Hải Phòng: Tại sao có Hội Minh thề?

Nhiều năm qua cứ vào thời điểm trước ngày tổ chức Hội Minh thề tại làng Hòa Liễu, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), dư luận lại 'băn khoăn', 'mong muốn' ám thị…tại sao hiện nay 'quan' lại không thề trước thánh thần tại Hội.

Bài 1. Nguồn gốc và nội dung cơ bản của Hội minh thề

Để hiểu cho đúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa của Hội Minh thề, phóng viên Infonet.vn đã tiến hành tìm hiểu về nguồn gốc và nội dung cơ bản của lễ hội này. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Đức Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng (cơ quan “chấp bút”, đề nghị Hội Minh thề được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia) vào một chiều đầu xuân.

Hội Minh thề được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia

Hội Minh thề được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia

Cầm tập tài liệu nghiên cứu trên tay ông Trung cho biết, ở một làng quê thuộc Dương Kinh, nhà Mạc xưa có một lễ hội độc đáo, đầy tính nhân văn, triết lý, đạo đức sâu sắc, được hình thành cách đây gần 500 năm, lưu truyền qua nhiều thế hệ và được bảo tồn đến nay. Lễ hội này được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017, đó chính là Hội Minh thề của người dân thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Tp. Hải Phòng.

Chỉ vào những trang tài liệu, ông Trung cho biết, nguồn gốc của Minh thệ, Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội, H, 1998) có viết, vào thời Lý, Vua chiêm bao thấy một người xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy, liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm.

Đến đấy, Vua xuống chiếu giao cho Hữu tư dựng miếu ở bên hữu thành Đại La (sau chùa Thánh Thọ), lấy ngày 25 tháng ấy đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin Thần minh giết chết”. Các quan từ Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm thường lệ.

Đến đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư chép, triều đình tuyên bố các điều khoản lễ Minh thệ theo như lệ cũ của nhà Lý và bắt đầu định việc thực hiện.

Theo đó, hàng năm vào ngày mồng 4 tháng Tư, Tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cử hành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang, điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều xếp thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề, Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người nào vắng mặt phải phạt 5 quan tiền.

Còn trong bài nghiên cứu “Tập quán khoán ước làng xã thời Mạc, qua một số quấn sách truyền gia”, thông báo Hán nôm học, 2001 của Nguyễn Tiến Doãn cho biết, khoán ước làng Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thánh Bình lập ngày 3/10 năm Diên Thành thứ nhất, đời vua Mạc Mậu Hợp (1578) có ghi tục lệ Minh thệ (ăn thề) là, từ đời vua Đoan Khánh (Lê Uy Mạc, từ 1505 - 1509), Hồng Thuận (Lê Tương Dực, từ 1509 - 1515) dân chúng bấy giờ mới hợp cử tâu được bằng minh (ăn thề) lập án văn, việc tố tụng các ruộng đồn điền, ruộng do người khác xã lấn chiếm và ruộng dân thống nhất làm một.

Từ những căn cứ tư liệu lịch sử cho thấy, Minh thệ đã có từ lâu đời, đến triều Mạc (thế kỷ 16), bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái tổ Mặc Đăng Dung) đã tiếp thu lễ thề của các đời trước, dựng lên Hội Minh thề, bày cho dân làng Hòa Liễu thực hành.

Minh chứng xác đáng của Hội Minh thề được ghi trong bia tạo chùa Thiên Phúc (Hòa Liễu) năm Quang Bảo thứ 9 (1563) rằng: “Thái hoàng Thái hậu họ Võ, Hoàng thái hậu họ Phan, Khiêm thái vương họ Mạc… Cung tiến ruộng, số ruộng kể trên cả thảy gồm 21 mẫu 1 sào 2 thước cúng vào chùa Thiên Phúc làm vật Tam Bảo. Cho bản xã cày cấy để tiện đèn nhang thờ cúng. Nếu ai chôn cất, phá hoại, thay đổi, rời bia xâm lấn ruộng đất sẽ có chư Phật soi xét, chu di ba đời. Nay nguyện khẩn”.

Ông Trung cho biết thêm, theo bia tu tạo chùa Bà Đanh (chùa Thiên Phúc/Thiên Trà, Kiến Thụy), năm Thúc sơ niên (1565) ghi: “…ngày 8 tháng 10 năm Bính Dần (1566), Thái hoàng Thái hậu có ruộng của bản điện được cấp và mua mới tất cả là 1 mẫu 9 sào cúng vào chùa Bà Đanh làm Tam Đảo…Phần trên có bia ruộng cúng tiến là Tam Bảo, giao cho chùa để tiện cày cấy và hương khói thờ Thành hoàng. Nếu ai mai táng lên ruộng, phá hoại ruộng hoặc di chuyển bia ruộng đều bị chư Phật chiếu xét, tru di ba đời. Nay thề nguyện”.

Còn theo tục lệ làng Hòa Liễu, tổng Văn hóa, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An soạn năm 1923 có ghi vào lệ Miêng thệ (Minh thề): “Ngày 24 tháng Chạp là lệ Miêng thệ tại miếu, trích ở công quỹ 10 đồng giao cho phó lý hiện tại nghi phù tử hương đăng, 1 con lợn nhỏ, 1 con gà nhỏ, 40 phần oản và có văn Miêng thệ theo như tiền cổ, ai làm chủ tế cầm dao vẽ vòng, cắt máu gà rượu thề xong thời uống, đến lý dịch và dân làng, thề không lấy của công làm tư gia”.

Theo Minh thệ tấu văn (bản niên hiệu Đại Nam) và Văn tế cổ làng Hòa Liễu chép từ đời Thành Thái 16 (1904) lưu giữ qua các đời vua Duy Tân (1907-1916)…đến vua Bảo Đại (1925 0 1945) cho đến nay có chép: “ Văn Minh thệ ngày 24 tháng Chạp. Nước Đại Nam, tỉnh…phủ…huyện…tổng…xã…Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, các vị bô lão và mọi người đại diện cho dân làng hội họp tại trước (miều) vũ thờ thành hoàng làng…Theo tục lệ uống máu ăn thề…”.

Như vậy, Hội Minh thề ở làng Hòa Liễu đã có từ thời Mạc do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đề xướng với mục đích để răn dạy người dân phải biết dùng của công vào việc công, việc chung của cộng đồng như tu sửa chùa chiền, hương nhang đền miếu, lập quỹ giúp người nghèo khó, cơ nhỡ và Minh thề đã được nhân dân tuân thủ, thực hiện truyền đời đến trước năm 1945.

Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, miếu thờ bản cảnh Thành hoàng (miếu Minh Thề) không còn nên Hội Minh thề bị mai một. Sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn, mãi đến năm 1993, khi cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhân dân địa phương mới bắt tay vào phục dựng lại lễ hội truyền thống.

Đến năm 2001, 2002, Hội Minh thề chính thức được khôi phục, tổ chức vào dịp lễ hội truyền thống đền chùa Hòa Liễu trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Giêng), trên nền cốt của Hội Minh thề xưa.

(Còn nữa)

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hai-phong-tai-sao-co-hoi-minh-the-post255427.info