Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đang không mặn mà với thỏa thuận hạt nhân?

Theo giới quan sát, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều có những mối bận tâm riêng về các vấn đề trong nước thay vì gấp rút đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump phá băng ngoại giao tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump phá băng ngoại giao tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters

“Tôi nghĩ Chủ tịch Kim Jong-un muốn đạt được một thỏa thuận, và tôi cũng muốn đạt thỏa thuận cùng với ông ấy. Tôi nghĩ chúng ta đã làm rất tốt đối với Triều Tiên trong thời gian qua. Tôi không vội vàng”, Tổng thống Trump phát biểu trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda ngày 12/6.

Với phát ngôn này, nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng khẳng định sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên, song ông không vội vàng trong việc đàm phán trước khi năm nay kết thúc. Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông cũng sẽ đợi.

Trong một bài viết đăng trên báo Nikkei Asian Review ngày 12/6, tác giả có viết cuộc bầu cử 2020 đang là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump trong khi Triều Tiên lại tập trung cho phát triển kinh tế.

Với những biểu hiện hiện tại, Tổng thống Trump dành ít sự quan tâm cho Triều Tiên, khi so với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế trong nước.

Theo báo này, cách điều hành nền kinh tế của Tổng thống Trump là yếu tố chính thúc đẩy cho việc tăng tỷ lệ tín nhiệm. Theo một khảo sát gần đây của hãng tin CNN, 26% người chọn kinh tế là lý do để họ ủng hộ Tổng thống Trump, theo sau là giải quyết tình trạng thất nghiệp chiếm 8%, chính sách quản lý biên giới chiếm 5% và chính sách Triều Tiên 1%.

Trong khi đó, trang web RealClearPolitics nhấn mạnh tỷ lệ tín nhiệm ông Trump luôn dao động ở mức 45% trước và sau thời điểm các cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Kim Jong-un. Con số này nói lên rằng các cuộc gặp thượng đỉnh này không có ảnh hưởng nhiều tới mức độ ủng hộ ông Trump.

“Ông Trump đang chơi để không bị thua. Trong khi duy trì các vấn đề Triều Tiên để lấy uy tín và khiến Bình Nhưỡng bắt đầu nhượng bộ, Tổng thống lại được ca ngợi vì đã từ chối ký vào bản thỏa thuận xuống nước”, một nhà quan sát tại Washington cho biết. Trên thực tế, Tổng thống Trump được các lãnh đạo hai đảng, Cộng hòa và Dân chủ, khen ngợi vì đã bảo vệ được lợi ích quốc gia sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội kết thúc mà không ra được thỏa thuận chung.

Trong khi Tổng thống Trump chuyển hướng tập trung sang cuộc bầu cử 2020, thì Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiện tại lại có ý định đẩy mạnh các chương trình cải thiện triển vọng kinh tế đất nước.

Sau hai lần phóng thử vũ khí tầm ngắn, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/6 đưa tin về hàng loạt nhà máy cơ khí cùng các cơ sở kinh tế trọng điểm tại tỉnh Jagang.

Giới phân tích đánh giá động thái này của nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa là thông điệp gửi tới Mỹ về quyết tâm của quốc gia Đông Á vừa là thông điệp gửi tới người dân nước mình, khuyến khích hoạt động kinh tế, đề cao tư tưởng tự lực tự cường của đất nước.

Trong bối cảnh vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các lệnh trừng phạt được nới lỏng, lời kêu gọi cải cách cơ cấu tại Triều Tiên đang trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết.

KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đánh giá cao hiệu quả của nhà máy trong việc sản xuất máy móc và thiết bị hữu hiệu vừa cho phục vụ kinh tế vừa tăng cường năng lực quốc phòng” khi tới thăm các nhà máy cơ khí tại tỉnh Jagang.

"Chủ tịch Kim Jong-un đã đặt ra những nhiệm vụ rất quan trọng làm kim chỉ nam cho việc quản lý và vận hành nhà máy. Chủ tịch xác nhận nhà máy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí của đất nước", KNCA viết về chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un tại nhà máy Kanggye.

Hồi tháng 5, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tầm ngắn. Như vậy, sự chậm trễ trong việc đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump được tin rằng không khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy phiền phức, vì ông có thể sử dụng thời gian này để tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Các vụ phóng tháng 5 được cho là đã cải thiện một số năng lực nhất định, bao gồm cả độ chính xác của tên lửa.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/hai-nha-lanh-dao-mytrieu-dang-khong-man-ma-voi-thoa-thuan-hat-nhan-20190613162620657.htm