ GTVT và Bộ KHĐT đưa ra, PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho hay, Bộ GTVT không thể đưa ra phương án xây dựng đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư 57 tỷ USD một cách vô căn cứ nhưng căn cứ ấy nó hợp lý đến mức nào lại là điều đáng để bàn luận.

Còn phương án của Bộ KH&ĐT, nếu chất lượng tốt mà số vốn thấp thì theo nghĩa là nên làm. Đặc biệt là phải tính đến nhu cầu của tuyến đường này, vận chuyển cả hàng hóa và vận chuyển khách sẽ khả thi hơn là chỉ vận tải hành khách bởi hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn.

"Đây là dịp để chúng ta có quyết sách về một loại hình vận tải mang tính chiến lược của Việt Nam. Đặc biệt phải làm ngay và đủ điều kiện để làm ngay vì bây giờ có hai phương án nên dễ bàn bạc và lựa chọn hơn", PGS, TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ GTVT: Đường sắt 58,7 tỷ USD không làm vượt trần nợ công

Lập Hội đồng thẩm định Nhà nước với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Các chuyên gia lên tiếng

Vụ đường sắt cao tốc rẻ hơn 32 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì?

Kiến nghị làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam tiết kiệm 32 tỷ USD

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/hai-phuong-an-tu-hai-bo-la-dip-de-dua-ra-quyet-sach-ve-duong-sat-cao-toc-3514498.html