Hải Phòng: Hiệu quả rõ rệt từ tái cơ cấu chăn nuôi

Việc cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi ở thành phố Hải Phòng thời gian qua có những bước chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Giảm các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ

Triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi ở Hải Phòng đã có những bước chuyển quan trọng. Kết quả dễ nhìn thấy nhất trong việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi là người dân dần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với tốc độ tăng bình quân 5,12%/năm.

 Trang trại nuôi lợn giống của ông Bùi Minh Họa trên đảo Bầu, huyện An Lão. Ảnh: Tùng Đinh.

Trang trại nuôi lợn giống của ông Bùi Minh Họa trên đảo Bầu, huyện An Lão. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo UBND TP Hải Phòng, hiện tại toàn thành phố đang có 9 vùng chăn nuôi tập trung, tổng diện tích 147,5 ha với 142 trang trại, trong đó có 35 trang trại lợn, 107 trại gà quy mô 5.000-8.000 con/trại. Các trang trại chăn nuôi tập trung sản xuất có hiệu quả, ít xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Ngoài việc cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi theo vùng chăn nuôi tập trung, những năm qua, ngành nông nghiệp Hải Phòng tập trung chuyển đối tượng vật nuôi và quan tâm đến công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất các giống vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, đối với đàn lợn, phát triển mở rộng quy mô đàn lợn cao sản, nâng cao chất lượng đàn lợn thịt, tăng năng suất sinh sản đàn lợn nái duy trì ổn định sản lượng thịt ở mức 65-70 nghìn tấn/năm. Đối với đàn gia cầm, chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao tỷ trọng gà lông màu, duy trì ổn định ở mức 55-60 nghìn tấn/năm.

Mặt khác, tổ chức lại phương thức sản xuất chăn nuôi, đã đổi mới hệ thống giết mổ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, ngành hàng, tổ chức liên kết sản xuất. Đồng thời, cơ cấu lại theo chuỗi con giống sản xuất ra cung ứng cho các thành viên trong hợp tác xã và tổ hợp chăn nuôi.

Các chuỗi liên kết sản xuất của chủ yếu là lợn thịt, gà thịt lông màu. Các hộ chăn nuôi có chuồng trại, nhân công ký hợp đồng nuôi gia công gà với các công ty và được đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm, thuê chuồng trại, trả công theo thỏa thuận.

Hiệu quả kinh tế rõ rệt

Ghi nhận của Báo NNVN tại huyện An Lão, mô hình trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của ông Đào Quang Hưng, tại xã Tân Viên được xem là 1 điển hình rõ nét cho thấy hiệu quả của việc cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi tại địa phương này.

Xuất phát điểm từ 1 công nhân nhà máy đóng tàu, khi nhà máy đóng tàu khó khăn, năm 2008, ông Hưng đã mạnh dạn thu mua đất và đầu tư trang trại với quy mô 6.000 con gà để chăn nuôi gia công cho 1 doanh nghiệp.

Sau này, khi đã đủ kinh nghiệm thị trường, ông Hưng đã mạnh dạn tách riêng tự đầu tư, tìm nguồn để xây dựng trang trại. Đến nay, ngoài 2 trại gia đình với quy mô 2 vạn con, ông Hưng còn có 20 trang trại quy mô lớn chăn nuôi gia công cho mình với tổng doanh thu đã trừ chi phí hàng năm từ 4-5 tỷ đồng.

Chăn nuôi gà tập trung cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Viên, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Trao đổi với PV, ông Hưng chia sẻ, để sản xuất ra 1kg gà, phụ thuộc vào con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trình độ kỹ thuật của người nuôi. Do vậy, người chăn nuôi quy mô lớn (trang trại từ 5.000-7.000 con trở lên) phải hợp tác với những đơn vị sản xuất giống tốt, thức ăn chăn nuôi tốt, thuốc thú y tốt, có đội ngũ kỹ thuật tốt để đảm bảo xử lí lúc xảy ra dịch bệnh và có giá thành cạnh tranh.

Ngoài ra, theo ông Hưng, vai trò của cơ quan nhà nước với các hộ chăn nuôi như hướng dẫn về mặt pháp lí, định hướng phát triển, môi trường, thú y rất quan trọng. Ví dụ, như chính sách vay vốn không lãi 3 năm hay hỗ trợ chuyển đổi đất đai ở Hải Phòng.

“Có thời điểm, như năm 2013, lúc đó bão giá gà trắng, tiền thu về không đủ chi phí cho sản xuất, nếu không có cơ quan chức năng định hướng, hỗ trợ thì chắc không có tôi ngày hôm nay. Nói chung làm nông nghiệp là vậy, có lúc nọ lúc kia.

Còn trong nuôi gà, khó khăn nhất đối với các hộ là chi phí lớn, ngoài rủi ro về dịch bệnh còn rủi ro về giá cả thị trường. Tuy nhiên, nói chung so với cấy lúa, trồng trọt thì thu nhập của nuôi gà cao hơn cho dù chăn nuôi gia công cho công ty hay tư nhân”, ông Hưng bộc bạch.

Theo Phòng NN-PTNT huyện An Lão, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp những năm gần đây phát triển theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, giá trị sản xuất đạt gần 1.566 tỷ đồng.

Huyện An Lão đang có 79 trang trại nuôi gà quy mô lớn, 31 trang trại chăn nuôi lợn tập trung và 21 mô hình tổng hợp, mô hình trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp hạn chế dịch bệnh và rủi ro trong chăn nuôi.

Các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo tốt hơn về phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Phú Thọ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão cho biết: Mô hình trang trại ở huyện An Lão phát triển mạnh những năm gần đây. Về công tác phòng chống dịch bệnh, việc các trang trại phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô lớn được đảm bảo hơn so với các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Từ năm 2015 đến nay, đối với đàn lợn, cơ bản không xảy ra dịch bệnh lớn, trừ năm 2019 xảy ra dịch tả lợn châu Phi, do tình hình chung cả nước. Còn đối với đàn gia cầm, chỉ có năm 2018 xảy ra dịch với 1 đàn chăn nuôi mang tính chất nhỏ lẻ (đàn vịt).

"Chăn nuôi tập trung đến thời điểm này phát triển tương đối ổn định do an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với trang trại lợn quy mô lớn theo hướng tập trung. Về công tác phòng chống dịch bệnh, việc các trang trại phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung đảm bảo hơn so với các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hiện tại tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 17.000 con hầu như tập trung chính ở các trang trại. Về chăn nuôi gà, những năm gần đây, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, phát triển nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đặc biệt là các trang trại nuôi 5.000-7.000 con phát triển rất mạnh, tạo nguồn thu cho các chủ trang trại, giải quyết việc làm cho 1 số lao động địa phương. Huyện đã quy hoạch xây dựng 8 vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 30,6ha”, ông Thọ cho biết.

Giai đoạn 2017-2020, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành 05 Nghị quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND thành phố đề ra trong năm 2018 và năm 2019 TP Hải Phòng hỗ trợ 34,6 tỷ đồng để thực hiện 5 chính sách. Năm 2020 dự kiến thực hiện 3 chính sách.

Còn thực hiện Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND, năm 2019, Hải Phòng có 2 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 222,35 ha; 3 vùng sản xuất hoa công nghệ cao 5ha, vùng chăn nuôi gắn với giết mổ tập trung 20ha và 1 vùng sản xuất rau đậu tương xuất khẩu 120ha.

Năm 2020, đến thời điểm hiện tại đã có 2 doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư vào 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 203 ha.

ĐINH MƯỜI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-phong-hieu-qua-ro-ret-tu-tai-co-cau-chan-nuoi-d273802.html