Hải Phòng sẽ giám định sức khỏe đối với các trường hợp vướng mắc khi nhận trợ cấp mất sức lao động?

Đây là phương án đang được BHXH và Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP Hải Phòng dự kiến báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác chi trả trợ cấp đối với các trường hợp mất sức lao động trong thời gian qua.

Trụ sở BHXH TP Hải Phòng

Trụ sở BHXH TP Hải Phòng

Xuất phát từ “phiếu trung gian”

Đầu năm 2019, trong quá trình thực hiện chuyển hồ sơ từ BHXH TP Hải Phòng vào BHXH TP Hồ Chính Minh cho ông Nguyễn Xuân Quyết, BHXH Hải Phòng phát hiện ra trường hợp này không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp mất sức lao động nhưng vẫn được hưởng trong nhiều năm. Sau khi tiến hành rà soát, BHXH TP Hải Phòng phát hiện 23 trường hợp nhận trợ cấp mất sức lao động không đúng quy định.

Nguyên nhân của sai sót trên được BHXH TP Hải Phòng xác định là do công tác lập “Phiếu trung gian”. Tháng 10/1995, khi nhận bàn giao từ ngành Lao động Thương binh &xã hội, Hải Phòng có 93.324 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trong đó thuộc diện mất sức lao động là 26.473 người.

Nội dung báo cáo BHXH gửi UBND TP Hải Phòng cho thấy, vào thời điểm năm 1995, công tác lập danh sách chi trả hoàn toàn thực hiện bằng biện pháp kê khai thủ công và người thực hiện là các cán bộ làm công tác thương binh xã hội tại các xã, phường.

Phiếu trung gian được lập từ cán bộ llàm công tác thương binh xã hội từ các xã, phường cách đây 20 năm

Đến năm 1998, do yêu cầu quản lý người hưởng của ngành BHXH bằng công nghệ thông tin, nên cơ quan BHXH đã triển khai thực hiện kê khai lại toàn bộ hồ sơ của người hưởng để nhập vào phần mềm quản lý BHXH.NET qua “Phiếu trung gian”. Hàng tháng, cơ quan BHXH in danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH từ phần mềm quản lý, chuyển các đại diện để chi trả cho người hưởng.

“Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động, người hưởng trợ cấp mất sức lao động chỉ được hưởng ½ thời gian công tác quy đổi.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 60/HĐBT thì: “những người bị mất sức lao động từ 81% trở lên” (mục 04), “những người có đủ 25 năm công tác quy đổi trở lên đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước ngày ban hành Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng” (mục 08) thì tiếp tục được hưởng trợ cấp mất sức lao động” và trên “Phiếu trung gian” các trường hợp này được đưa vào mục số “04” và mục số “08” để khi nhập vào phần mềm BHXH.NET không bị dừng hưởng. Còn các trường hợp có đủ 25 năm công tác quy đổi nhưng về nghỉ hưởng trợ cấp MSLD sau ngày 9/10/1989 thì sẽ bị dừng hưởng khi hết hạn.

Quá trình rà soát cho thấy, người lập phiếu trung gian đã kê khai 13 người hưởng trợ cấp mất sức lao động sau thời điểm tháng 10/1989 và có thời gian công tác quy đổi đủ 25 năm vào mục số “08” và 10 trường hợp đưa vào mục số “04” mà đáng lẽ phải đưa vào mục số 11. Do đó, từ tháng 5/1999 đến nay, phần mềm quản lý BHXH.NET sau khi chuyển sang phần mềm TCS đã không báo những trường hợp này dừng hưởng. Hàng tháng, 23 trường hợp này vẫn hưởng trợ cấp mất sức lao động từ đó đến nay. Hiện các trường hợp này tuổi đã cao, ốm đau bệnh tật, cuộc sống gia đình có mức thu nhập thấp.

Sẽ giới thiệu giám định sức khỏe?

Rõ ràng, sai sót trong việc chi trả chế độ cho người dân xuất phát từ việc lập “Phiếu trung gian” cách đây 20 năm. Trong khi đó, những người thực hiện công việc kê khai “Phiếu trung gian” đã không còn làm việc nữa, có người đã qua đời. Hàng tháng, 23 trường hợp trên vẫn nhận và sử dụng số tiền trợ cấp đó. Vậy phương án nào được đưa ra để giải quyết các vướng mắc mà 23 trường hợp này đang gặp phải?

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh & Xã hội, tất cả các trường hợp trên đều thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp hàng tháng cho những người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời gian hưởng trợ cấp mất sức lao động. Do đó, UBND TP Hải Phòng và BHXH Việt Nam thống nhất dừng chi trả trợ cấp mất sức lao động đối với 23 trường hợp này đồng thời hướng dẫn họ làm thủ tục để hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg.

Hải Phòng đang tìm cách giải quyết tốt nhất đảm bảo quyền lợi của người dân

Trao đổi với PLVN, Quyền Giám đốc BHXH TP Hải Phòng Nguyễn Thị Lộc cho biết: BHXH TP Hải Phòng đã và đang làm việc với các trường hợp có liên quan, thông báo việc dừng hưởng trợ cấp mất sức lao động và giải thích rõ nguyên nhân. Các trường hợp này cơ bản đồng thuận với cách xử lý mà cơ quan chức năng đưa ra.

Theo thông tin mới nhất, BHXH và Sở Lao động Thương binh & Xã hội đang dự kiến kiến nghị UBND TP Hải Phòng và BHXH Việt Nam đồng thuận phương án giám định sức khỏe đối với các trường hợp nói trên. Trường hợp nào suy giảm 81% sức khỏe trở lên sẽ tiếp tục được nhận chế độ trợ cấp mất sức lao động. Các trường hợp còn lại sẽ hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các ý kiến đều cho rằng đây là phương án tối ưu nhất, đảm bảo đúng, đủ lợi ích nhất cho các trường hợp liên quan và mong muốn được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.

Phương Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/hai-phong-se-giam-dinh-suc-khoe-doi-voi-cac-truong-hop-vuong-mac-khi-nhan-tro-cap-mat-suc-lao-dong-474386.html