Hai phi công hy sinh, vợ khóc thẫn thờ, con thơ ngơ ngác

'Sự ra đi của Thiếu tá Lê Xuân Trường và Thiếu úy Đào Văn Long là mất mát lớn của gia đình, người thân, đơn vị, đồng nghiệp, bạn bè... không gì bù đắp được', Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường sĩ quan Không quân xúc động chia sẻ tại lễ truy điệu 2 phi công hy sinh trong vụ tai nạn máy bay xảy ra vào ngày 14/6 ở tỉnh Khánh Hòa.

Vợ khóc đỏ hoe đôi mắt, con ngơ ngác nhìn quanh

Sáng ngày 16/6, tại nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Quân chủng Phòng không - Không quân, Trường Sĩ quan Không quân đã tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, tiễn đưa linh cữu 2 phi công hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ về đất mẹ.

Hiện trường vụ rơi máy bay làm 2 phi công hy sinh tại Khánh Hòa.

Hiện trường vụ rơi máy bay làm 2 phi công hy sinh tại Khánh Hòa.

Trước đó, trong khi huấn luyện bay, vào lúc 9h35 ngày 14/6, máy bay Yak-52 thuộc Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân gặp sự cố bất ngờ trên không, dẫn đến tai nạn bay tại địa bàn thôn Dầu Sơn (xã Suối Tân, H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) khiến 2 phi công hy sinh là Đại úy Lê Xuân Trường và Trung sĩ Đào Văn Long.

Ngày 15/6, Bộ Quốc phòng đã quyết định truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho phi công Lê Xuân Trường; truy phong quân hàm từ Trung sĩ lên Thiếu úy cho học viên phi công Đào Văn Long.

Ngay từ sáng sớm ngày 16/6, có hàng ngàn đồng đội, người thân và đông đảo người dân tỉnh Khánh Hòa đã đến viếng, chia buồn trước sự ra đi của 2 phi công. Hình ảnh vợ Thiếu tá Lê Xuân Trường ôm 2 con thơ trước bàn thờ chồng khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Chị khóc đỏ hoe đôi mắt, còn 2 con cứ ngơ ngác nhìn quanh, không rõ chuyện gì đang xảy ra với người cha của mình. Cả 2 phi công đều ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, để lại niềm tiếc thương cho đồng đội, người thân.

Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, Đại tá Vũ Hồng Trung - Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân, xúc động nói: “Xin gửi đến 2 đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết lòng tiếc thương vô hạn.

Những hoài bão lớn còn dang dở mà các đồng chí để lạisẽ được gia đình, con cháu, bạn bè thân hữu… đoàn kết, cùng nhau phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xin vĩnh biệt 2 đồng chí”.

Thay mặt Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân viết trong sổ tang: “Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau thương, mất mát vô cùng to lớn này để ổn định cuộc sống.

Những hoài bão lớn lao còn dang dở của các đồng chí để lại cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân nguyện đoàn kết phấn đấu xây dựng quân chủng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Thiếu tá Lê Xuân Trường (SN1986) là Biên đôịtrưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân. Nguyên quán: thôn Cam 2, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Thiếu úy Đào Văn Long (SN 1998) là phi công Phi đội 1, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân. Nguyên quán: cụm 8, thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội.

Trong lễ truy điệu chồng, chị Hằng khóc đỏ hoe đôi mắt, còn con gái lớn cứ ngơ ngác nhìn quanh, không rõ chuyện gì đang xảy ra.

Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ của Thiếu tá Lê Xuân Trường là chị Nguyễn Thị Hằng, cũng là công nhân viên quốc phòng, phục vụ bếp tại bếp ăn Trung đoàn 920. Bố ruột anh là bộ đội nghỉ hưu, bố vợ là quân nhân chuyên nghiệp chuyên ngành động cơ máy bay cũng đã nghỉ hưu.

Chưa có chỗ ở riêng nên vợ chồng anh được cơ quan bố trí ở tạm nhà công vụ trong khu tập thể Trung đoàn 920 (phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Vợ chồng anh có 2 con gái, cháu đầu Lê Mai Anh sinh năm 2014, cháu thứ 2 Lê Hà Trang mới 3 tháng mấy ngày tuổi.

Thượng tá Nguyễn VănTài (bố của chị Hằng) cho biết: “Con gái đang ngồi cho con bú, nghe tin máy bay trong đó có Trường và học viên của mình rơi, con gái tôi ngã khụy. Đứa cháu mới hơn 3 tháng bế trên tay rơi xuống, may có cái võng, chứ không nguy hiểm rồi. Bản thân tôi là người cứng rắn, thế nhưng khi nghe tin tôi cũng bủn rủn tay chân”.

Nói rồi, ông Tài bảo:“Bây giờ, tình cảnh như thế, 2 cháu nhỏ, Hằng một thân một mình, bên nội ở tận Hà Nội xa xôi. Gia đình chúng tôi có nguyện vọng xin cho Hằng về công tác tại TP.Nha Trang, gần bên ngoại, để chúng tôi có điều kiện đỡ đần thêm việc chăm sóc các cháu”.

Được biết, Thiếu úy Đào Văn Long là con cả trong gia đình có 2 anh em. Thiếu úy Long được đồng nghiệp nhận xét là hiền lành, sống tình cảm. Cha mẹ của anh đều làm nông, không khá giả gì nhưng vẫn nuôi 2 con trai ăn học đến nơi đến chốn.

Từ nhỏ, anh Long đã mê máy bay và niềm đam mê ấy theo anh đến lớn. Năm 2016, anh tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào Trường Sĩ quan Không quân. Theo Đại tá Vũ Hồng Trung, trong quá trình học tập, công tác, Thiếu tá Lê Xuân Trường luôn thể hiện một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Trường đã tham gia kèm được 7 khóa học viên và đào tạo được 15 học viên trở thành phi công trên loại máy bay Iak-52; giờ bay tích lũy trong quá trình công tác là 1.132h55, là phi công quân sự cấp 3. Còn Thiếu úy Đào Văn Long đã có 46 lần chuyến bay trên máy bay Iak-52, với tổng cộng giờ bay là 14h57.

Đại tá Vũ Hồng Trung cho biết thêm, theo kết luận của hội đồng điều tra tai nạn, do sự cố bất ngờ, phi công cố gắng xử lý khắc phục hỏng hóc. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, phi công đã xử lý hạ cánh bắt buộc không thành công, dẫn đến tai nạn. Đơn vị sẽ tập trung để giúp đỡ gia đình ổn định về mặt tinh thần, những chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, cơ quan sẽ đứng ra lo đầy đủ.

Món quà nhỏ phi công 21 tuổi tặng mẹ trước lúc hy sinh

Sự ra đi bất ngờ của Thiếu úy Đào Văn Long khiến người thân trong gia đình đau xót. Họ luôn hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm đáng tiếc, rồi ngày mai, chàng phi công lại trở về trong vòng tay gia đình, thực hiện những ước mơ dang dở. Bà Hoàng Thị Bảy (46 tuổi, mẹ Long) khóc đã cạn nước mắt, giọng bà lạc đi đến mức phải ngồi thật gần mới nghe rõ bà đang nói gì.

Mỗi lần nhắc về con trai bà đều tự hào, gia đình bên ngoại có các bác làm phi công đã nghỉ hưu, trong nhà treo rất nhiều ảnh. Long từ khi còn bé đã hay sang chơi, nhìn thấy máy bay, các bác ngồi lái và bắt đầu đam mê, yêu thích từ đó.

Bà Bảy kể, tính đến hôm hy sinh thì Long đã có 6 tuần bay, ngày con được bay lần đầu tiên bà không sao quên được. "Hôm nay con báo cho mẹ một tin mừng. Cuối cùng ước mơ của con đã thành sự thật. Con được thầy cho bay chuyến đầu tiên. Nghe con nói mà tôi vui khóc luôn".

Bà Bảy kể, ngày 8/3 vừa rồi, Long gọi điện về thủ thỉ: "Con có ít tiền phụ cấp tích cóp được 2 triệu, con gửi vào tài khoản chị họ nhờ mua một dây chuyền nho nhỏ tặng mẹ. Chiếc dây chuyền đó 5,5 triệu, con chỉ có mộtít góp vào tặng mẹ. Đây là quà của con trai mẹ", bà Bảy bùi ngùi kể lại. Có ai ngờ đâu đó lại là món quà cuối cùng trước khi “cánh chim trời” ngừng bay!

Nhuận Oanh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hai-phi-cong-hy-sinh-vo-khoc-than-tho-con-tho-ngo-ngac-d99967.html