Hải Phòng gặp khó trong quản lý chất lượng thức ăn đường phố

Tại Hải Phòng xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tự phát khiến việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm gặp khó khăn.

Có nhiều món ăn nổi tiếng tại Hải Phòng được du khách tìm mua, vì vậy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm càng cần phải được chú trọng.

Có nhiều món ăn nổi tiếng tại Hải Phòng được du khách tìm mua, vì vậy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm càng cần phải được chú trọng.

Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 21.390 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Trong đó hơn 6.600 cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, nhưng mới chỉ có khoảng 50% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều cơ sở, quầy hàng dịch vụ thức ăn đường phố đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.

Khảo sát thực tế, tại nhiều nơi, thức ăn dù sống hay chín vẫn được bày bán tràn lan trên vỉa hè, cổng chợ, các bến xe, trước cổng trường học, cơ quan, xí nghiệp, nơi đông người qua lại.

Thậm chí, thức ăn được bày bán ngay trên miệng cống thoát nước hay bên cạnh mương thoát nước thải…sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi, cho dù không bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Dịch vụ ăn uống ở đường phố đông khách hàng, bởi ưu thế về sự tiện lợi, kinh tế và tâm lý “khuất mắt trông coi” của nhiều người.

Thức ăn đường phố tại Hải Phòng xuất hiện ngày càng nhiều khiến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp khó.

Theo thống kê từ Sở Y tế Hải Phòng, hiện nay có 70 đến 80% số thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.

Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến.…

Nguyên do, phần lớn thức ăn đường phố đều bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn, được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, phụ gia phẩm mầu không được kiểm soát; không có quy trình, quy chuẩn chế biến, dụng cụ phương tiện sản xuất không bảo đảm; bày bán trong điều kiện môi trường ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng, theo phân cấp, việc quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố là do Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, hiện công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương gần như để bỏ ngỏ.

Lãnh đạo Phòng Y tế quận Dương Kinh cho biết: “Phòng được giao quản lý hơn 700 cơ sở thức ăn đường phố nhưng chỉ có 2 cán bộ, không thể kiểm tra định kỳ được.

Trong khi các phường không có cán bộ chuyên về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hằng năm, quận có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhưng chủ yếu là nhắc nhở chứ không phạt tiền được trường hợp nào”.

Theo lãnh đạo phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, theo phân cấp, phường có Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường làm trưởng Ban; phó ban là Trạm trưởng Trạm y tế;

Các thành viên khác gồm cán bộ công an, tư pháp, văn hóa xã hội, tài chính, an ninh trật tự... Tuy nhiên, việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là cán bộ làm công tác này đều kiêm nhiệm trong khi hoạt động mua, bán phần lớn diễn ra vào trưa, cuối buổi chiều, buổi tối và ban đêm, rất khó để tổ chức đoàn đi kiểm tra.

Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ không có trình độ chuyên môn, thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm. chủ yếu nhỏ lẻ.

Nhiều hộ bán lưu động, theo mùa vụ, chưa đăng ký kinh doanh gây khó khăn cho việc thống kê, theo dõi, quản lý, giám sát.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân phường thành lập các tổ kiểm tra, chủ yếu xem xét các hộ có bảo đảm yêu cầu về thủ tục hành chính như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe, điều kiện vệ sinh môi trường…

Còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm an toàn thực phẩm không thì chưa có căn cứ, cơ sở vì thiếu thiết bị kiểm tra.

Tuyến phố Lê Hồng Phong (Hải Phòng) sôi động về đêm với các cơ sở dịch vụ ăn uống.

“Khi kiểm tra, chúng tôi chủ yếu kiểm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe của các hộ.

Nhưng để kết luận thực phẩm có bảo đảm an toàn thực phẩm không thì không có căn cứ, nhất là mặt hàng rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, hoa quả, rau, thịt, cá...”, một lãnh đạo phường nói.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa bàn có các tuyến phố ẩm thực như: Lê Hồng Phong, Lạch Tray, Hàng Kênh,…

Theo bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, để giải quyết những hạn chế, vướng mắc trên phải có hệ thống tổ chức chuyên trách về an toàn thực phẩm tới các quận, huyện, xã, phường.

Các địa phương cần kiện toàn lại ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cơ sở, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, giám sát hoạt động này.

Hiện nay, tại cấp xã, phường mới có cán bộ ngành y tế tham gia vào quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có cán bộ của ngành Nông nghiệp và ngành Công thương.

Trong khi đó, Luật an toàn thực phẩm quy định có nhiều mặt hàng thuộc hai ngành này quản lý, nếu không có cán bộ có chuyên môn tham gia công tác quản lý an toàn thực phẩm của các ngành này thì việc phát hiện, xử lý sản phẩm vi phạm Luật khó khăn.

Các địa phương cũng cần chú trọng tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cơ sở làm công tác an toàn thực phẩm.

Đồng thời bổ sung thêm trang thiết bị kiểm nghiệm nhanh đáp ứng việc kiểm tra chất lượng thực phẩm.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/suc-khoe/hai-phong-gap-kho-trong-quan-ly-chat-luong-thuc-an-duong-pho-post193599.gd