Hải Phòng phát triển và nâng tầm 335 sản phẩm OCOP

Hải Phòng đầu tư hơn 165 tỷ đồng cho phát triển, nâng tầm 335 sản phẩm giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gạo ruộng rươi - một trong những sản phẩm OCOP của Hải Phòng

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND triển khai Chương trình OCOP Hải Phòng giai đoạn 2018-2020. Theo đó, qua 2 năm thực hiện (2019 và 2020), Chương trình đã đánh giá, phân hạng được 45 sản phẩm của 19 chủ thể thuộc 12 xã, 5 phường, một thị trấn (năm 2019 có 12 sản phẩm, năm 2020 là 33 sản phẩm). Trong đó, 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo chính sách 6 trong Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND của HĐND Thành phố cho 8 tổ chức, cá nhân thuộc 6 huyện để đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, gắn tem nhãn sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 6,388 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, toàn TP. Hải Phòng đã có khoảng 30 chủ thể đăng ký với khoảng 70 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2021. Thành phố đang hướng dẫn cho các chủ thể này lập hồ sơ cho các sản phẩm dự thi OCOP đạt từ 3 sao trở lên

Để phát triển sản xuất, tạo ra được nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các chủ thể cần tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, quy trình sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết của sản phẩm dự thi OCOP hạng 5 sao do Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương chấm điểm.

Với mong muốn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021 phê duyệt Chương trình OCOP Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định 674/QĐ-UBND, trong giai đoạn 2021- 2025, Hải Phòng sẽ phát triển và nâng cấp 335 sản phẩm OCOP (nông nghiệp và phi nông nghiệp). Ngoài ra, củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất - kinh doanh, lựa chọn phát triển và cơ cấu lại từ 50 đến 100 tổ chức kinh tế là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, hoàn thiện nâng cấp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị cho ít nhất từ 150 đến 200 sản phẩm có tiềm năng và khả năng thương mại. Cụ thể, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; thủ công mỹ nghệ trang trí; dịch vụ du lịch và điểm du lịch cộng đồng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, kết quả khảo sát trong quá trình xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, hiện toàn Thành phố có khoảng 1.000 sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP.

Để triển khai thực hiện tốt nội dung này, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu ban chỉ đạo các cấp cần phải rà soát lại hệ thống quản lý điều hành Chương trình OCOP từ Thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, hiểu rõ về nội dung, quy trình thực hiện để triển khai hướng dẫn cho các chủ thể lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. 100% các nhà quản lý của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất - kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, toàn TP. Hải Phòng đã có khoảng 30 chủ thể đăng ký với khoảng 70 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2021. Thành phố đang hướng dẫn cho các chủ thể này lập hồ sơ cho các sản phẩm dự thi OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đang được triển khai tại 217 xã, phường, thị trấn (đạt 100%) thuộc 8 huyện, 7 quận của Thành phố với chu trình gồm: tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án sản xuất - kinh doanh; triển khai phương án sản xuất - kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.

“Theo Chương trình OCOP Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2026 - 2030, sẽ đánh giá lại các sản phẩm của giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm sản phẩm OCOP, tiếp tục hỗ trợ và phát triển mới các tổ chức kinh tế làm sản phẩm OCOP”, ông Thọ cho biết.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-phat-trien-va-nang-tam-335-san-pham-ocop-d140090.html