Hải Phòng: Chủ tịch quận nói gì việc dùng đất để thỏa hiệp bồi thường?

Ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân (TP. Hải Phòng) nói sự việc trên có căn cứ pháp luật, nhưng luật nào thì ông Du không trích dẫn được.

>> Hải Phòng: Dân kiện, Chủ tịch quận đề nghị cấp đất để thỏa hiệp?

Như Báo Kinh tế nông thôn đã đưa tin, sau thu hồi đất phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng Công viên cây xanh (giai đoạn 2, từ Bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc) bị dân phản đối về việc bồi thường, ông Du đã ký văn bản báo cáo trình UBND TP. Hải Phòng cấp bổ sung cho hộ này một lô đất để thỏa hiệp, "mua" sự đồng tình.

Thi công tại dự án ĐTXD Công viên cây xanh Tam Bạc (giai đoạn 2)

Phóng viên đã liên lạc với ông Du để làm rõ về sự việc trên. Qua điện thoại, ông Du nói sẽ giao việc này cho ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân trả lời. Tuy nhiên, một thời gian khá dài không thấy ông Tân phản hồi, phóng viên liên lạc lại với ông Du.

Trong lần liên lạc này, ông Du trả lời ngay: “Thành phố phải quan tâm, tạo mọi điều kiện, động viên thì người ta mới đi”.

Phóng viên lại hỏi: “Anh cho rằng việc dân khiếu kiện như thế là hợp lý?”. Ông Du khẳng định: “Hai việc ấy khác nhau chứ không phải vì khiếu kiện”.

Phóng viên phản biện: “Rõ ràng trong văn bản anh ký có nêu rõ lý do là dân đi khiếu kiện”. Ông Du lại nói: “Đấy chỉ là một nội dung, còn nhiều vấn đề khác chứ”.

Phóng viên hỏi tiếp: “Vậy anh thấy việc cấp thêm đất bổ sung như vậy có đúng luật không?”. Ông Du ngắt máy luôn.

Phóng viên liền gọi lại, nhắc lại câu hỏi: “Anh trả lời cho em, việc quận đề nghị cấp đất bổ sung cho hộ gia đình nhà ông Sơn có đúng luật không?”. Ông Du không trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi mà nói về quy trình GPMB: “Khi GPMB phải theo quy định đã rồi, căn cứ tình hình thực tiễn, phải xem xét điều kiện ăn ở của từng trường hợp một, xin ý kiến thành phố tham mưu, đề xuất”.

Phóng viên ngắt lời: “Có nghĩa là trong quá trình GPMB của UBND quận Lê Chân thì trường hợp hộ nhà ông Sơn gặp khó khăn về chỗ ở, còn các trường hợp khác thì không?”. Ông Du trả lời: “Cũng nhiều trường hợp khó khăn về chỗ ở nhưng trường hợp này khá đặc biệt nên phải thông cảm”.

Phóng viên lặp lại câu hỏi: “Như vậy thì việc này có đúng luật không anh?”. Ông Du nhắc lại kiểu né tránh: “Cái đó là căn cứ tình hình thực tế”.

Phóng viên tiếp lời: “Chứ không căn cứ vào luật?”. Ông Du giải thích: “Trước hết phải bám vào luật, vào văn bản rồi sau đó căn cứ vào tình hình thực tiễn, tìm cách để tháo gỡ”. Nói là vậy, nhưng khi phóng viên hỏi lại lần nữa về luật nào cho cấp thêm đất bổ sung thì ông Du ậm ờ rồi tắt máy.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Ngọc Phượng - Phạm Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hai-phong-chu-tich-quan-noi-gi-viec-dung-dat-de-thoa-hiep-boi-thuong-post21857.html