Hải Phòng khẩn trương xác định giá, sớm hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch

Tại thành phố Hải Phòng, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (từ tháng 2 đến nay) mới chỉ có 5 hộ gia đình tại hai huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng có lợn bị nhiễm dịch phải tiêu hủy được hỗ trợ theo Quyết định 09 ngày 18/3/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố. Hiện tại, các hộ dân tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy lợn bệnh và thống kê theo quy định, tuy nhiên chưa có thêm hộ dân nào được hỗ trợ.

Sử dụng vôi bột tại ổ dịch, vùng dịch ngay sau khi di chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sử dụng vôi bột tại ổ dịch, vùng dịch ngay sau khi di chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, các quận huyện, địa phương, Sở Tài chính khẩn trương xác định giá, sớm chi cho các hộ dân, theo nguyên tắc chi trước cho các hộ dân tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch kịp thời, đúng quy định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Lập cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, vì vậy việc phòng, chống dịch, khống chế dịch gặp nhiều khó khăn, dịch đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài hơn 3 tháng, gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi lợn và môi trường; ước thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.

Theo ông Trần Đình Vịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, huyện có số lợn bị nhiễm dịch hơn 5.000 con, chiếm 63% tổng đàn. Ước tính số tiền hỗ trợ tiêu hủy mất hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn so với tài chính của địa phương.

Cũng chung tình trạng như huyện Tiên Lãng, các địa phương khác trên địa bàn thành phố hiện cũng không có đủ kinh phí để hỗ trợ bà con có lợn bị nhiễm dịch theo Quyết định 09 ngày 18/3/2019.

Để không xảy ra tình trạng lợn thả trôi sông và tăng cường hỗ trợ bà con chăn nuôi, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 6 tháng 6 năm 2019 về việc Quy định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Theo đó, đối với lợn con, lợn thịt các loại (lợn hơi), hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại thời điểm buộc phải tiêu hủy. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại (lợn hơi) tại thời điểm buộc phải tiêu hủy. Lấy giá thị trường làm căn cứ tính mức hỗ trợ thực hiện theo báo cáo giá thị trường hàng tháng của Sở Tài chính tổng hợp trên địa bàn thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức khảo sát, chịu trách nhiệm tổng hợp giá thị trường thịt lợn hơi hàng tháng trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan quản lý chuyên ngành) tổng hợp trước ngày 22 hàng tháng. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Thống kê thành phố Hải Phòng tổng hợp báo cáo giá thị trường thịt lợn hơi hàng tháng gửi Sở Tài chính trước ngày 24 hàng tháng.

Sở Tài chính chủ trì, tổng hợp báo cáo giá thị trường của các sở, ngành; thực hiện tính giá thị trường thịt lợn hơi bình quân tháng theo quy định và công bố vào ngày 25 hàng tháng để các địa phương thực hiện hỗ trợ.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hải Phòng cho biết, hiện các đơn vị chức năng vẫn đang cùng các địa phương phối hợp với bà con chăn nuôi có lợn bị dịch hoàn thiện hồ sơ, chờ kinh phí chi trả. Với Quyết định 17/2019/QĐ-UBND, thành phố đang tích cực cân đối tài chính để tạo nguồn, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hỗ trợ xong cho bà con.

Tính đến ngày 23/6/2019, dịch xảy ra tại 18.674 hộ thuộc 13 huyện, quận trên địa bàn. Số lợn tiêu hủy hơn 175.000 con, chiếm 50,94% tổng đàn trước dịch; trọng lượng hơn gần 9.356 tấn.

Hiện Hải Phòng có 21 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc dịch.

Hoàng Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/hai-phong-khan-truong-xac-dinh-gia-som-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-co-lon-bi-nhiem-dich-20190625180321710.htm