Hai phương án giải quyết trạm thu phí BOT T2: Băn khoăn

Cả hai phương án mà Bộ GTVT đang nghiên cứu giải quyết bất cập tài trạm thu phí BOT T2 đều chưa giải quyết những vấn đề lợi ích của các bên.

Ngày 3/6/2019, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, đơn vị đang nghiên cứu 2 phương án để giải quyết tình trạng bất cập xảy ra tại trạm thu phí BOT T2 trên QL91 (Cần Thơ).

Phương án 1: Mở rộng diện miễn giảm giá vé qua trạm BOT T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí, với bán kính 8-10km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Tuy nhiên, cần phải đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn giảm, mức giảm, sau khi giảm phương án tài chính dự án ra sao.

Phương án 2: Tính toán có thể di dời trạm BOT T2 lúi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500m (đề xe qua lại đoạn An Giang – cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2). Việc này cũng phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính của dự án, liệu mức thu phí có đủ trả tiền vay ngân hàng, thời gian thu phí điều chỉnh.

Đánh giá với Đất Việt về 2 phương án mà Bộ GTVT đang nghiên cứu, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết tình trạng bất cập tại trạm BOT T2 như trong thời gian qua là phải di dời trạm đến vị trí thích hợp.

Nhà đầu tư BOT T2 phải xả trạm trước sự phản đối của người dân.

Nhà đầu tư BOT T2 phải xả trạm trước sự phản đối của người dân.

"Phương án mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé sẽ không giải quyết được sự bức xúc của tài xế bởi có nhiều xe đi từ TP. HCM, Long An, Tiền Giang qua Cơ Thơ nhưng dẽ vào cầu Vàm Cống cũng chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT nhưng phải trả tiền cho cả tuyến.

Nói như thế để thấy rằng, dù việc mở rộng diện tích miễn giảm giá vé cũng không thể bao quát hết được. Bộ GTVT không thể mở rộng phạm vi giảm giá vé ra tới tận Tiền Giang, Long An..." - ông Xuân cho biết.

Theo ông Xuân, trước đây Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang có đề xuất phương án "đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu' khi qua trạm BOT T2 nhưng đó cũng là phương án giải quyết tình thế ban đầu, tạm thời để không khí xung quanh trạm này không căng thẳng nhưng về lâu về dài thì vẫn sẽ nảy sinh mâu thuẫn lợi ích giữa các bên.

Ông Xuân xác định, bản chất mâu thuẫn tại BOT T2 là do trạm này đang đặt không đúng vị trí thu phí. Vì thế để giải quyết dứt điểm chỉ còn cách di dời trạm về ngã ba Lộ Tẻ, để những xe đi từ Cần Thơ qua cầu Vàm Cống không phải trả phí.

Bên cạnh đó, ông Xuân cũng cho rằng, việc Bộ GTVT dự tính đầu tư chi phí xây tuyến tránh TP. Long Xuyên - An Giang kết nói với cầu Vàm Cống vào thời điểm này cũng khó có thể giải quyết được bất cập tại trạm BOT T2.

"Tuyến đường tránh TP. Long Xuyên dẫn vào cầu Vàm Cống có nhanh cũng phải 5 - 10 năm nữa mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian ấy thì những xe qua trạm BOT T2 đi qua cầu Vàm Cống sẽ giải quyết thế nào?" - ông Xuân đặt câu hỏi.

Về phương án di dời trạm thu phí BOT T2, ĐBQH Hồ Thanh Bình - Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang̀ lại cho rằng, điều này sẽ xảy ra xung đột lợi ích với nhà đầu tư BOT. Bởi trước đó, hợp đồng giữa nhà đầu tư ký với Bộ GTVT đã xác định vị trí trạm đặt tại nơi như hiện tại. Điều này cũng được các cơ quan tham mưu nhất trí.

Vì vậy, việc di dời trạm sẽ dẫn tới việc sai hợp đồng. Tuy nhiên, điều này có thể giải quyết khi nhà đầu tư và Bộ GTVT cùng ngồi lại với nhau, thỏa thuận và đi đến kết luận chung để hòa hợp lợi ích các bên.

Theo ông Bình, trách nhiệm chính trong xử lý vụ việc này thuộc về Bộ GTVT và nhà đầu tư. Bởi lẽ, các bên liên quan khi đề xuất dự án đã không tính đến những bức xúc của người dân khi thông cầu Vàm Cống để có những dự báo và phương án giải quyết.

Ông Bình cho rằng: "Cách tốt nhất để giải quyết bây giờ là đi bao nhiêu trả tiền bằng đó. Mức phí đi từ BOT T2 qua cầu Vàm Cống và ngược lại cần phải được nghiên cứu để cho có hợp lý, chấp nhận được. Nếu các bên đều đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ giải quyết được ngay".

Còn ĐBQH Đôn Tuấn Phong - Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang cũng thẳng thắn đề nghị Bộ GTVT tích cực và nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý trạm BOT T2 theo hướng “phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền đúng bấy nhiêu”.

Nếu không, Bộ GTVT nên xây dựng phương án di dời trạm.

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ra quyết định đặt sai vị trí thì phải chịu trách nhiệm, kể cả chi phí di dời” - ông Phong nói.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hai-phuong-an-giai-quyet-tram-thu-phi-bot-t2-ban-khoan-3381268/