Hai phương án nâng tuổi nghỉ hưu

Ngày 23/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực LĐTB&XH, tình hình thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 65
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016; số thu ước đạt 197,5 nghìn tỷ đồng (103,7% kế hoạch). Có khoảng 230.000 DN đóng BHXH cho người lao động, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp, cả nước có tới 600.000 DN đang hoạt động. Như vậy, còn trên 300.000 DN chưa tham gia BHXH bắt buộc và theo ước đoán của Bộ tương đương khoảng 3 triệu người. Để mở rộng đối tượng tham gia trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần quy định giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, gắn với quyền lợi tham gia với các ưu đãi khác của Nhà nước như ưu đãi vay vốn sản xuất, kinh doanh.

 Làm thủ tục cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Làm thủ tục cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong Đề án liên quan đến nội dung này dự kiến trình Hội nghị T.Ư 7 (dự kiến diễn ra vào tháng 5), cơ quan tham mưu của Ban Cán sự Đảng, Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách BHXH "phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng, nếu người đóng BHXH rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng thôi". Như vậy, người lao động có thể nhận lương hưu khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại, có thể dưới 20 năm và chỉ được nhận BHXH tương ứng với số tiền họ đóng.
"Chúng tôi thiết kế ba tầng. Tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao" - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay. Ông cũng khẳng định, với các phương án này, nếu được đồng ý, phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành.
Về tuổi nghỉ hưu, đề án trình hai phương án. Phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Bài toán về tăng tỷ lệ bao phủ BHXH
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, bất cập hiện nay là khó vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi vẫn có 66% số lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức, nếu không giải được bài toán này, rất khó đạt mục tiêu trên 50% người lao động tham gia BHXH.
Trước vướng mắc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lại đặt vấn đề cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm khi còn hơn 300.000 DN đang hoạt động mà không tham gia BHXH, vì lệ bao phủ BHXH đạt 25,8% là không tăng trong nhiều năm qua và rất thấp. Cùng đó, các thành viên Ủy ban cũng băn khoăn khi tới đây, số công chức sẽ không tăng do đang tinh giản biên chế, vậy làm sao để tăng tỷ lệ bao phủ BHXH trong thời gian tới.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần ban hành quy định và biện pháp xử lý nợ đối với các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn. Đồng thời nghiên cứu đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho một số năm nhất định, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, chuyển kinh phí ngân sách Nhà nước hàng năm vào quỹ BHXH, để đóng cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hai-phuong-an-nang-tuoi-nghi-huu-314910.html