Hải Phú, vùng đất độc đáo, mới nghe tên đã biết đất vượng

Sáu thế kỷ trước, một trong những người khai khẩn vùng đất Long Hưng, xã Hải Phú có tên Trần Đăng. Ngài trong số cư dân đầu tiên theo chúa Nguyễn Hoàng vào Ái Tử, Quảng Trị dựng nghiệp, khi tìm ra doi đất dọc bờ nam sông Thạch Hãn vượng khí nên quyết định chọn để chiêu mộ người dân đến sinh sống.

Long, Hưng, Phú, mới nghe tên đã biết đất vượng

Cho đến thời hiện đại hôm nay, nhiều người thường dùng ba tiêu chuẩn của địa lý tự nhiên để chỉ ra vùng đất đáng sống, đó là nhất cận thị, nhì cận giang, ba cận đàng (lộ) thì xã Hải Phú đã hội tụ nhiều hơn các tiêu chuẩn đó. Xã Hải Phú có hai làng, làng Long Hưng có tên gọi cổ là Long Đôi (hai con rồng) về sau đổi tên làng thành Long Hưng, làng còn lại có tên Phú Hưng. Các tên gọi ấy được tiền nhân đặt ra như mong muốn cho con cháu muôn đời sau luôn được giàu sang phú quý. Còn ngày nay khi mới nghe đến các tên gọi Long, Hưng, Phú (thôn Long Hưng, thôn Phú Hưng của xã Hải Phú) ai cũng đã mường tượng đến vùng đất này vượng như thế nào.

Một góc xã Hải Phú

Nằm về phía nam của con sông Thạch Hãn, xã Hải Phú gần thị xã Quảng Trị, lại có đường sắt và quốc lộ 1A ngang qua. Cả thế giới có 4 nơi đức mẹ hiện hình thì trong đó có một nằm ở xã Hải Phú, đó là Trung tâm hành hương La Vang. Toàn bộ xã Hải Phú tồn tại và phát triển trên một địa hình mang đậm triết lý phong thủy Phương Đông. Đất của hai làng được hình thành chủ yếu do phù sa của dòng Thạch Hãn lắng đọng, bồi tụ nên. Cả hai làng Long Hưng và Phú Hưng đều được phát triển trên một phương vị chính Nam.

Nhìn từ trên cao xuống, sông Thạch Hãn chảy từ phía tây về, đoạn ngang Hải Phú sông từ từ lắng đọng như ôm trọn lấy hai làng. Theo thuật phong thủy, khí là cha, nước là mẹ, khí là bản thể của nước, nước là cái khí hữu hình, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng, phúc lộc càng lớn cho con cháu.

Dòng sông Thạch Hãn dài trên 155 km, đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất của nó dài 8 km đi qua xã Hải Phú và thị xã Quảng Trị được xem là yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã làm cho Hải Phú độc đáo hơn các địa phương khác, đó là nơi trời đất, cỏ cây và con người hòa quyện với nhau để người dân có một cuộc sống lý tưởng, chất lượng sống được xếp vào tốp hạng nhất tỉnh Quảng Trị. Nhiều người nói rằng Hải Phú trở thành nơi đáng sống là nhờ có khung cảnh yên bình, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, mật độ dân số không đông, vườn tược cây cối nhiều, sông suối chan hòa, tinh thần người dân luôn lạc quan, sống vui tươi chan hòa...

Học hành giỏi, đỗ đạt cao

Trong câu chuyện sáu thế kỷ soi bóng làng Long Hưng, ông Trần Kim Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng làng Long Hưng dẫn tôi đến thăm gia đình em Văn Viết Đức, người đã chinh phục vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia 2015. Đức là con của anh Văn Viết Lợi, công tác trong ngành kiểm lâm Quảng Trị, hiện em đang du học nước ngoài.

Văn Viết Đức, người đã chinh phục vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia 2015

Trưởng làng Trần Kim Vinh tự hào hiếu học và học giỏi là truyền thống nổi tiếng từ bao đời nay của làng Long Hưng, dân làng ai cũng đề cao việc học hành của con em mình nên có những đầu tư xứng đáng cho con em học đến nơi đến chốn để có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Làng có hơn bảy trăm hộ dân mà gần như gia đình nào cũng có con học đại học, hơn ba mươi phần trăm có con học cao học, có hơn năm mươi phần trăm con em của làng đang là cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

Tính sơ sơ làng Long Hưng có gần 30 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các cơ quan khoa học, viện, trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều người giữ các chức vụ cao như Trần Mạnh Quỳ, người nổi tiếng từng hai lần làm Bí thư tỉnh Quảng Trị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Văn Viết Hóa, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Bình Trị Thiên Trần Kim Hồ…

Hiện tại thì có Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị Trần Ngọc Lân, PGS.TS Văn Ngọc Hướng, Chủ tịch thị xã Quảng Trị Văn Ngọc Lãm, GS Văn Tần, TS Văn Viết Thiên Ân, TS Trần Ngọc Truyền… và còn rất nhiều con em đang công tác khắp nơi không thể kể hết. Tập trung kể về các con em của làng mà suýt chút nữa nếu tôi không nhắc thì Trưởng làng Trần Kim Vinh “quên” con gái mình là Trần Thụy Khánh Quỳnh tốt nghiệp xuất sắc, được giữ lại công tác tại Đại học Ngoại ngữ Huế và hiện đang tu nghiệp ở nước ngoài. Còn làng Phú Hưng cũng có rất nhiều người nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt cao như nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Tuyến, nguyên Chủ tịch huyện Hải Lăng Nguyễn Sam, nguyên Bí thư thị xã Quảng Trị Nguyễn Hoa, TS Nguyễn Như Hưng… và nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát Trương Hữu Quốc.

Làng Long Hưng hôm nay

Tôi nhớ người bạn của mình công tác tại Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Hải Lăng từng kể chuyện năm nào vào kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, học sinh của xã Hải Phú cũng chiếm tỷ lệ đạt giải cao nhất huyện. Riêng năm 2018 học sinh cấp Tiểu học và THCS của Hải Phú đạt 211 giải cấp huyện, 99 giải cấp tỉnh và 3 giải quốc gia, thế mới biết con em của xã này học giỏi và thi đỗ đạt cao như thế nào.

Thương hiệu của những sản phẩm nông nghiệp

Nếu thế mạnh của làng Long Hưng ngoài chuyện học hành, đỗ đạt là thương mại và dịch vụ thì thế mạnh làng Phú Hưng là nông lâm nghiệp và chăn nuôi hiện đại. Vùng đất Phú Hưng có rất nhiều cái nhất không thể kể hết như đi đầu tỉnh Quảng Trị trong việc tích tụ ruộng đất làm ăn lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại, có HTX rừng FSC Phú Hưng đứng nhất Quảng Trị, có vùng trồng cam, bưởi lớn nhất của tỉnh này và sắp lớn nhất Trung Trung bộ…

Ông Trần Nhơn ở làng Phú Hưng năm nay 65 tuổi, cầm quả bưởi chín mọng nước trên tay khoe gia đình không còn bưởi để bán, tư thương đã ký hơp đồng mua hết cả vườn. Cách đây hơn mười lăm năm, sau khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi đất rừng núi trọc khu vực K4 thành đất trang trại cho hộ gia đình, ông Nhơn và người dân ở làng Phú Hưng nhanh chóng lập trang trại trồng cây ăn quả có múi ở vùng đất này với quyết tâm tìm mọi cách biến vùng đất K4 thành khu vực trồng cam, bưởi. Trời không phụ công người, trang trại cam rộng 6 ha của ông Nhơn đã cho thu hoạch từ vài năm nay với mức 400 triệu đồng/ha.

Vợ chồng ông Nhơn bên vườn bưởi Diễn sai quả

Khu vực K4 bây giờ đã trở thành “thủ phủ” cam, bưởi của Quảng Trị. Hương đất K4 đã tạo nên cho bưởi và cam ở đây thơm, ngọt, nhiều nước, người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Nhơn chia sẻ trước đây cam chỉ bán được giá 10 ngàn đồng/kg, vì chưa ai biết đến nhiều về chất lượng cam K4. Song từ ngày huyện Hải Lăng mở chiến dịch tuyên truyền về cây có múi ở K4, đầu tư đường giao thông, đường điện để kéo điện về vùng cam thì được nhiều người đến mua nên ông Nhơn và bà con bán cam, bưởi được giá đến 20 ngàn đồng/kg. Sự liên kết, hỗ trợ, chia sẻ giữa các hộ nông dân trồng cam ở K4 và chính quyền đã giúp họ có thêm nhiều kinh nghiệm để tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KH-CN đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” cho người trồng cam. Đây là kết quả được hình thành và chắt chiu từ sức lực trí tuệ của người trồng cam trên vùng đất K4.

Ngoài cam, bưởi, xã Hải Phú còn được mệnh danh là thủ phủ của cây dược liệu lá vằng gắn liền với huyền thoại Đức mẹ La Vang. Chủ tịch xã Hải Phú Văn Ngọc Ánh đang muốn biến cây dược liệu lá vằng trở thành mặt hàng chất lượng mang thương hiệu “La vang Quảng Trị” không những nổi tiếng trong nước mà còn cả nước ngoài. Chưa kể, mỗi năm đến mùa Kiệu La Vang, với số lượng hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước tìm về với Hải Phú trong thời gian 3 ngày Kiệu giữa tháng Tám thì người dân ở khu vực này có thu nhập từ dịch vụ kinh doanh, buôn bán, lưu trú và bán dược liệu lá vằng bằng cả năm trời làm những ngành nghề khác. Mới đây, huyện Hải Lăng cũng đã quy hoạch Khu đô thị La Vang nằm trong lòng xã Hải Phú, đúng là chỉ có vùng đất Hải Phú mới có sự độc đáo như vậy.

QUANG HUY - QUANG BỬU

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-phu-vung-dat-doc-dao-moi-nghe-ten-da-biet-dat-vuong-post231502.html