Hải Phòng mở thêm 7 quầy thịt lợn an toàn tại An Dương

Sau khi mở thành công chuỗi cửa hàng bán thịt lợn an toàn tại huyện Kiến Thụy ngày 9/4, TP. Hải Phòng tiếp tục mở thêm các chuỗi của hàng thịt lợn an toàn tại huyện An Dương nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và tiêu dùng, giảm thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các chợ thuộc dự án Lifsap huyện An Dương, Hải Phòng bắt đầu bán thịt lợn an toàn từ ngày 5/5

Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, bắt đầu từ ngày 5/5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật huyện An Dương sẽ lần lượt mở 7 quầy bán thịt lợn an toàn tại các chợ được đầu tư từ Dự án Lifsap để tiêu thụ thịt lợn đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại trên địa bàn huyện.

Cụ thể, 7 chợ được đầu tư từ Dự án Lifsap tại huyện An Dương gồm: Chợ Minh Kha (xã Đồng Thái), Tri Yếu (xã Đặng Cương), Rế (thị trấn An Dương), Vĩnh Khê (xã An Đồng), Hoàng Lâu (xã Hồng Phong), Ngọ Dương (xã An Hòa) và chợ Hỗ (xã An Hưng).

Quầy bán thịt lợn an toàn tại huyện An Dương

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng Bùi Văn Luyện cho biết, khác với huyện Kiến Thụy là mỗi xã tổ chức một quầy bán thịt lợn an toàn, huyện An Dương lựa chọn hệ thống chợ và cơ sở giết mổ theo Dự án Lifsap để tiến hành yêu cầu cả chợ cùng bán các sản phẩm thịt lợn ăn toàn được chăn nuôi tại các vùng quy hoạch VietGAHP nên quy mô và sản lượng tiêu thụ tốt hơn rất nhiều.

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Luyện, chính việc tiêu thụ thịt lợn chậm cũng là một nguyên nhân khiến dịchtả lợn châu Phi lây lan và bùng phát nhanh hơn do lợn bị ùn ở tại chuồng với mật độ quá đông. Do đó, ngoài công việc phòng chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu thì công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi cũng là cách hiệu quả để giảm sức lây lan dịch.

Cũng giống huyện Kiến Thụy, tại huyện An Dương, tất các các phòng ban, đơn vị như NN-PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa thông tin, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông… đều được huyện huy động vào hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động tiêu thụ thịt lợn trong dân và các hệ thống bếp ăn tập thể.

Phòng NN-PTNT sẽ phối hợp hệ thống Chăn nuôi và Thú y, chính quyền địa phương các xã như lựa chọn các trang trại an toàn dịch bệnh và lợn khỏe mạnh để đưa vào giết mổ và lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát việc giết mổ tại các lò mổ để đảm bảo thịt lợn đưa ra thị trường là sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Huyện An Dương chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các bếp ăn tập thể tại các trường đóng trên địa bàn không tẩy chay mặt hàng thịt lợn mà lựa chọn các sản phẩm thịt lợn đã được kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm khôi phục dần nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong dân.

NGUYÊN HUÂN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-phong-mo-them-7-quay-thit-lon-an-toan-tai-an-duong-post241258.html