Hai phản ứng đối nghịch trước Omicron ở châu Âu

Trong khi một số quốc gia nhanh chóng áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để đối phó với đà lây lan của Omicron, những nước khác đang chờ đợi thêm trước khi đưa ra hành động cứng rắn hơn.

Tại Hà Lan, các gia đình hiện chỉ được phép tiếp 2 vị khách một ngày, dù đang là dịp lễ. Đây là một phần trong các quy định về đợt phong tỏa mới nhất ở nước này nhằm đối phó với biến chủng Omicron, theo New York Times.

Ở Đan Mạch, chỉ mới cách đây vài ngày, khẩu trang và các biện pháp hạn chế đã biến mất nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công. Thế nhưng bây giờ, rạp phim, công viên giải trí, vườn thú và các cơ sở khác một lần nữa bị đóng cửa ngay dịp lễ hội sôi động nhất năm.

Ngược lại, Pháp cho biết sẽ không tái áp đặt phong tỏa hay lệnh giới nghiêm, bất chấp sự lây lan nhanh chóng của Omicron trên khắp châu Âu. “Pháp là ngoại lệ”, trang nhất của báo Le Parisien viết hôm 20/12.

Phản ứng của các nước châu Âu đối với sự lây lan của biến chủng Omicron đang cho thấy hai bức tranh đối nghịch, mà hiện thế giới vẫn chưa thể biết được liệu đâu là quyết định đúng đắn. Một số nước phản ứng mạnh mẽ và cấp bách nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus, trong khi số khác chờ đợi và xem xét tình hình.

Làn sóng dịch mới ở châu Âu

Ở London, Anh, số ca Covid-19 tăng 30% vào tuần trước. Thị trưởng London đã ban bố tình trạng khẩn cấp để giải phóng các nguồn lực nhằm đối phó với tình trạng này.

Đan Mạch hiện ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới.

 Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Paris, ngày 20/12. Ảnh: Shutterstock.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Paris, ngày 20/12. Ảnh: Shutterstock.

Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vì lo ngại rằng số lượng giường chăm sóc đặc biệt ở nước này sẽ không đủ đáp ứng nếu dịch bệnh tiếp tục leo thang nhanh.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều có số ca Covid-19 bình quân trên 100.000 dân thấp hơn một số nước láng giềng phía bắc của họ, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Tại Pháp, chính phủ cho biết Omicron được ước tính đã gây ra hàng trăm ca mắc Covid-19 và chủng này được dự đoán chiếm tỷ lệ áp đảo số ca mắc mới trong tháng 1/2022. Theo cơ sở dữ liệu của New York Times, trung bình 52.471 ca Covid-19 được báo cáo tại Pháp mỗi ngày trong tuần trước, tăng 23% so với mức trung bình của hai tuần trước đó.

Ở Tây Ban Nha, các quan chức tuần trước đã nâng mức cảnh báo của đất nước. Nước này hiện báo cáo 50 ca nhiễm trên mỗi 100.000 người - tỷ lệ cao nhất trong nhiều tháng.

Hai xu hướng hành động

Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu ở Geneva, nói rằng các quốc gia ở Bắc Âu “có xu hướng chủ động hơn, hành động nhanh chóng để tránh bệnh viện của họ bị quá tải”. Trong khi đó, đối với các quốc gia ở phía nam, hạn chế và phong tỏa “luôn là biện pháp cuối cùng”, ông nói.

Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả hạn chế xã hội vào đầu tháng 9 sau chiến dịch tiêm chủng thành công. Tuy nhiên, đến tuần trước, ngoài việc đóng cửa một loạt địa điểm công cộng, chính phủ đã cấm phục vụ đồ uống có cồn từ 21h đến 5h sáng hôm sau, và yêu cầu “hộ chiếu” vaccine hợp lệ để sử dụng xe buýt và xe lửa liên tỉnh.

Một tiệm cà phê ở trung tâm thủ đô Amsterdam của Hà Lan đóng cửa vì lệnh phong tỏa, ngày 20/12. Ảnh: AP.

Tại Hà Lan, những lo ngại về ảnh hưởng của Omicron đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe đã khiến chính phủ hôm 19/12 phải ra lệnh đóng cửa tất cả dịch vụ trừ các cơ sở kinh doanh thiết yếu cho đến 14/1/2022.

Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha đều đã loại bỏ phương án thắt chặt hạn chế và phong tỏa trong dịp năm mới, trong khi Italy vẫn đang cân nhắc thêm.

Các nước này tin rằng với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và tỷ lệ tiêm tăng cường cao, cùng với một số biện pháp đã được đưa ra trước đó, họ có thể kiểm soát được Omicron.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez hôm 20/12 đã thông báo rằng chính phủ quyết định sẽ chờ đợi thêm trước khi đưa ra biện pháp nào mới. Ông lưu ý rằng tỷ lệ nhập viện trong nước vẫn thấp hơn nhiều nơi khác ở châu Âu, và vaccine vẫn có công hiệu tốt.

Ông nói: “Dù có số ca nhiễm cao hơn đáng kể, chúng ta có tỷ lệ nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt thấp hơn so với một năm trước. Việc tiêm chủng đã có tác dụng và cuộc khủng hoảng sức khỏe này chỉ có thể được ngăn chặn bằng khoa học”.

Các chuyên gia y tế đồng ý rằng tỷ lệ tiêm chủng cao của Tây Ban Nha đã tạo nên sự khác biệt của nước này so với các nước châu Âu khác. Hơn 80% người dân Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của Omicron - đặc biệt là ở Anh và Đan Mạch, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao - đã khiến nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo.

Một số chuyên gia sức khỏe cộng đồng bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận chờ đợi của chính phủ. Rafael Vilasanjuan, Giám đốc chính sách của ISGlobal - một tổ chức tư vấn sức khỏe cộng đồng ở Barcelona, cho rằng Tây Ban Nha có thể bỏ lỡ thời gian tốt nhất để làm chậm sự lây lan của biến chủng này.

Ông nói: “Với tình huống hiện tại, chúng ta không nên nghĩ rằng có vaccine là đủ. Chúng ta có thể rơi vào tình cảnh như các nước khác, với tỷ lệ nhập viện cao”.

Một cuộc biểu tình chống "hộ chiếu" Covid-19 ở San Sebastían, Tây Ban Nha, ngày 18/12. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, tại Italy, chính phủ đang xem xét áp dụng các biện pháp mới trong bối cảnh lo ngại về Omicron, nhưng Thủ tướng Mario Draghi hôm 20/12 cho biết chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nước này đã đưa chiến dịch tiêm chủng trở thành ưu tiên quốc gia.

Đẩy mạnh tiêm nhắc lại

Các chính phủ đang đẩy nhanh việc tiêm nhắc lại khi nhiều nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng các liều vaccine cơ bản không đủ để ngăn ngừa Omicron, dù vẫn có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Nhằm tăng áp lực buộc người dân đi tiêm chủng, chính phủ Pháp sẽ ban hành một dự luật vào đầu năm tới để thay đổi thẻ y tế thành thẻ tiêm chủng. Hơn 70% dân số Pháp đã được tiêm hai liều vaccine, trong khi khoảng 6 triệu người vẫn chưa được tiêm mũi nào.

Điều đó đồng nghĩa người dân Pháp sẽ buộc phải tiêm phòng mới có thể vào nhà hàng hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đường dài. Theo các quy tắc hiện hành, chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus có thể được xem là “giấy thông hành”, bất kể có tiêm phòng hay chưa.

Tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em ở Potenza, Italy, ngày 19/12. Ảnh: Shutterstock.

Pháp cũng đang rút ngắn thời gian tiêm nhắc lại cho người đã nhận đủ 2 liều vaccine, giảm từ 5 tháng xuống còn 4 tháng kể từ ngày hoàn thành mũi 2. Cho đến nay, khoảng 17,5 triệu người đã được tiêm tăng cường.

Vào tháng 10, Italy trở thành nước châu Âu lớn đầu tiên yêu cầu “Green Pass” (tạm dịch: Thẻ Xanh) cho tất cả người lao động. Kể từ đó, quốc gia này đã tiếp tục thắt chặt hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng.

Kể từ tuần trước, người từ các nước châu Âu khác khi đến Italy phải xuất trình xét nghiệm âm tính với virus và bằng chứng đã tiêm phòng hoặc khỏi bệnh, nếu không họ có thể bị cách ly.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-phan-ung-doi-nghich-truoc-omicron-o-chau-au-post1284774.html