Hải Phòng: Khu tái chế phế thải của doanh nghiệp 'bức tử' môi trường

Theo phản ánh, khu xưởng tái chế phế phẩm lò luyện thép, gang của đơn vị Duy Nghĩa nhiều năm liền hoạt động gây ảnh tới môi trường.

Khu xưởng tái chế phế phẩm lò luyện thép, gang nói trên án ngữ ngay chân Cầu Kiền và khu vực đê sông Cấm thuộc địa phận xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Được biết phế phẩm mà khu xưởng này tái chế đều là thành phẩm phế thải cuối cùng của các lò luyện gang, thép. Đơn vị quản lý phân xưởng này đứng lên thu mua ở một số nhà máy luyện thép, gang sau đó tập kết về khu vực này để sơ chế.

Khu tái chế phế thải của doanh nghiệp Duy nghĩa ‘bức tử’ môi trường và nhiều năm liền vi phạm quản lý đất đai

Khu tái chế phế thải của doanh nghiệp Duy nghĩa ‘bức tử’ môi trường và nhiều năm liền vi phạm quản lý đất đai

Theo phản ánh của người dân sinh sống ở xã An Hồng cho biết, khu tái chế phế phẩm hoạt động bao nhiêu năm nay gây ảnh hưởng tới môi trường nhưng không hề bị nhắc nhở hay di dời đi chỗ khác.

Một lao công chuyên tập kết rác sinh hoạt của xã An Hồng về khu vực bãi rác gần khu tái chế thép, gang cho hay: “Khu tái chế này hoạt động khá lâu. Không biết họ tập kết các phế phẩm gì mà đóng cục như quặng. Ngày nào khu xưởng cũng hoạt động rầm rầm, hết xay, nghiền rồi sàng rửa. Xung quanh khu xưởng ô nhiễm cực kỳ vì nước thải và bụi”.

Theo quan sát của phóng viên, xung quanh xưởng các phế thải của lò luyện thép, gang tập kết xung quanh xưởng và chất cao như núi. Toàn bộ phế phẩm chưa sơ chế và đã sơ chế xong không hề được phủ kín để tránh phát tán bụi và nước thải bề mặt ra môi trường.

Kinh hoàng với khu tái chế phế thải của lò luyện gang, thép...

Khu xưởng tái chế không hề có hệ thống thu gom nước thải bề mặt

Liên quan tới quy trình sản xuất của khu tái chế, ông Dương Quang Hạnh, cán bộ địa chính xã An Hồng cho biết: “Khu xưởng là hoàn toàn tái chế lại phế thải cuối cùng của lò luyện thép, gang đóng cục như đá. Đầu tiên cho hệ thống nghiền sau đó cho chạy băng chuyền để nhặt lấy sắt và phế phẩm, phế liệu loại ra. Khi chạy nhỏ như bột thì cho qua một bể nước có hệ thống nam châm lớn để hút lấy sắt”.

Cũng theo ông Hạnh, đơn vị trực tiếp vận hành xưởng tái chế này là của Công ty Duy Nghĩa, hoạt động đã 6 năm nay. Đơn vị này, trong quá trình tái chế chỉ có cam kết môi trường chứ không có báo cáo đánh giá, quan trắc môi trường hằng năm. Khu xưởng tái chế không hề có hệ thống thu gom nước thải bề mặt và hoàn toàn chảy xuống khu vực sông Cấm.

Theo phản ánh, đơn vị nói trên còn “tự ý” đưa bến thủy nội địa vào hoạt động khi không được phép của các cơ quan chức năng

Ông Hạnh cũng thẳng thắn thừa nhận sai phạm của đơn vị này: “Diện tích đất đơn vị lập khu tái chế sử dụng để tập kết, đặt máy móc trang thiết bị là hơn 4.000m2. Diện tích khu xưởng đều thuộc hành lang đường cầu và bãi bồi ven sông. Như vậy việc sử dụng đất, lập xưởng tái chế của đơn vị này đều là trái phép, vi phạm nhưng đơn vị chỉ làm tạm thời. Địa phương cũng đã nhắc nhở và lập biên bản vi phạm”.

Sau khi nhận được phản ánh của phóng viên liên quan tới khu xưởng tái chế phế phẩm lò luyện thép, gang của đơn vị Duy Nghĩa, ông Lương Thế Quý, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã An Hồng cương quyết nói: “ UBND xã sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chuyên môn rà soát lại. Những gì thuộc thẩm quyền của địa phương, địa phương sẽ xử lý còn những gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện”.

Trước hoạt động của khu xưởng tái chế phế phẩm của lò luyện thép, gang của đơn vị Duy Nghĩa gây ảnh tới môi trường và vi phạm liên quan tới quản lý đất đai, các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng cần sớm vào cuộc giải quyết để tránh những ý kiến trái chiều liên quan tới khu vực nói trên.

Còn tiếp...

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168. Email: thubandocgdvn@gmail.com

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hai-phong-khu-tai-che-phe-thai-cua-doanh-nghiep-buc-tu-moi-truong-d148862.html