Hải Phòng: Lấp bãi cọc phát lộ để bảo quản, nghiên cứu

Sau 3 tháng phát lộ, 27 cọc gỗ ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) đã được dùng đất lấp lại để bảo quản, nghiên cứu.

Ngày 8/1, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng xác nhận thông tin trên.

Ông Quý cho biết: “Phải lấp lại vì để đấy khó bảo quản, nếu cứ để cọc tiếp xúc với gió, nắng sẽ rất nhanh mục. Một phần cũng bởi nhiều người đến tham quan, nên việc chạm vào cọc của họ ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cọc. Trước mắt phải tạm thời dùng đất lấp đi để cọc không bị hư hại bởi thời tiết, môi trường”.

Đồng thời, ông Quý cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ không khai quật thêm diện tích liền kề bãi cọc để tìm thêm cọc mà chỉ bảo quản tạm thời bãi cọc, đợi các nhà nghiên cứu, khảo cổ học dùng công cụ khoa học để nghiên cứu đưa ra kết luận cuối cùng.

Trước đó, ngày 1/10/2019, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (trú tại thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê) phát hiện 2 cọc gỗ lim dài hơn 3m, đường kính hơn 30cm. Người dân cho rằng, đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng.

Tiến hành khai quật, khảo cổ trên diện tích 950m2 với 3 hố khai quật, cơ quan chức năng phát hiện thêm 27 cọc gỗ lim. Các cọc gỗ có đường kính 10-40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến và lim, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc bố trí rải rác, một số cọc nằm ngang, còn lại dựng đứng hoặc nghiêng về phía Tây, Nam.

Hải Phòng sau đó nhanh chóng tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Tại hội nghị này, có nhiều ý kiến cho rằng đây là bãi gỗ lim liên quan đến trận đánh thứ 3 chống quân Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288. Qua thí nghiệm C14, các cọc ở cánh đồng Cao Quỳ có niên đại 1270-1430 sau công nguyên trùng với trận chiến nói trên.

Bãi cọc phát lộ xuất hiện nhiều phản biện là cọc nhà Trần dùng để đánh giặc Nguyên Mông.

Một số nhà khoa học nhận định, bãi cọc có thể dùng để thu hẹp dòng chảy, vì không thể cắm cọc ngang sông được, chỉ có thể cắm sang 2 bên để làm thu hẹp dòng chảy dụ địch vào trận địa rồi tập trung hỏa lực tiêu diệt.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các cấp, các ngành thành phố liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát lộ bãi cọc đầu tiên phải nghĩ tới chiến thắng Bạch Đằng là đúng, nhưng TP. Hải Phòng và các nhà khoa học đánh giá như vậy là chủ quan, vội vàng.

Cụ thể, với 27 đầu cọc như vậy chưa thể nói lên nhà Trần cắm để thu hẹp dòng chảy vì diện tích bãi cọc vừa phát lộ, khai quật, khảo cổ quá nhỏ, không đủ để thu hẹp dòng chảy. Câu hỏi đặt ra: Vì sao nhà Trần phải dùng gỗ lim, sến quá to, nặng, khó cắm chỉ để thu hẹp dòng chảy mà không dùng các loại gỗ khác dễ làm hơn? Nhìn bãi cọc hiện tại có thể thấy cọc cắm để thu hẹp dòng chảy ở vị trí quá nông, do đó, việc cắm cọc thu hẹp dòng chảy khiến nước dâng cao cũng rất dễ lộ cọc. Để lộ cọc có khiến giặc đề phòng không tiến vào không? Sau chiến thắng sao không nhổ lên để dân còn đi lại trên sông?... Gỗ lim, sến có niên đại 1270 - 1430 sau công nguyên cũng vậy. Có thể lim, sến thời đó cũng được dùng vào các mục đích dân dụng khác như làm nhà, giữ đê... chẳng hạn, không cứ chỉ làm cọc đánh giặc Nguyên Mông... Đến nay, ngày càng nhiều ý kiến phản biện khác đáng quan tâm về bãi cọc phát lộ này.

Bên cạnh đó, gần đây còn xuất hiện thông tin mê tín dị đoan (ma tàu nhập) chưa rõ thực hư, động cơ mục đích... về bãi cọc phát lộ cần làm rõ.

Được biết, TP. Hải Phòng không phải là nơi đầu tiên phát hiện bãi cọc gỗ lim và việc xem xét, đánh giá có phải bãi cọc nhà Trần sử dụng đánh quân Nguyên Mông xâm lược hay không cần được đánh giá rất kỹ lưỡng, không phải dễ dàng công nhận vì đây là vấn đề lịch sử, một trang sử hào hùng của dân tộc vang khắp thế giới, cần phải độ chính xác tuyệt đối.

Phạm Nguyên

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hai-phong-lap-bai-coc-phat-lo-de-bao-quan-nghien-cuu-post32895.html