Hai 'nốt trầm' của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30

Kết thúc SEA Games 30, bắn súng với xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh đã lần đầu sau 30 năm không thể giành HCV, trong khi các chân dài bóng chuyền kỷ lục buồn toàn thua 9 trận chung kết. Hai kết quả thất vọng theo cách khác nhau này càng trở nên… tồi tệ trong một kỳ SEA Games thành công toàn diện, nhiều đột phá của thể thao Việt Nam.

Bắn súng Việt Nam đã lần đầu tiên sau 30 năm, kể từ SEA Games 1989 không giành được HCV nào.

Bắn súng Việt Nam đã lần đầu tiên sau 30 năm, kể từ SEA Games 1989 không giành được HCV nào.

Xạ thủ vô địch Olympic cùng bắn súng Việt gặp ác mộng sau 30 năm

Với việc xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh cùng người đồng đội Trần Quốc Cường để vuột tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi, bắn súng Việt Nam đã lần đầu tiên sau 30 năm, kể từ SEA Games 1989 không giành được HCV nào.

Ác mộng của bắn súng Việt Nam còn có thể kéo dài khi đang đứng trước nguy cơ không giành nổi suất chính thức tới Olympic 2020.

Ở 14 kỳ SEA Games trước đó (ngoại trừ năm 1999 không có trong chương trình thi đấu), bắn súng Việt Nam đều có HCV. Ngay kỳ SEA Games đầu tiên hội nhập trở lại của thể thao Việt Nam cách đây 30 năm, bắn súng chính là môn duy nhất đoạt được HCV, thậm chí còn có tới ba lần đăng quang. Ở kỳ SEA Games thành công nhất năm 2003 trên sân nhà, bắn súng Việt Nam còn đoạt tới 22 HCV.

Trước SEA Games 30, bắn súng là môn duy nhất của thể thao Viêt Nam luôn giành HCV, bất chấp mọi trở ngại về chương trình thi đấu hay súng đạn. Hai năm trước, sự tỏa sáng giành 1 HCV kịp thời của “đàn em” Hà Minh Thành đã cứu cho ĐTVN cảnh “trắng tay” khi Hoàng Xuân Vinh thất bại.

Tuy nhiên đến SEA Games 30, điều này đã không xảy ra. Việt Nam chỉ có một “cửa” duy nhất để đua tranh HCV đặt vào niềm hi vọng Hoàng Xuân Vinh. Xạ thủ quân đội để vuột HCV, trong khi đồng đội Quốc Cường không thể vào vai người “giải cứu”, ĐTQG đã rời SEA Games mà không có HCV nào.

Dù có lý do khách quan mang tính quyết định khi nước chủ nhà chỉ tổ chức đúng 4 nội dung, song đây vẫn là một nỗi đau, một thất bại cay đắng. Càng đáng nói hơn bởi bắn súng Việt Nam đã rơi vào thảm cảnh khi đang sở hữu môt nhà vô địch Olympic. Cả Vinh cùng ĐTQG đã được ưu tiên đầu tư đặc biệt kể từ sau kỳ tích giành 1HCV, 1 HCB tại Olympic cách đây 3 năm.

Hoàng Xuân Vinh cùng người đồng đội Trần Quốc Cường để vuột tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi.

Ác mộng của bắn súng Việt Nam còn có thể kéo dài khi đang đứng trước nguy cơ không giành nổi suất chính thức tới Olympic 2020. Tại giải vô địch châu Á đồng thời là vòng loại Olympic cuối cùng diễn ra ngay trước SEA Games, Xuân Vinh cùng các đồng đội đều thất bại.

Thảm cảnh toàn thua của các “chân dài” bóng chuyền

Thất bại 0-3 trên đât Philippines đã là trận chung kết SEA Games thứ 9 toàn thua của các chân dài bóng chuyền Việt Nam trước người Thái. Trong 9 trận thua ấy, ĐTVN thậm chí chỉ thắng nổi đúng 1 hiệp.

SEA Games 2001 là kỳ Đại hội thể thao khu vực đầu tiên bóng chuyền nữ được đưa trở lại chương trình thi đấu sau khi vắng bóng trên đất Brunei. Việt Nam đã xuất sắc và nỗ lực, đặc biệt trong cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước Philippines ở bán kết, để lọt vào trận cuối gặp Thái Lan. Chỉ có điều, thầy trò HLV Nguyễn Mạnh Hùng khi ấy đã gần như buông xuôi bởi Thái Lan quá mạnh, thua nhanh với tỷ số 0-3.

Thảm cảnh toàn thua của bóng chuyền Nữ Việt Nam.

Cũng kể từ SEA Games 2001 khai mở đó cho đến SEA Games 2015, bóng chuyền nữ Việt Nam liên tục có mặt ở các trận chung kết SEA Games, chỉ gặp một đối thủ Thái Lan và luôn thất bại cách biệt. 8 trận chung kết cũng là 8 trận thua.

SEA Games 2017, Ngọc Hoa cùng các đồng đội không giành quyền vào chơi chung kết nên Việt Nam mới… không thua Thái Lan.

Thất bại 0-3 trên đât Philippines đã là trận chung kết SEA Games thứ 9 toàn thua của các chân dài bóng chuyền Việt Nam trước người Thái. Trong 9 trận thua ấy, ĐTVN thậm chí chỉ thắng nổi đúng 1 hiệp.

Tuy nhiên, đến SEA Games 30, ĐTVN trở lại được trận chung kết, tái ngộ Thái Lan và lại lập tức chấp nhận thất bại dễ dàng 0-3. Như vậy, bóng chuyền nữ Việt Nam qua nhiều đời HLV và nhiều lứa tuyển thủ khác nhau đã 9 lần phải ôm hận trước người Thái ở cả 9 trận chung kết, trong đó có 8 lần liên tiếp.

Xét ở các trận chung kết cụ thể, Thái Lan luôn ở một đẳng cấp vượt trội so với Việt Nam, và việc họ giành chiến thắng cũng không có gì bất ngờ. Dù vậy, điều giới chuyên môn cùng người hâm mộ đau đáu ở đây chính là sự bất lực đến mức tuyệt vọng trong cuộc bám đuổi người Thái.

Trước các kỳ SEA Games, mục tiêu trước sau như một được đặt ra chỉ là bảo vệ thành công tấm HCB sau Thái Lan. Thực tế, thầy trò ĐT Việt Nam sợ và nản trước đối thủ đã tiếp cận tới trình độ thế giới nên mỗi lần chạm trán gần như chỉ đấu theo kiểu ứng phó. Các ĐTQG các lứa đều không có được tinh thần chiến đấu và sự nỗ lực cao khi gặp người Thái. Chính xác hơn, họ gần như chỉ… đấu cho xong để nhận HCB. Nó được minh chứng rõ ràng là sau 9 trận chung kết SEA Games, Việt Nam mới chỉ “lấy” được của người Thái đúng một hiệp thắng trong trận thua 1-3 vào năm 2011.

Kỷ lục toàn thua Thái Lan ở chung kết SEA Games của bóng chuyền nữ Việt Nam cứ kéo dài mãi, vừa qua kỳ Đại hội thứ 10, và chưa biết bao giờ mới có thể khác. Trong khi đó, như một nghịch lý, bóng chuyền nữ vẫn được coi là môn số 2 của thể thao Việt Nam chỉ thua mỗi bóng đá nam, với sự quan tâm và đầu tư rất lớn.

Thành tích của bắn súng và bóng chuyền nữ rõ ràng là hai kết quả đáng thất vọng theo cách khác nhau tại SEA Games 30, và càng trở nên tồi tệ nếu đặt trong bối cảnh của một đoàn thể thao Việt Nam thành công toàn diện, đột phá.

Nhị Hường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/hai-not-tram-cua-the-thao-viet-nam-tai-sea-games-30-162608.html