Hải Phòng: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhanh

Là địa phương thứ 3 trên cả nước nhiễm dịch tả lợn châu Phi, hiện tại dịch bệnh này đã 'hoành hành' tại 4 huyện trên địa bàn TP. Hải Phòng, nâng số lợn bị tiêu hủy lên đến gần 5.000 con.

Thủy Nguyên: Sức lây lan quá nhanh và mạnh

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 303 hộ, 74 thôn, 17 xã của huyện Thủy Nguyên bao gồm: Chính Mỹ, Liên Khê, Lưu Kiếm, Đông Sơn, Thủy Đường, Kênh Giang, Hòa Bình, Lưu Kỳ, Quảng Thanh, Kiền Bái, An Sơn, Kỳ Sơn, Hợp Thành, Mỹ Đồng, Trung Hà, Hoàng Động, Ngũ Lão.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. (Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Phòng)

Với tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy lên đến 4.615 con (446 con lợn nái, 02 con lợn đực giống, 2.920 con lợn thịt, 1.247 con lợn con theo mẹ). Đàn lợn còn lại trong các xã có dịch được giám sát chặt chẽ, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng được thực hiện theo quy định phòng chống dịch hiện hành.

Ông Phạm Văn Hậu – Phó trưởng phòng NN&PTNN huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cho biết: “UBND huyện cũng như thành phố đã cấp hóa chất khử trùng, vôi bột đến tận các hộ dân để thực hiện ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Ba ngày gần đây trên địa bàn huyện không phát sinh thêm xã nào có lợn dương tính với dịch tả châu Phi. UBND huyện yêu cầu các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển thức ăn ra vào vùng dịch, kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng”.

Dịch tả lợn châu Phi đã quét sạch đàn lợn của người chăn nuôi.

Là địa phương có số lợn dịch phải tiêu hủy lớn lên đến 854 con, chính quyền và nhân dân xã Liên Khê tập trung cao cho việc chống dịch. Ông Trịnh Văn Hiển – Phó chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên chia sẻ: “Sau khi có dịch ở các xã lân cận, UBND xã đã thành lập 4 chốt kiểm tra, nhưng dịch vào xã như thế nào cũng không ai biết được. Các hộ có lợn đã bị tiêu hủy, khuyến cáo họ phun hóa chất 3 lần/ngày, rắc vôi bột. Chờ đến khi công bố hết dịch, trong khoảng thời gian cho phép thì mới tái đàn, không để virut gây bệnh phát sinh thêm. Có những hôm trời mưa phùn, 9h đêm chúng tôi vẫn cùng dân chôn lấp lợn mắc dịch”.

Riêng xã Chính Mỹ, nơi phát hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên tại Hải Phòng, dịch đã lan rộng 12/12 thôn với số lượng lợn tiêu hủy lên đến 35 tấn. Dịch lây lan nhanh đến mức, ông Trần Văn Dương - Phó chủ tịch UBND xã phải thốt lên: “Không thể khống chế dịch”.

Tiên Lãng: Dịch tả lợn châu Phi ập đến bất ngờ

Ông Trần Đình Vịnh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cũng chưa xác định rõ nguyên nhân lây lan nhưng các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã chủ động xây dựng phương án phòng dịch, bố trí các chốt kiểm dịch không để lợn bệnh được vận chuyển ra ngoài tiêu thụ”.

Người chăn nuôi chủ động phun thuốc khử trùng để bảo vệ đàn lợn của gia đình.

Tính từ ngày 26/2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trên 7 xã tại huyện Tiên Lãng, tiêu hủy trên 6 tấn lợn. UBND huyện triển khai các biện pháp khử trùng tiêu độc, hạn chế người ra vào vùng dịch để tránh lây lan sang các hộ lân cận. Không giết mổ, không vất xác động vật ra môi trường.

Các chốt kiểm dịch được bố trí lực lượng Công an viên và cán bộ thú y trực chốt tại các điểm ra vào địa phương.

Ông Phạm Văn Suốt - Chủ tịch UBND xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng cho biết: “Địa phương bắt đầu phát hiện dịch ngày 8/3, sau khi có dịch chúng tôi tiến hành tiêu hủy luôn. Dịch lợn ập đến bất ngờ khiến cho tình hình chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, có hộ dân nuôi lợn đến ngày được xuất chuồng nhưng không bán được. Thương lái thì không mua, thịt lợn người dân cũng không ăn vì nghi ngại dịch bệnh. Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, người chăn nuôi cũng yên tâm được phần nào, họ không giấu dịch hay bán tháo lợn đi”.

An Dương: Dịch bệnh cơ bản được khống chế

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện An Dương từ ngày 3/3 đến nay, đã tiêu hủy 12 con thuộc 2 xã Đại Bản và Nam Sơn. Liên tục trong nhiều ngày qua tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện cơ bản được khống chế, không để phát sinh sang các địa phương lân cận. Công tác kiểm soát dịch bệnh được UBND huyện triển khai quyết liệt, hiệu quả.

PV Báo Kinh tế nông thôn có mặt tại thôn Tân Thành, xã Đại Bản, đây là nơi duy nhất phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi của huyện. Tất cả các con đường của xã đều được phủ vôi bột và cán bộ thú y đi phun thuốc khử trùng khắp các ngõ ngách.

Ông Nguyễn Hoàng Trường đang phun tiêu độc khử trùng cả khu vực chuồng trại của gia đình.

Tới nhà ông Nguyễn Hoàng Trường, hộ chăn nuôi có lợn bệnh đã được tiêu hủy. Ông Trường cho biết, gia đình ông có hơn 50 con lợn, sau khi phát hiện con có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, nôn mửa thì chỉ sau 2 ngày 18 con lợn lăn ra chết phải tiêu hủy. Ông Trường buồn rầu nói: “Dù tiếc của nhưng gia đình tôi vẫn nghiêm tục chấp hành quy định để đảm bảo an toàn, chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm khống chế được dịch bệnh để gia đình tôi còn tiếp tục làm ăn”.

Cùng là người dân chăn nuôi có lợn chết vì dịch bệnh, anh Ngô Văn Quân bất ngờ khi dịch bệnh ập đến: "Là hộ chăn nuôi ở khu vực biệt lập, áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn. Tôi không hiểu nguồn bệnh đến từ đâu khiến cho 5/30 con lợn của gia đình phải tiêu hủy do dịch. Tốc độ lây lan của dịch rất nhanh, chỉ một con hôm sau đã cả đàn rồi".

Vĩnh Bảo: Dịch bệnh mới chớm bùng phát

Là địa phương mà dịch bệnh tả lợn châu Phi mới chớm bùng phát, nhưng các hộ dân trong huyện cũng chủ động các biện pháp phòng dịch, không để dịch lây lan vào gia đình.

Con đường vào khu vực chăn nuôi tại các xã có dịch tả lợn châu Phi được rắc vôi bột khử trùng.

Chị Vũ Thị Yến xã Hòa Bình cho biết: “Trước sự lây lan chóng mặt của dịch tả lợn, gia đình tôi cũng lo lắm. Tuy chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng đàn lợn là công sức mà vợ chồng tôi chăm sóc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trước mắt tôi tập trung cao cho việc phun thuốc, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng, sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, tránh để bệnh lây lan”.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn mới phát hiện tại 2 hộ dân thuộc 2 xã Nhân Hòa, Vĩnh Long với số lợn tiêu hủy bắt buộc là 18 con.

Kể từ khi bùng phát dịch, tất cả các xã có dịch trên địa bàn thành phố đã lập các chốt kiểm dịch với sự tham gia của lực lượng Công an, cán bộ thú y, chính quyền địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, nhằm ngăn chặn mầm dịch phát sinh. Các địa phương túc trực 24/24h, liên tục cập nhật số liệu và thực hiện nhanh các chỉ đạo từ cơ quan chuyên môn.

Nhóm PV

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/hai-phong-dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-nhanh-post26251.html