Hải Phòng: Bao giờ mới có tem truy xuất sản phẩm làng nghề?

Các sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhưng sản phẩm của các làng nghề còn nhiều vướng mắc.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố có 51 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được đơn vị hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, song không có sản phẩm nào của làng nghề. Cũng từ năm 2015 đến nay, Sở Khoa học- Công nghệ có chương trình hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản, làng nghề. Theo đó, có 33 nhãn hiệu nông sản, đặc sản của các tập thể, tổ chức được công nhận; trong đó có 13 sản phẩm nhãn hiệu tập thể của làng nghề Hải Phòng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất riêng lẻ tại làng nghề phần lớn chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Một xưởng đúc tại làng nghề đúc Mỹ Đồng

Một xưởng đúc tại làng nghề đúc Mỹ Đồng

Là một trong những địa phương có nhiều làng nghề phát triển của Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên mới có hai sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc là Na của xã Liên Khê và Cá vược của cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ. Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng nổi tiếng với sản phẩm của mình cũng chỉ mới lác đác một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chủ yếu là các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu. Còn tại các làng truyền thống khác như làng nghề vật liệu xây dựng ở xã Lại Xuân, làng nghề mây tre đan xã Chính Mỹ, làm hương xã Kiền Bái…sản phẩm làm ra chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, chưa có cơ sở sản xuất nào xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm tem truy xuất nguồn gốc.

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Thủy Nguyên cho biết, đa số sản phẩm của các làng nghề hiện nay đều mang tính thủ công, do vậy để làm tem truy xuất nguồn gốc phải đòi hỏi tính đa dạng sản phẩm, chất lượng ổn định và đồng đều. Bản thân các hộ sản xuất cũng không mặn mà với việc xây dựng thương hiệu do vậy việc làm tem truy xuất nguồn gốc vẫn chưa triển khai được. Hiện nay, huyện Thủy Nguyên vẫn đang chờ cơ chế chính sách riêng của thành phố về lĩnh vực này.

Không chỉ có Thủy Nguyên, nhiều làng nghề khác ở các huyện: Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vận động đăng ký thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nhưng đến nay phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề vẫn thờ ơ.

Làng nghề chiếu cói Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng cũng trong tình trạng tương tự. Ông Phạm Văn Suốt – Chủ tịch UBND xã cho biết: Làng nghề hiện nay chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên người dân không mấy quan tâm tới việc làm tem truy xuất nguồn gốc do e ngại sẽ đội chi phí sản phẩm. Thêm vào đó, thương hiệu chiếu Lật Dương đã có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm tiêu thụ tốt nên các hộ kinh doanh cho rằng không cần thiết phải xây dựng thương hiệu. Cũng theo ông Suốt, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, trong đó có chương trình OCOP nhưng do còn nhiều khó khăn nên địa phương vẫn chưa thể triển khai.

Làng nghề hiện nay chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Đánh giá sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Hiệp hội làng nghề Hải Phòng nhận định, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là đối với các sản phẩm làng nghề muốn xuất khẩu sang nước ngoài. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề không thể trì hoãn thực hiện.

Để “gỡ vướng”, các địa phương cần chủ động phối hợp với Hiệp hội làng nghề thành phố rà soát lại nhu cầu của các làng nghề, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để từ đó vận động, hướng dẫn thực hiện. Không chỉ tập trung đổi mới kinh doanh, các cơ sở, doanh nghiệp tại làng nghề cũng cần có ý thức tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để thực hiện xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tranh thủ các chương trình hỗ trợ của thành phố để giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu…

Được biết, năm 2019, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó các tổ chức, cá nhân, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm được phê duyệt theo chương trình OCOP năm 2019 được hỗ trợ phát triển sản phẩm bao gồm: thiết kế mẫu mã, in ấn, mua sắm bao bì, nhãn mác sản phẩm, xúc tiến thương mại, dán tem truy xuất nguồn gốc…

Hi vọng, đây sẽ là một trong những hoạt động thiết thực hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó đẩy mạnh kết nối thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Minh Hương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/hai-phong-bao-gio-moi-co-tem-truy-xuat-san-pham-lang-nghe-151463.html