Hải Phòng: Khẩn trương, chủ động phòng, chống cơn bão số 3

Bão số 3 đang di chuyển vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với tác hại của cơn bão, UBND thành phố Hải Phòng đã khẩn trương có các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do tác động của cơn bão số 3 - tên quốc tế WIPHA

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực cống Thủy Giang - quận Dương Kinh

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực cống Thủy Giang - quận Dương Kinh

Theo cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, chiều 1-8, vị trí tâm bão số 3 ( tên quốc tế WIPHA) cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và đi vào khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở ngay bờ biển Quảng Ninh và Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Ngay từ sáng mai, các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa mai (02-8) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến của bão, thường xuyên nắm chắc diễn biến của bão để kịp thời ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão; chịu trách nhiệm theo dõi sát diễn biến tình hình của bão và mưa lớn, tổ chức triển khai các nhiệm vụ để chủ động ứng phó cơn bão số 3, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão.

Chủ động kiểm tra công tác phòng, chống bão và thực hiện Kế hoạch Phòng chống thiên tai của địa phương, của ngành trên thực tế, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại; kiểm tra, duy trì hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, báo cáo UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, tùy theo diễn biến của bão, hạn chế các công việc chưa cấp bách để tập trung công tác phòng chống bão.

Chủ tịch cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động kiểm tra trên thực tế các biện pháp phòng chống bão; phối họp triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và sản xuất, môi trường, sức khỏe người dân, cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa, bão.

Chiều 1-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đã kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại quận Dương Kinh và Ngô Quyền. Theo đó, Phó Chủ tịch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phải thực hiện ứng trực 24/24, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động máy móc, trang thiết bị khi có sự cố xảy ra, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Lực lượng công an, quân đội tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh trật tự đặc biệt tại các khu vực di dân. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo diễn biến, tình hình phòng, chống bão và di dân về UBND thành phố, đặc biệt khi xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

Cũng trong chiều 1-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành chức năng thành phố kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão tại một số địa điểm xung yếu trên địa bàn quận Kiến An và huyện An Lão.

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành đánh giá cao công tác chỉ đạo triển khai thực hiện để ứng phó với bão của các địa phương. Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án di dân ở những nơi xung yếu; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hạ thấp mực nước trong đê, lưu ý các khu vực có nguy cơ sạt lở....Đồng thời, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của địa phương về diễn biến của cơn bão, hướng di chuyển, sức gió, lượng mưa để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Ngọc Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hai-phong-khan-truong-chu-dong-phong-chong-con-bao-so-3-157464.html